Vừa qua, tại Quảng Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Bình đẳng giới và gia đình Hàn Quốc tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án hỗ trợ xây dựng và vận hành mô hình Trung tâm nâng cao năng lực dạy nghề cho phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2011-2014. Tham dự Hội nghị có sự tham dự của đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, Quỹ Phụ nữ và Gia đình quốc tế Hàn Quốc, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh Quảng Nam.
Mô hình Xe tư vấn việc làm lưu động tại Cần Thơ
Trong 4 năm vừa qua, việc hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc để Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội triển khai mô hình Trung tâm nâng cao năng lực dạy nghề cho phụ nữ Việt Nam đã giúp các cơ quan chức năng của Việt Nam có thêm nhiều kinh nghiệm trong triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. Các hoạt động của dự án qua từng năm đã có những điểm nhấn mới, đi vào chiều sâu và hỗ trợ tích cực trong công tác đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nữ. Việc thực hiện dự án tại Cần Thơ, Thái Bình và Quảng Nam trong thời gian qua cho thấy những thành tựu và tác động tích cực như: Thứ nhất, năng lực triển khai dự án và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, viên chức 3 Trung tâm đã có sự thay đổi đáng kể. Một số viên chức đã có kỹ năng chuyên sâu về tư vấn nghề và giới thiệu việc làm cho phụ nữ, trở thành giảng viên nguồn về Tư vấn nhóm của Trung tâm. Thứ hai, thông qua việc triển khai dự án, một số mô hình cung cấp dịch vụ thân thiện dành cho lao động nữ đã được triển khai tại Việt Nam, như mô hình Quán café – việc làm (job-café), tổng đài tư vấn điện thoại (call-center), phòng trông giữ trẻ tại Trung tâm GTVL, Tư vấn nhóm, Xe tư vấn việc làm lưu động, Ngày hội việc làm dành cho lao động nữ, dịch vụ tư vấn 1 cửa One-stop. Các hoạt động nêu trên đã góp phần mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ lao động nữ. Thứ ba, các hoạt động của dự án lấy lao động nữ làm đối tượng trung tâm để cung cấp, triển khai các dịch vụ/hoạt động hỗ trợ. Do vậy, nhiều chị em đã được tham gia, thụ hưởng các chương trình đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm. Trong giai đoạn 4 năm, đã có hàng chục lớp đào tạo nghề được tổ chức cho gần 800 lượt phụ nữ, một số lớp học do chuyên gia có trình độ cao của bạn đảm nhiệm. Đây là cơ hội tốt để tạo việc làm cho nhiều chị em, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Thư tư, kết quả thực hiện dự án đóng góp tích cực vào việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, cụ thể là trong lĩnh vực lao động- việc làm và các mô hình nhà giữ trẻ; hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, khởi sự và phát triển doanh nghiệp. Thứ năm, mặc dù nguồn lực hỗ trợ để thực hiện các hoạt động của dự án khá hạn hẹp, song với tinh thần trách nhiệm của đối tác và các cơ quan liên quan ở cả trung ương và địa phương, các hoạt động đã được triển khai rất hiệu quả, đa dạng, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu thiết thực của lao động nữ. Hy vọng rằng, với những cơ hội và điều kiện thuận lợi, các đơn vị chức năng của ba địa phương sẽ tiếp tục duy trì và phát triển thành công các mô hình, hoạt động đã được hỗ trợ, tạo đà vững chắc để xây dựng và phát triển mô hình Trung tâm hỗ trợ việc làm cho phụ nữ trong tổng thể bộ máy của Trung tâm Dịch vụ việc làm trong một tương lai gần nhất.