Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành nghị quyết chuyên đề về giáo dục nghề nghiệp
Xác định tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong việc phát triển nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngày 28 tháng 12 năm 2018, lần đầu tiên, Ban Cán sự Đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2021 và định hướng đến năm 2030. Nghị quyết đã nêu lên những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém của hệ thống GDNN và nguyên nhân của những hạn chế. Trên cơ sở đó, Nghị quyết đã làm rõ quan điểm chỉ đạo và mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN theo các giai đoạn, đồng thời đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu.
Ảnh minh họa
Phấn đấu tăng quy mô tuyển sinh GDNN:
Giai đoạn đến năm 2021:
Phấn đấu nâng quy mô tuyển sinh đạt 2,6 triệu người mỗi năm ít nhất 80% người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; có 40 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao, trong đó khoảng từ 3 - 5 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4; phấn đấu giảm tối thiểu 10% số cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, trong đó số lượng trường trung cấp giảm tối thiểu 15%; có ít nhất 10% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự chủ về tài chính.
Giai đoạn đến năm 2025
Phấn đấu nâng quy mô tuyển sinh đạt trên 4,6 triệu người mỗi năm ít nhất 85% người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; có 70 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao, trong đó có khoảng từ 5 - 7 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4; tiếp tục giảm tối thiểu 10% số cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với 2021; phấn đấu có tối thiểu 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự chủ về tài chính.
Giai đoạn đến năm 2030:
Phấn đấu nâng quy mô tuyển sinh đạt trên 6,3 triệu người mỗi năm; ít nhất 90% người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; có 100 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao, trong đó 15 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; 50 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4. Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN.
Nghị quyết đưa ra 06 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu (1) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về GDNN đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN (2) Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng mở, đảm bảo quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề trình độ đào tạo; (3) Tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN; (4) Đẩy mạnh tự chủ của các cơ sở GDNN găn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của nhà nước, giám sát của xã hội; (5) Chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng, đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và (6) Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; thúc đẩy xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp.