Bảo đảm bìnhđẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe là một trong những mục tiêu Chính phủ đặt ra cho ngành y tế. Trong những năm qua, ngành Y tế Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trên lĩnh vực này.
Phụ nữ ngày càng được tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe
Qua việc triển khai có hiệu quả các chính sách và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình hình sức khỏe sinh sản, duy trì mức sinh thấp hợp lý, hạn chế xu hướng gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh. Nhờ đó, đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để thực hiện các mục tiêu đó, ngành y tế đã tiến hành rà soát, kiện toàn mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản tuyến tỉnh, huyện, xã thông qua đào tạo, giám sát hỗ trợ tập trung vào các nội dung hoạt động chủ yếu như: Nâng cao chất lượng quản lý thai nghén; thực hiện nghiêm túc quy trình khống chế nhiễm khuẩn trong các dịch vụ sức khỏe sinh sản; chăm sóc sơ sinh thiết yếu; tư vấn sử dụng các biện pháp tránh thai sau sinh con, tuyên truyền các cơ sở y tế không thông báo kết quả giới tính thai nhi... Nhờ đó, nhiều chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe sinh sản đạt và vượt kế hoạch đề ra như: Tỷ số giới tính khi sinh năm 2016 là 112,35 bé trai/100 bé gái, năm 2019 là 109,23 bé trai/100 bé gái, ước năm 2020 là 109,4 bé trai/100 bé gái; Số phụ nữ 15 - 49 tuổi có chồng sử dụng biện pháp tránh thai hằng năm tăng, năm 2016 là 37.080 người, năm 2019 là 42.395 người, ước thực hiện năm 2020 là 45.610 người; tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh tăng dần qua các năm, năm 2016 là 11,49%, năm 2019 là 31,27%, ước năm 2020 là 40%. Sở Y tế cũng đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Chi cục Dân số - KHHGĐ cung cấp kịp thời, đầy đủ các phương tiện tránh thai, thuốc và vật tư tiêu hao cho tuyến cơ sở thực hiện chiến dịch đưa dịch vụ CSSKSS/ KHHGĐ đến các vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao. Từ năm 2011 đến nay, đã có 100.826 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, có chồng, đã có 1 hoặc 2 con trở lên đặt vòng tránh thai được miễn phí khám phụ khoa; 2.225 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng, đã có 2 con trở lên thực hiện triệt sản được phẫ̃u thuật miễn phí, được cấp thuốc phục vụ phẫ̃u thuật và thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng trong 12 tháng. Ngoài ra, các trường hợp này còn được ngân sách tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng/người để bồi dưỡng sức khỏe; tổ chức khám và điều trị các bệnh phụ khoa và các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản tại phòng khám Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Bên cạnh nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, ngành y tế còn tăng cường công tác truyền thông, trong đó chú trọng truyền thông trực tiếp để phụ nữ hiểu biết và dễ dàng tiếp cận hơn. Đội ngũ cán bộ y tế cơ sở đã rất nỗ lực trong việc phổ biến các chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản; phòng chống suy dịnh dưỡng cho trẻ em… Theo đó, hàng năm, 13/13 huyện, thị, thành phố, 216/216 xã, phường, thị trấn triển khai chương trình uống bổ sung vitamin A (đạt 100%); Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển từ ngày 17-23/10 hàng năm có 216/216 trạm y tế triển khai đạt tỷ lệ 100%: 216/216 xã sử dụng loa truyền thanh để tuyên truyền về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ vào các giờ cao điểm trong tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ.
Phụ nữ ngày càng được tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe
Với những biện pháp quyết liệt, hiệu quả, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm dần qua các năm (năm 2016, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 12,6%, thể thấp còi là 20,9%; năm 2020 các tỷ lệ này giảm xuống tương đương còn 8,9% và 14,9%). Điều này góp phần giảm áp lực, gánh nặng cho phụ nữ trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng con cái. Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu cho biết: “Bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ y tế được thể hiện trên các lĩnh vực như nâng cao chất lượng của hệ thống y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe; xây dựng mạng lưới y tế cơ sở với tính sẵn có, đa dạng để tạo điều kiện tiếp cận cho phụ nữ. Hiện, ngành y tế đang tiếp tục triển khai các đề án, mô hình về nâng cao chất lượng dân số, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh…, trong đó, chú trọng việc đảm bảo quyền lợi của phụ nữ trong tiếp cận các dịch vụ y tế”. Với những nỗ lực của các cấp ngành nói chung, ngành y tế nói riêng, phụ nữ đang dần được bình đẳng trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Điều đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp phụ nữ tự tin, khỏe mạnh để xây dựng gia đình và đóng góp nhiều hơn cho xã hội