Chi phí xuất khẩu lao động (XKLĐ) thấp, mức lương hấp dẫn, chế độ đãi ngộ tốt… là lý do nhiều lao động Hà Tĩnh lựa chọn đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.
Lao động học tiếng Hàn tại Trung tâm Ngoại ngữ, tin học Golden (thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh).
Quyết định nghỉ việc sau 3 năm làm nghề hàn với mức lương từ 10-12 triệu đồng/tháng, Hoàng Văn Nhất ở xã Nam Điền, huyện Thạch Hà (SN 2001) tìm hiểu và đăng ký học tiếng Hàn tại Trung tâm Ngoại ngữ, tin học Golden (thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh) với mục tiêu sang xứ sở kim chi làm việc theo Chương trình EPS.
Hoàng Văn Nhất đang theo học lớp tiếng Hàn tại Trung tâm Ngoại ngữ, tin học Golden
Hoàng Văn Nhất từng tốt nghiệp nghề hàn ở Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh. Sau khi ra trường, Nhất tìm được việc làm và có thu nhập tương đối ổn định tuy nhiên vẫn quyết định đi XKLĐ tại Hàn Quốc để có thu nhập cao hơn.
Nhất chia sẻ: “Lao động sang làm việc ở Hàn Quốc có thu nhập từ 50-60 triệu đồng/tháng, cao hơn một số nước trong khu vực, vì vậy em sẽ cố gắng học tập tốt để thi đậu kỳ thi tiếng Hàn năm 2022”.
Hoàng Văn Triển ở xã Nam Điền, huyện Thạch Hà: "Cố gắng học để đậu kỳ thi sát hạch tiếng Hàn, bước quan trọng để xin visa theo Chương trình EPS”.
Còn Hoàng Văn Triển ở xã Nam Điền, huyện Thạch Hà (SN 2000) làm nghề tự do, thu nhập không ổn định. Hiện Triển đang theo học tiếng Hàn được gần 3 tháng tại Trung tâm Ngoại ngữ, tin học Golden.
Triển cho biết: “Đi XKLĐ theo Chương trình EPS có chi phí thấp nhưng thu nhập tương đối tốt so với các thị trường khác. Vì vậy, tôi cố gắng học để đậu kỳ thi sát hạch tiếng Hàn, bước quan trọng để xin visa theo Chương trình EPS”.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm Ngoại ngữ, tin học Golden đã mở 3 lớp với hơn 40 học viên đăng ký học tiếng Hàn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh cho biết: “Năm 2022, Chính phủ Hàn Quốc tăng chỉ tiêu tiếp nhận lao động ngoài nước theo Chương trình EPS sẽ là cơ hội cho lao động Hà Tĩnh tiếp cận thị trường đầy tiềm năng này với mức chi phí thấp”.
Cũng theo bà Hương, dù có ưu điểm vượt trội về thu nhập, tuy nhiên thách thức đối với người lao động theo Chương trình EPS là phải trải qua kỳ thi năng lực tiếng Hàn do phía Hàn Quốc phối hợp với Việt Nam tổ chức. Kết quả kỳ thi chỉ có thời hạn 2 năm, nếu người lao động không được lựa chọn mà còn nguyện vọng thì phải đăng ký thi lại.
Lao động Hà Tĩnh thi đậu kỳ thi tiếng Hàn năm 2021 đăng ký nộp hồ sơ xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS.
Để tạo điều kiện cho lao động Hà Tĩnh tiếp cận thị trường lao động Hàn Quốc theo Chương trình EPS, Trung tâm Ngoại ngữ, tin học Golden liên tục tuyển sinh các khóa học tiếng Hàn. Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã mở 3 lớp tiếng Hàn với hơn 40 học viên theo học.
Từ nhiều năm nay, Chương trình EPS là một trong những kênh xuất khẩu lao động hiệu quả của tỉnh. Theo Sở LĐ-TB&XH, năm 2021, toàn tỉnh có 983 lao động đăng ký và xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 164 lao động đã xuất cảnh và có 448 lao động đăng ký nộp hồ sơ xuất cảnh theo Chương trình EPS.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), năm 2022, Ủy ban Chính sách nhân lực nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc đã họp và thống nhất chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài theo Chương trình EPS.
Theo đó, tổng chỉ tiêu tiếp nhận lao động theo Chương trình EPS trong năm 2022 được quyết định ở mức 59.000 người (tăng 7.000 chỉ tiêu so với năm 2021). Trong đó, phân bổ theo ngành nghề, ngành sản xuất chế tạo tăng 6.800 chỉ tiêu, tổng số là 44.500 người; nông nghiệp, chăn nuôi tăng 1.600 chỉ tiêu, tổng số là 8.000 người; ngư nghiệp tăng 1.000 chỉ tiêu, tổng số 4.000 người; xây dựng tăng 600 chỉ tiêu, tổng số 2.400 người. Riêng ngành dịch vụ vẫn giữ nguyên chỉ tiêu 100 người.