Khi đi xa nhớ về mẹ, tôi lại nhớ đến ngôi nhà của mẹ: “Che suốt đời người vẫn một mái nhà tranh – Mái tranh bạc che mái đầu tóc bạc”. Bây giờ thì ngôi nhà của mẹ đã lợp ngói đỏ, tường xây nhưng trong ký ức của tôi vẫn nhớ về mái nhà tranh năm xưa.
Nơi đó có chái bếp, có ngọn lửa trấu ủ hơi ấm ổ rơm. Có cái vại đựng cà, có lọ tương kho cá. Ngôi nhà ấm nồng một hương vị rất riêng. Có cả vị đồng, vị ruộng. Có cả vị ấm của trầu cay. Và những ngày trở trời trái gió, siêu thuốc của mẹ lại ấp úng sôi, tỏa ra hương vị cỏ cây của lá bạc hà, rau kinh giới, của vị sả nồng xua đi cơn cảm sốt. Trong vườn nhà, bao giờ mẹ cũng dành một khoảnh đất nhỏ để trồng, để chăm bón các loại cây ấy.
Ảnh minh họa từ internet
Cái nón cũ của mẹ khi không đội được nữa cũng được đậy lên cái chum đựng thóc. Với mẹ, tất cả đồ đạc đều có linh hồn và không bao giờ cũ. Không bao giờ cũ tiếng gà gáy sớm. Không bao giờ cũ gàu nước giếng mát lạnh sóng sánh nắng trưa. Không cũ bao giờ tiếng chim chào mào lích chích buổi sáng mổ vào hương ổi như báo hiệu mùa thu đã về. Thu của mẹ ngổn ngang mây bạc. Hơi thu mỏng mảnh vô chừng. Và đêm thu thật dài, tiếng ho của mẹ chừng cũng như ngắn hơn và túi trầu lại càng thêm nặng.
Dân gian có câu: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Ngôi nhà tuổi thơ của tôi là do tay cha tôi dựng nên từ những cây xoan trồng trong vườn, rồi được ngâm kỹ càng dưới lớp bùn ao trước khi được vớt lên để bào, để đục, dựng nên cái kèo, cái cột khít mộng vào nhau. Nhưng khi nhớ về ngôi nhà ấy, tôi lại cứ hình dung ra mẹ không chỉ những giăng mắc cột nhà vững chãi mà từ mái rạ chuốt từng sợi rơm vàng mùa gặt, chuốt cả bao sương gió đời người.
Mái rạ thật mềm mại, đầy đặn và ấm áp. Nhưng cũng thật dễ vẹt mòn, rụng rơi, bào mỏng bởi đôi cánh ấp iu hai mái nhà đó luôn phải chịu đựng những tàn phá của nắng mưa, bão gió. Một sự cam chịu đến bền lòng, bền bỉ, âm thầm không hề tiếc nuối. Nhớ về ngôi nhà của mẹ, tôi lại bần thần trước bậc cửa – bậc cửa thấp và đã vẹt mòn. Bao lần mẹ ngồi đó trông ra. Những việc lớn, việc nhỏ từ tay mẹ xoay xở, tảo tần, thu xếp đều từ cái bậc cửa đầu đời của tôi ở đấy. Cái giới hạn từ nhà ra cửa thật giản đơn mà neo giữ cho tôi qua bao sóng gió cuộc đời.
Nhớ về ngôi nhà của mẹ, tôi lại càng thổn thức nghe được cả tiếng dần sàng. Hạt thóc lép bay đi, hạt gạo tròn níu lại. Bao nhiêu là vòng tròn sàng sảy từ đôi tay gầy nhăn nheo của mẹ. Những vòng sóng hướng tâm đó bao giờ cũng để quy tụ lại những thơm thảo, trắng ngần, những chắt chiu, dành dụm. Vòng tròn dần sàng mùa màng ấy như thắt vào lưng mẹ cái hầu bao vô hình để nuôi bao lớp con lớn lên. Rồi bế bồng cháu, vẫn câu hát “à ơi…” không cũ ru trong lưng lửng chiều…
Mẹ tôi thường đi chân đất. Mẹ thường đặt bàn chân nứt nẻ như ruộng đồng hạn hán lên nền nhà đất mát lạnh. Nền đất bùn vớt lên từ ao nhà. Hồn đất mộc mạc quấn quýt cả một đời người. Mẹ bấm chân xuống đất như bấm vào huyết mạch của hồn quê. Cái đòn gánh của mẹ gánh bao chuyện làng, chuyện nước mà vẫn cứ uốn nhịp dẻo dai khi nặng khi nhẹ, khi đầy khi vơi nhưng không bao giờ tuột khỏi vai người. Mẹ giữ lấy cái thế cân bằng chung chiêng ấy để làm của tin, để cho và nhận, để vay và trả. Cho ân nghĩa đầy hơn để không có chỗ cho thù hận len vào.
Ngôi nhà của mẹ dù xây to hay dựng nhỏ bao giờ cũng có một cánh võng đung đưa. Mẹ ru bé ngủ, bé ngủ thiu thiu. Mẹ cũng thiu thiu giấc nồng mà sao cánh tay vẫn đung đưa đều đặn, không lỡ nhịp như một phản xạ tự nhiên có từ trong tâm thức. Cuộc đời mẹ là một sự đung đưa dẻo dai như thế để định vị lại chắc chắn, bền vững của mái ấm ngôi nhà. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã có tứ thơ rất hay “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm”.
Mẹ ơi! Mẹ chính là ngọn lửa ấm không bao giờ tắt, là hạt nhân của mỗi ngôi nhà…
Hà Tĩnh, 18/10/2015