Đối với tỉnh Nghệ An, công tác bình đẳng giới trong gia đình đã và đang từng bước được triển khai, thực hiện. Trong giai đoạn 2011-2015 tỉnh Nghệ An đã tập trung giải quyết nhiều vấn đề gốc rễ dẫn đến bất bình đẳng giới trong gia đình.
Thứ nhất, tập trung vào nhóm vấn đề liên quan đến quan niệm và định kiến xã hộivề nam giới và phụ nữ:
Trong gia đình, tư tưởng đề cao vai trò của người đàn ông, hạ thấp vai trò, vị thế của người phụ nữ làkháphổ biến, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Người phụ nữ phải đảm đương, quán xuyến công việc gia đình được cho là lẽ thường tình. Họ vừa phải tròn vai công việc xã hội trong khi vẫn phải hoàn thành tốt thiên chức của người vợ, người mẹ trong gia đình. Nam giới được tạo nhiều điều kiện, cơ hội phát triển hơn và tự cho rằng mình có quyền “dạy vợ, con” theo mọi cách. Bên cạnh đó, từ xưa đến nay, người phụ nữ thường phải cam chịu, cố gắng để giữ gìn hạnh phúc gia đình khiến khoảng cách về bình đẳng giới trong gia đình ngày càng lớn. Có rất nhiều nguyên nhân để họ phải cam chịu, nhẫn nhịn, nhưng có điều quan trọng là họ không muốn con cái không có bố nên dù thế nào họ vẫn nhẫn nhịn, cam chịu. Tình trạng phụ nữ bị ngược đãi vẫn xảy ra, người đàn ông có cơ hội để tiếp tục hành vi bảo thủ, độc đoán, gia trưởng của mình bởi vì chính những người mẹ lại tiếp tục truyền những tư tưởng cam chịu ấy cho con gái và cứ như thế tư tưởng cam chịu đã ăn sâu vào tiềm thức của người phụ nữ.
Thời gian qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ công chức, viên chức, người dân về phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, chú trọng tuyên tuyền về đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam ; Lồng ghép Ban chỉ đạo “Phòng, chống bạo lực gia đình” với Ban chỉ đạo “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từ tỉnh đến cơ sở; Duy trì thực hiện hiện tốt các Câu lạc bộ và Tổ phòng, chống bạo lực gia đình. Vì vậy, trong 4 năm, (2011-2014),Nghệ Anđã phát hiện 3.788 vụ bạo lực gia đình, trong đó: Số nạn nhân của bạo lực gia đình được phát hiện, được tư vấn về pháp lý, sức khỏe 2.433/3.788 người đạt 64%; Số người gây bạo lực gia đình được phát hiện, được tư vấn tại các cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình 2.218/3.388 người đạt 65%.
Quan niệm trọng nam khinh nữ vẫn còn hiện hữu ở Việt Nam, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Để hạn chế tình trạng này, và đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, tỉnh Nghệ An đã tăng cường chỉ đạo ngành y tếphối hợp với các Sở, ban, ngành liên quantổ chức triển khai thực hiện các chương trình, đề án nhằm giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em khi sinh, giảm tỷ lệ phá thai do kém hiểu biết, do lựa chọn giới tính thai nhi bằng các hình thức; tổ chức các cuộchội thảo, tập huấn cho cán bộ công chức công tác trong lĩnh vực y tế từ tỉnh đến huyện, xã. Đồng thời tổ chức các Chiến dịch truyền thông về vấn đề chăm sóc sức khỏe và giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh. Đến nay,tỷ số giới tính khi sinh năm 2014đã giảm xuống 113trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái; Giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản xuống 0,29%0; Tăng tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con lên35,1%; Giảm tỷ lệ phá thai xuống 17; tăng tỷ lệ phụ nữ có thai được khám 3 lần trong 3 kỳ thai nghén lên 73%.
Thứ hai, bất bình đẳng giới trong gia đình được quan tâm giải quyết từ việc nâng cao nhận thức, trình độ văn hóa, đào tạo nghề và giải quyết việc làm:
Thông thường người phụ nữ được xem là người phụ thuộc trong gia đình. Công việc nội trợ và thiên chức củangười phụ nữ bị đánh giá thấp.
Để giải quyết vấn đề này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phươngxây dựng các chương trình, kế hoạch, đề ánđẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó: Chú trọng công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục cho toàn dân; tổ chức xây dựng và thực hiện có hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế, kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân hỗ trợ đầu tư các dự án phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn; Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật cho người lao động nhất là lao động nữ ở nông thôn; Tăng cường các hoạt động xúc tiến việc làm, giới thiệu lao động qua đào tạo cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tạo điều kiện thuân lợi để người dân nhất là nữ vùng dân tộc thiểu số, hộ nghèo được vay vốn phát triển kinh tế, XĐGN. Do đó, đến hết năm 2014, Nghệ An đạt xóa mù chữ ở tỷ lệ cao (tỷ lệ biết chữ của nam trong độ tuổi 15-40 vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS đạt 99%; Nữ đạt 96,3%). Trong giai đoạn 2011-2014 đã giải quyêt việc làm cho 141.500 lao động. Bình quân mỗi năm giải quyết được khoảng 35.375 lao động, trong đó, lao động nam bình quân 1 năm được tạo việc làm là 55%, lao động nữ được tạo việc làm là 45%.Số lao động được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật 252.258 người, trong đó, lao động nữ được đào tạo nghề là 68.866 đạt 27%; Tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 79 %.
