Nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử, từ lâu đã trở thành yêu cầu quan trọng đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Với sự thay đổi vượt bậc về tư duy và hành động của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với vị trí, vai trò của người phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý; công tác định hướng của Đảng được phát huy và tập trung cao độ, đảm bảo dân chủ, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, tỷ lệ nữ đại biểu cơ bản đảm bảo cơ cấu; đặc biệt chất lượng của các nữ đại biểu cũng được nâng lên.
Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền Nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, thể chế hóa vào trong chính sách, pháp luật. Với những quy định về quyền phụ nữ và bình đẳng nam nữ trong các bản Hiến pháp, Quốc hội Việt Nam đã tạo dựng cho phụ nữ Việt Nam địa vị pháp lý rõ ràng là người chủ đất nước, có đầy đủ mọi quyền như nam giới, nhưng được quan tâm hơn vì phụ nữ là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ phấn đấu vươn lên. Cùng với sự phát triển không ngừng của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong xu thế hội nhập khu vực và thế giới, sự tiến bộ và phát triển toàn diện của phụ nữ Việt Nam tiếp tục được củng cố và nâng cao hơn trong những năm tới, đặc biệt khi Quốc hội xem xét và thông qua Luật Bình đẳng giới trong năm 2006 là cơ sở pháp lý quan trọng và có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, tạo điều kiện cho phụ nữ Việt Nam nối tiếp truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trước đây và “năng động, sáng tạo, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ đổi mới đất nước để đóng góp trí tuệ và công sức vào sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh; vì sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ Việt Nam trong thế kỷ XXI. Với gần 51% dân số, chiếm tỷ lệ hơn 50,6% lực lượng lao động, dù ở vị trí nào, phụ nữ cũng đều thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ của mình, kể cả ở các cương vị quan trọng của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt tại cơ quan quyền lực Nhà nước Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp trong những hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương qua các thời kỳ, ở đâu cũng có sự đóng góp tích cực của những phụ nữ ưu tú là đại biểu của nhân dân. Mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp có một đặc thù riêng, với những thách thức và trách nhiệm, song mỗi giai đoạn phát triển của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đã ghi nhận những bước trưởng thành của nữ đại biểu dân cử. Việc tăng cường tỷ lệ nữ tham gia vào các cương vị lãnh đạo trong các cơ quan dân cử để thực hiện quyền lập pháp, giám sát và ra quyết định là một đòi hỏi khách quan của sự phát triển xã hội. Sau khi đất nước thống nhất, đặc biệt là sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới (1986-2016), PNVN lại tiếp tục đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, thể thao, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Bước vào thời kỳ đổi mới, việc nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của phụ nữ trong cơ quan quyền lực Nhà nước luôn gắn liền với sự phát triển của đất nước và được xem xét dưới góc độ của giới cùng với việc tạo điều kiện cho phụ nữ vươn lên đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ phụ nữ tham gia đại biểu Quốc hội đạt 26,8%, tăng 2,71% so với khóa XIII. Có 25 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30%. Về tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tăng hơn so với nhiệm kỳ trước: Cấp tỉnh đạt 26,46%, tăng 1,29%; cấp huyện đạt 27,51%, tăng 2,89%; cấp xã đạt 26,70%, tăng 4,99%. Riêng đối với tỉnh ta, số lượng nữ được bầu vào HĐND các cấp được đánh giá là đảm bảo về số lượng, cơ cấu và chất lượng. Trong đó, HĐND cấp tỉnh có 14 người/55 đại biểu trúng cử (chiếm tỷ lệ 25,45%); HĐND cấp huyện có 124 người/446 đại biểu trúng cử (chiếm tỷ lệ 27,80%; HĐND cấp xã, có 1.821/6.540 người (chiếm tỷ lệ 27,84%). 100% nữ đại biểu HĐND từ cấp tỉnh đến cấp xã có trình độ đại học và trên đại học. Có được kết quả trên ngoài sự nỗ lực phấn đấu của ứng cử viên, còn có sự vào cuộc quyết liệt của Hội Liên hiệp PNVN và của các cơ quan hữu quan thông qua các hoạt động tuyên truyền, tổ chức tọa đàm, tập huấn nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp. Việc định hướng của Quốc hội và HĐND các cấp cấp là yếu tố rất quan trọng đối với việc bảo đảm quyền của phụ nữ trong tham gia cơ quan dân cử “Bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách ứng cử chính thức những ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ” (Nghị quyết số 1132/NQ-UBTVQH13 ngày 16/1/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Điều đó đánh dấu sự thay đổi vượt bậc về tư duy và hành động của các cấp chính quyền địa phương đối với vị trí, vai trò của người phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý