Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2024, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đôn đốc khẩn trương sửa Nghị định 20, nâng mức hỗ trợ đối với các đối tượng bảo trợ xã hội.
Sáng 29/2, tại Hội nghị giao ban công tác sau Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác của Bộ trong những tháng đầu năm 2024, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp khắc phục trong những tháng tiếp theo của năm nay.
Với phương châm "đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển", Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị rà soát lại nhiệm vụ cụ thể, triển khai các đầu việc bám sát 6 quan điểm trọng tâm, 15 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 52 nhiệm vụ cụ thể đã được đặt ra trong năm 2024. Trong đó, 6 nhiệm vụ trọng tâm cơ bản nhất gồm:
Toàn cảnh Hội nghị giao ban công tác (Ảnh: Tống Giáp).
Thứ nhất, Bộ trưởng yêu cầu cần đặc biệt quan tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách theo chức năng, nhiệm vụ, chương trình được Ban Cán sự Đảng Bộ, lãnh đạo Bộ phê duyệt. Việc này cần thực hiện với tinh thần chủ động cao nhất, sớm nhất, chất lượng nhất.
Từ chiều nay, Ban Cán sự Đảng Bộ ban hành nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng trong việc xây dựng thể chế, chính sách pháp luật theo tinh thần của Ban Bí thư về xây dựng thể chế.
Trong đó, có 3 nhóm vấn đề quan trọng nhất là xây dựng các chủ trương, chính sách trình Ban Bí thư, Chính phủ; đặc biệt các luật, nghị định, pháp lệnh… theo quy định; những văn bản do Bộ ban hành.
Hiện nay, khi xây dựng văn bản pháp luật từ thông tư trở lên phải có chủ trương của Ban Cán sự Đảng, đặc biệt là những thông tư, nghị định, văn bản phức tạp, có tác động sâu rộng đến người dân cần phải trình, thảo luận tập thể nêu rõ vấn đề còn ý kiến khác nhau, cần xin ý kiến…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ 6 nhiệm vụ trong tâm của ngành trong năm 2024 (Ảnh: Tống Giáp).
Thứ hai, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu tập trung cao độ cho vấn đề lao động, việc làm, phát triển thị trường lao động. Với nội dung này, rất nhiều đầu việc cần làm liên quan đến lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, xây dựng cung cầu lao động, giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm…
Thứ ba, Bộ trưởng cho biết cần đẩy mạnh, đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Đây là nội dung trọng tâm với mục tiêu xây dựng thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ, hiện đại và hội nhập. Trong đó, chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực ở những ngành nghề mới như chip, bán dẫn, hydrogen, tín chỉ carbon…
"Nếu không cập nhật nhanh, thường xuyên thì giáo dục nghề nghiệp cũng đứng ngoài cuộc", Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nói.
Thứ tư, Bộ trưởng nhấn mạnh việc phát triển hệ thống an sinh bao trùm và bền vững, toàn diện, đa dạng và nâng cao khả năng tiếp cận chính sách của các nhóm đối tượng yếu thế theo tinh thần Nghị quyết 42.
Bộ trưởng lưu ý khẩn trương sửa Nghị định 20 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội. Bởi hiện nay, mức trợ giúp xã hội rất thấp, chỉ 360.000 đồng/tháng thì sống sao.
Thứ năm, tư lệnh ngành chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, coi đây là trọng tâm. Đặc biệt thực hiện chi trả thông qua tài khoản, dịch vụ để hạn chế tối đa tiêu cực, phát sinh những thủ tục không cần thiết. Bộ trưởng cho biết, chỉ những người không có khả năng dùng tài khoản mới chi trả tiền mặt.
Nhiệm vụ thứ sáu, Bộ trưởng cho biết cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỉ cương, kỉ luật hành chính của các đơn vị thuộc Bộ.
Bộ trưởng quả quyết sẽ xử lý nghiêm việc các đơn vị đùn đẩy, né tránh, làm chậm trễ công việc chung.
Bộ trưởng phân công các Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực chủ trì, phối hợp với các đơn vị xử lý dứt điểm những vấn đề tồn đọng (Ảnh: Tống Giáp).
Để thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, Bộ trưởng đề nghị xử lý các vấn đề khó khăn liên quan đến công tác giảm nghèo, công nghệ thông tin, dự án công nghệ thông tin về bảo hiểm thất nghiệp…
Bộ trưởng cũng phân công các Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực chủ trì, phối hợp với các đơn vị xử lý những vấn đề còn đang tồn đọng. Với những vấn đề vượt thẩm quyền, cần báo cáo cụ thể Bộ trưởng, Chính phủ… xem xét, tháo gỡ.
Trước đó, Cục Người có công đề nghị Bộ báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét thanh toán kinh phí giám định ADN cho các đơn vị giám định ADN năm 2021-2022. Cục An toàn lao động đề nghị Bộ sớm xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất từ trung ương xuống địa phương để dễ quản lý, khai thác thông tin dữ liệu…
LTH - Phòng BTXH (Nguồn Báo Dân trí)