Tin theo lời môi giới đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Nhật Bản, 11 lao động Hà Tĩnh đã bị lừa với số tiền gần 3 tỷ đồng nên lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, cuộc sống lao đao.
Tháng 2/2016, Nguyễn Doãn Đức (SN 1989, ở xã Thạch Sơn, Thạch Hà) được một người trong xã giới thiệu Công ty CP Hữu Nghị chi nhánh tại Hà Nội tuyển dụng lao động đi XKLĐ tại Nhật Bản. Địa chỉ của công ty là: Khu biệt thự 12BT4x2 Bắc Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ngay sau đó, Đức đã ra Hà Nội học tiếng Nhật để sang Nhật làm việc. Học được 5 tháng, Đức nhận được thông báo của công ty phải nộp 220 triệu đồng để chuẩn bị bay. Đức điện thoại về cho gia đình đi vay tiền ngân hàng và anh em họ hàng.
Nộp xong, Đức trở về quê chuẩn bị tư trang để chờ ngày sang Nhật Bản. Sau hơn 1 tháng chờ đợi, Đức nhận được thông tin từ những người bạn cùng học tiếng Nhật là công ty đã chuyển địa điểm và không liên lạc được với giám đốc là ông Nguyễn Thành Trung. Đức cùng với những người trong xã ra Hà Nội tìm công ty nhưng vô vọng. Đức đã cùng 20 người lao động (một số người ở tỉnh khác) làm đơn “kêu cứu” tập thể đến Công an quận Hoàng Mai. Tuy nhiên, đến nay, đã hơn 1 năm, vụ việc vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Đức nghẹn ngào cho biết: “Để có số tiền lớn nộp cho công ty, bố mẹ tôi đã thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng 150 triệu đồng, số còn lại vay mượn anh em, họ hàng nên cuộc sống gia đình lâm vào cảnh khốn cùng. Hàng ngày, tôi phải đi làm thuê, công việc không thường xuyên nên thu nhập bấp bênh, có tháng không đủ tiền trả lãi ngân hàng. Nếu không lấy được tiền thì không biết đến bao giờ gia đình tôi mới có thể trả hết nợ”.
Anh Nguyễn Thanh Giang (SN 1993, ở xã Thạch Sơn) cũng là nạn nhân bị lừa như anh Đức. Anh Giang bức xúc cho biết: “Gia đình tôi vay ngân hàng hơn 200 triệu đồng để nộp cho công ty, chờ đợi mãi không được đi XKLĐ và không lấy lại được tiền, trong khi đó, áp lực nợ nần quá lớn nên tôi phải xin đi làm việc ở Quảng Ninh. Hiện 3 mẹ con tôi đều phải làm thuê kiếm tiền trả lãi ngân hàng”.
Một trường hợp khác là anh Lê Viết Hữu (SN 1984, ở TX Hồng Lĩnh) đã nộp vào công ty hơn 200 triệu đồng để đi XKLĐ ở Nhật Bản. Chờ mãi không đi được, tiền cũng chưa biết bao giờ mới lấy lại, anh đành liều vay thêm để đi lao động tại Đài Loan từ mấy tháng nay. Hiện anh đang phải lao động cật lực nơi xứ người để trả nợ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hoàng Mai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thành Trung (SN 1982, quê quán Nham Sơn, huyện Yên Dũng, Bắc Giang; trú tại Bắc Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đối tượng Trung đang bị cơ quan công an truy nã.
Ông Đặng Văn Dũng - Trưởng phòng LĐVL, Sở LĐ-TB&XH cho biết: Vì tin qua đối tượng môi giới, nên đã có không ít người lao động mắc phải các chiêu lừa đảo XKLĐ của các “doanh nghiệp ma. Nếu người dân muốn đi XKLĐ, cần tìm đến những doanh nghiệp uy tín, có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ LĐ-TB&XH cấp. Đồng thời, người lao động cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về doanh nghiệp, đơn vị XKLĐ, tìm hiểu đơn hàng, mức lương và quan trọng nhất là phải hợp đồng trước khi nộp tiền. Người lao động cần tỉnh táo và cảnh giác trước tất cả những thông tin, lời mời, hứa hẹn giúp đỡ đi làm việc tại nước ngoài với mức lương cao để tránh bị lợi dụng.