Nhằm đưa các chủ trương, chính sách về bình đẳng giới vào trong hương ước, quy ước của thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố, giúp người dân có nhận thức đúng về bình đẳng giới và thực hiện các hành vi có chuẩn mực, văn hóa tại cộng đồng, tỉnh đã chỉ đạo điểm xây dựng mô hình “Xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới” tại hai huyện Quỳ hợp, Con Cuông. Thông qua các hoạt động của mô hình đã giúp việc rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, xây dựng các hương ước quy ước của cộng đồng nhằm đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, trong đó lưu ý các nội dung nhằm thay đã quan niệm thích sinh con trai hơn con gái và phân biệt đối xử với con gái trong chia tài sản thừa kế.
Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo điểm xây dựng các mô hình: “ Câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình”, “ Ngăn ngừa và giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới”,phát triển địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, hộp thư tiếp nhận thông tin, đường dây nóng tại các huyện, thành, thị để giúp người dân nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực gia đình, và các hoạt động can thiệp nhằm giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình. Đồng thời, qua việc thực hiện các mô hình để xây dựng, hình thành và duy trì đội ngũ cộng tác viên làm công tác bình đẳng giới, phòng chóng bạo lực gia đình tại cơ sở.
Thứ ba, tăng cường ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh ủy và UBND tỉnh đối với việc phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới:
Với việc ban hành các Chỉ thị và Quyết địnhvề phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới... trong giai đoạn 2011-2015, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt cácvấn đề liên quan đến bình đẳng giới trong gia đình, đồng thời xác định bạo lực gia đình như là một sự vi phạm quyền con người và ảnh hưởng tới nhân phẩm con người.
Nội dung của Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 18/5/2012 về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng đối với công tác Bình đẳng giới, và trong các Quyết địnhsố 2573/QĐ-UBND ngày 05/7/2011 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011-2015; Quyết định số 1917/QĐ-UBND-VX ngày 01/6/2012 phê duyệt kế hoạch thực hiện Luật phòng chống bạo lực gia đình tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012-2015; Kế hoạch số 453/KH-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2013 của UBND tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện Nghị định số 02/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ Quy định về Công tác gia đình, trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định số 256/QĐ-UBND ngày 19 tháng 01 năm 2012 ban hành Đề án Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính giai đoạn 2012- 2015...đã có nhiều mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về vấn đề bình đẳng giới trong gia đình được đề cập đến. Để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đó đã có nhiều giải pháp được xây dựng và triển khai thực hiện. Và điều quan trọng, tỉnh đã có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành, địa phương để đảm bảo việc thực hiện bình đẳng giới trong gia đình được đi vào cuộc sống của cộng đồng, gia đình và mỗi cá nhân.
Tuy nhiên, bình đẳng giới trong các lĩnh vực đời sống nói chung và bình đẳng giới trong gia đình nói riêng không phải dễ dàng đạt được mà cần có quá trình thực hiện bền bỉ, lâu dài của các tổ chức, cộng đồng, gia đình, cá nhân. Để bình đẳng giới trong gia đình đạt được thực chất, thời gian tới cần tập trung vào các vấn đề sau:
Mỗi tổ chức, cộng đồng, gia đình, cá nhân phải hiểu và thực hiện đúng các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới.
Mỗi cá nhân có trách nhiệmtạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình nâng cao nhận thức, hiểu biết và tham gia các hoạt động về bình đẳng giới; Giáo dục các thành viên có trách nhiệm chia sẻ và phân công hợp lý công việc gia đình; Chăm sóc sức khoẻ sinh sản và tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện làm mẹ an toàn; Đối xử công bằng, tạo cơ hội như nhau giữa con trai, con gái trong học tập, lao động và tham gia các hoạt động khác.
Gia đình là tế bào của xã hội, nên việc quan tâm để gia đình phát triển bền vững là việc quan trọng với mọi cộng đồng, địa phương. Để gia đình đạt được no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc nhất thiết phải thực hiện bình đẳng giới. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng phân biệt đối xử trong gia đình.
Các cơ quan chức năng, nhất là ngành Lao động-TB&XH, Văn hóa-TT-DL theo chức năng nhiệm vụ của mình xây dựng kế hoạch của cấp mình, địa phương mình quản lý; tập huấn kỹ năng ngăn chặn, xử lý hành vi BLTCSG và BLGĐ cho cán bộ tham gia công tác này ở địa bàn; tổ chức bồi dưỡng cho nhân viên y tế của trạm y tế xã, phường, thị trấn về chuyên môn chăm sóc y tế ban đầu, tư vấn về sức khỏe cho nạn nhân bị bạo lực. Tổ chức hoạt động tư vấn, hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình ở cơ sở; tổ chức góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người có hành vi BLGĐ; Xây dựng,nhân rộng các mô hình PCBLGĐvà BLTCSG; Đồng thời thực hiện tốt công táckiểm tra, thanh tra, khen thưởng đối với các tổ chức, cộng đồng, gia đình, cá nhân trong lĩnh vực PCBLGĐ và ngăn ngừa, giảm thiểu BLTCSG.
Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệmtuyên truyền, giáo dục, khuyến khích, động viên hội viên và nhân dân chấp hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình,hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; Kiến nghị những biện pháp cần thiết với cơ quan nhà nước có liên quan để thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình,hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, chăm sóc, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình; Tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có trách nhiệm tổ chức cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; Tổ chức các hoạt động dạy nghề, tín dụng, tiết kiệm để hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.
Bình đẳng giới trong gia đình là tiền đề nhằm xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế-xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình./.