nhà nước. Công tác định hướng thể hiện sự lãnh đạo tập trung cao độ của Đảng, không dàn trải và mất dân chủ. Để có định hướng tốt và triển khai thực hiện đúng định hướng, công tác quy hoạch, lựa chọn và đào tạo cán bộ nữ được cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh ta đặc biệt chú trọng. Thực tế cho thấy, hoạt động quy hoạch, đào tạo, lựa chọn và giới thiệu nhân sự là phụ nữ ở cơ quan, đơn vị hay địa phương nào được tiến hành thường xuyên, bảo đảm dân chủ và có hiệu quả thì tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo quản lý, tham gia ứng cử, bầu cử luôn đúng định hướng và đạt ở mức cao. Chủ động từ tổ chức Hội Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, các tầng lớp phụ nữ về quyền và trách nhiệm trong xây dựng, củng cố, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; vận động phụ nữ tích cực, chủ động tham gia hoạt động của cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, góp phần đảm bảo tỷ lệ và chất lượng phụ nữ tham gia Quốc hội khoá XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Hội LHPN Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều hoạt động triển khai, quán triệt các văn bản của Hội đồng bầu cử Quốc gia về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2016-2021 tới các cấp hội. Chỉ đạo 100% các huyện, thành, thị, cơ sở trực thuộc tổ chức quán triệt, phổ biến những nội dung cơ bản của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, trọng tâm là những điểm mới trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND; các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của địa phương. Chủ động giới thiệu cán bộ nữ đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia ứng cử. Lồng ghép tuyên truyền Luật Bầu cử vào các cuộc sinh hoạt hội; in và phổ biến Luật bầu cử đến các cơ sở Hội; tổ chức giao lưu văn nghệ tuyên truyền bầu cử; xây dựng, phát động các công trình chào mừng bầu cử, tổ chức hội thi tìm hiểu về bầu cử… Xác định vai trò quan trọng của các cấp hội phụ nữ trong việc giới thiệu ứng cử viên, Hội LHPN Hà Tĩnh đã chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân về vị trí, vai trò, năng lực của phụ nữ, về bình đẳng giới và công tác bầu cử; phối hợp trong tham mưu, đề xuất chính sách với Tỉnh ủy, xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn bầu cử quy định tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; giới thiệu nguồn nhân sự nữ tham gia ứng cử. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cán bộ nữ, nữ tham gia ứng cử, nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Chủ động đề xuất việc sắp xếp ứng cử viên nữ theo đơn vị bầu cử, đảm bảo chất lượng và cơ hội trúng cử cao nhất. Vẫn còn những thách thức Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử chính là một trong những mục tiêu phấn đấu của bình đẳng thực chất vì phụ nữ chiếm hơn một nửa dân số. Tỷ lệ phụ nữ được nâng lên trong các cơ quan dân cử sẽ đảm bảo cho việc tham gia quyết định chính sách, đặc biệt là các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, các chính sách về bảo vệ quyền con người, về văn hóa, giáo dục, các vấn đề xã hội và môi trường... Mặc dù tỉ lệ phụ nữ tham gia QH và HĐND các cấp có tăng qua các nhiệm kỳ nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu đề ra, đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải có những bước đi vững chắc hơn và có những giải pháp đột phá mạnh mẽ hơn nữa để thực hiện mục tiêu đạt 35% trở lên nữ đại biểu QH và đại biểu HĐND các cấp của nhiệm kỳ 2016-2021, như Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra. Một trong những hạn chế của đa số phụ nữ là tính tự ti, chưa dám khẳng định vai trò của giới mình và chính bản thân mình trong xã hội, nhất là những vị trí lãnh đạo, quản lý. Về bản thân các ứng cử viên nữ khi được hiệp thương giới thiệu làm ứng cử viên đại biểu QH và ứng cử viên HĐND các cấp phải xem đây là niềm vinh dự, tự hào của bản thân, của giới, là dịp để nâng cao kiến thức chuyên môn và hiểu biết xã hội cũng như rèn luyện các kỹ năng cần thiết để làm tốt các nhiệm vụ trong cơ quan dân cử. Đây cũng chính là vấn đề đang đặt ra cho công tác cán bộ nữ trong các cơ quan dân cử ở tỉnh ta; là những thách thức đặt ra trong công tác cán bộ nữ nói chung và chiến lược nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử nói riêng của Hà Tĩnh trong thời gian tới. Với sự quyết tâm và nỗ lực nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử, Hà Tĩnh đang từng bước hiện thực hóa tinh thần của Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và Quyết định số 1241/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia vềbình đẳng giới giai đoạn 2011- 2015; tạo điều kiện và cơ hội cho phụ nữ vươn lên khẳng định vai trò, vị trí của mình trong các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, rút ngắn khoảng cách bất bình đẳng giới, đóng góp tài năng và trí tuệ của mình vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nhà.