Kiến nghị của cử tri Hà Tĩnh được trả lời trực tiếp tại kỳ họp HĐND tỉnh
Kiến nghị về nông nghiệp nông thôn được đặc biệt quan tâm
Nông nghiệp nông thôn - lĩnh vực được phần lớn được cử tri quan tâm nhận được 14 câu hỏi. Trong đó, yêu cầu đầu tiên mà cử tri đặt ra là tập trung chỉ đạo nghiên cứu, sản xuất các loại giống lúa phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để ổn định bộ giống, phục vụ sản xuất; có giải pháp liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Phó Chủ tịch Đặng Ngọc Sơn thay mặt UBND tỉnh trả lời ngay tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh sáng nay
Về vấn đề giống lúa, UBND tỉnh khẳng định bộ giống hiện nay cơ bản đáp ứng yêu cầu các địa phương về sinh thái, thổ nhưỡng vùng miền, tập quán canh tác và đáp ứng được yêu cầu thị trường hàng hóa. Tuy vậy, do điều kiện khách quan của tự nhiên, chủ quan của người sản xuất và công tác quản lý nhà nước còn hạn chế nên kết quả sản xuất hàng năm vẫn còn xảy ra một số rủi ro, điển hình như thiệt hai do bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa Thiên ưu 8 vụ xuân 2017. Thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả bộ giống đã cơ cấu trong đề án sản xuất từng mùa vụ; kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực các doanh nghiệp sản xuất giống trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn; nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm để bổ sung vào bộ giống của tỉnh một số giống có năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng.
Mô hình liên kết trồng ớt ở Đức Thọ cho hiệu quả kinh tế cao
Đối với bài toán cử tri nêu về giải pháp liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, UBND tỉnh đang chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ thương mại, phát triển các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp có vai trò "đầu kéo"; tổ chức thực hiện tốt đề án mỗi xã một sản phẩm “OCOP” để tạo ra các sản phẩm có thế mạnh, uy tín, chất lượng. Đặc biệt, tỉnh đang đánh giá, rút kinh nghiệm từ các mô hình liên kết thành công để đưa ra các giải pháp nhằm tiếp tục duy trì các mô hình liên kết có hiệu quả bền vững và phát triển nhân rộng các mô hình liên kết mới trong thời gian tới.
Về xây dựng NTM, nhiều cử tri đề nghị có chính sách hỗ trợ các thôn xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu tại các xã chưa về đích NTM. Tuy nhiên, UBND tỉnh phân tích rõ, mỗi khu dân cư kiểu mẫu chỉ được xem xét hỗ trợ một lần theo chính sách đã quy định; mặt khác, các nội dung thực hiện xây dựng khu dân cư NTM đạt kiểu mẫu chủ yếu do người dân, cộng đồng thực hiện, thời gian không quá dài. Vì vậy, trong điều kiện khó khăn về ngân sách như hiện nay, chưa cần thiết phải xây dựng chính sách hỗ trợ như đề xuất của cử tri.
Trả lời rõ băn khoăn trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường
Đối với lĩnh vực tài nguyên, môi trường với 6 ý kiến, kiến nghị được tổng hợp, vấn đề cử tri đặc biệt là xử lý về đất đai đối một số dự án nông nghiệp chưa phát huy hiệu quả đã được UBND tỉnh nêu giải pháp giải quyết. Theo đó, việc quản lý và sử dụng đất của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, soát xét toàn bộ dự án để tham mưu UBND tỉnh quyết định việc điều chỉnh quy mô dự án, quy hoạch lại phạm vi các vùng đất cho thuê. Đối với dự án trồng cây cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ thu hồi, bố trí sử dụng cho dự án mới theo quy hoạch được duyệt.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y cùng đoàn công tác tổ chức khảo sát thực tế về kết quả thực hiện dự án bảo vệ môi trường khu vực thượng nguồn và ven hồ Bộc Nguyên vào ngày 7/7/2018
Đề xuất của cử tri Thạch Hà về bố trí kinh phí thực hiện dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bảo vệ môi trường khu vực thượng nguồn và ven hồ Bộc Nguyên, UBND tỉnh đang giao các sở, ngành và các đơn vị liên quan hướng dẫn UBND huyện Thạch Hà hoàn chỉnh các hồ sơ theo quy định, để có đủ cơ sở bố trí nguồn vốn triển khai thực hiện...
Giải đáp những ý kiến về các vấn đề văn hóa - xã hội
Trên lĩnh vực xã hội, cử tri đề nghị bố trí nguồn vốn hỗ trợ cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng bão số 10 năm 2017. UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ cụ thể, trong đó, đã thực hiện hỗ trợ mức 20 triệu đồng/hộ cho gia đình có nhà ở chính bị sập, đổ, trôi hoàn toàn; 5 triệu đồng/hộ cho gia đình có nhà ở chính bị thiệt hại từ 70% trở lên.
Về các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, tại kỳ họp này, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Đề án Phát triển giáo dục mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo, trong đó có phương án biệt phái giáo viên từ huyện thừa sang huyện thiếu; đào tạo lại, giảm biên chế hành chính để bổ sung đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp.
Ở lĩnh vực đầu tư, giao thông, xây dựng cơ bản và các dự án trọng điểm, UBND tỉnh đã giải đáp 7 nội dung. Trong đó, trả lời một cách cụ thể về hiện trạng, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa và kế hoạch bố trí vốn đối với các tuyến giao thông, công trình quan trọng, cấp thiết trên địa bàn mà cử tri toàn tỉnh tiếp tục kiến nghị tại kỳ họp này.