Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi quy định công dân từ 75 tuổi trở lên sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, hạ điều kiện hưởng 5 tuổi so với quy định hiện hành.
Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã được tiếp thu, chỉnh lý trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, có một chương quy định về trợ cấp hưu trí xã hội.
Theo đó, công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi từ đủ 75 tuổi trở lên, không hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.
Dự thảo luật cũng nêu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trên phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ theo đề nghị của Chính phủ.
Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
Bên cạnh đó, người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế theo quy định.
Những người không có lương hưu sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (Ảnh minh họa: BHXH VN).
Theo cơ quan soạn thảo luật, hưu trí xã hội là sàn an sinh xã hội tối thiểu cho người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội được quy định phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ.
Việc hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là cần thiết để thể chế hóa quan điểm được nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đạt "khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội".
Bên cạnh trợ cấp hưu trí xã hội, dự thảo luật cũng đã được chỉnh lý để thấy rõ hơn về mối quan hệ liên kết giữa các tầng bảo hiểm xã hội nhằm để người tham gia thấy rõ lợi ích khi bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng chính sách khi không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí.
Theo dự thảo luật, công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng.
Trường hợp muốn hưởng trợ cấp hằng tháng còn phải đáp ứng thêm điều kiện không hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu.
Thời gian hưởng, mức hưởng trợ cấp hằng tháng tùy thuộc vào tổng thời gian đóng, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Bên cạnh đó, mức trợ cấp hằng tháng được tính thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội.
Tại kỳ họp thứ 7, sẽ thảo luật một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Sau đó, đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến và dự kiến thông qua vào sáng ngày 25/6.
Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam).
Trong đó, tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội chỉ khoảng hơn 5,1 triệu người chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu.
Cụ thể, số người hưởng lương hưu là 2,7 triệu người; số người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khoảng 0,63 triệu người; số người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (trợ cấp người cao tuổi) là hơn 1,8 triệu người.
Vẫn còn khoảng 9,3 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội.
Như vậy, việc phấn đấu để đạt mục tiêu để ra trong Nghị quyết số 28 "đến năm 2030 có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu" sẽ là một thách thức rất lớn.
LTH - Phòng BTXH. Nguồn: Báo Dân trí (https://dantri.com.vn/)