Dù đã tập trung triển khai, tuy nhiên kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí cho lao động bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (theo QĐ 12/QĐ-TTg ngày 6/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ) ở Hà Tĩnh đạt kết quả thấp.
Theo đó, trong năm 2016 và 2017, Hà Tĩnh có 1.276 lao động thuộc vùng bị ảnh hưởng đi làm việc tại Hàn Quốc ngành ngư nghiệp theo chương trình EPS. Năm 2018, do số lao động bất hợp pháp vượt quá quy định của Bộ Lao động việc làm Hàn Quốc nên Hà Tĩnh chỉ có duy nhất thị xã Kỳ Anh đủ điều kiện được tham gia chương trình EPS với 48 người.
Lao động bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển tham gia sơ tuyển đi làm việc ở nước ngoài
Đồng thời, đối với các thị trường khác, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, dịch vụ việc làm đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tính từ năm 2017 đến nay, có gần 4.000 lao động của các huyện ven biển đã xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Sở LĐ-TB&XH cũng đã chủ động tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện, cung cấp đầy đủ biểu mẫu, hồ sơ thủ tục liên quan cho người lao động. Nhưng đến nay, toàn tỉnh mới chỉ thanh toán tiền chính sách hỗ trợ đi làm việc nước ngoài cho 14 lao động, với tổng số tiền hơn 71 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Ngãi, ở thôn 4 xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) - bố của anh Nguyễn Bình Dương, một trong 14 lao động đã được hỗ trợ chi phí chia sẻ: “Con tôi xuất cảnh sang làm việc tại Đài Loan được gần 5 tháng và đã ủy quyền cho tôi làm thủ tục nhận hỗ trợ. Tuy nhiên, khi làm thủ tục, do thiếu một số hóa đơn, phiếu thu tiền theo quy định nên con tôi chỉ được hỗ trợ gần 5 triệu đồng. Trong khi, chi phí các khoản lên đến gần 30 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Văn Ngãi cho biết, chỉ nhận được 5 triệu đồng tiền hỗ trợ do thiếu các thủ tục liên quan
Theo ông Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Theo Hướng dẫn số 33/HD-SLĐTBXH ngày 26/1/2018 của Sở LĐ-TB&XH về “việc quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, hỗ trợ học phí trình độ trung cấp, cao đẳng và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển”, người lao động phải cung cấp cho cơ quan chức năng bản gốc hóa đơn, biên lai thu tiền hoặc phiếu thu đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết; giấy khám sức khỏe, hộ chiếu, thị thực và lý lịch tư pháp của cơ quan, đơn vị có chức năng theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, khi làm thủ tục hồ sơ thanh toán hỗ trợ, người lao động không cung cấp đầy đủ các hóa đơn, chứng từ theo quy định. Trong khi một lao động nếu có đầy đủ các hóa đơn, chứng từ theo quy định sẽ được hỗ trợ lên đến 14 triệu đồng”.
Lao động tìm hiểu thị trường xuất khẩu lao động tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Tĩnh
Ông Đặng Văn Dũng cho biết, đối với những lao động không có hoá đơn, biên lại thu tiền các khoản, Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh đã đề nghị Bộ LĐ-TB&XH thống nhất với Bộ Tài chính cho thanh toán theo các mức khoán như: Chi phí học nghề: 2.000.000 đồng/người; chi phí học ngoại ngữ: 1.000.000 đồng/người; chi phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết: 500.000 đồng/người; chi phí khám sức khỏe: 500.000 đồng/người; chi phí làm hộ chiếu: 200.000 đồng/người; chi phí làm lý lịch tư pháp: 200.000 đồng/người.
Cùng đó, theo đề xuất của các địa phương, các cơ quan liên quan đang xem xét, trình UBND tỉnh cho phép điều chuyển nguồn kinh phí hỗ trợ người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng sang nội dung hỗ trợ người lao động tự học nghề và thanh toán hợp đồng đào tạo nghề theo đơn đặt hàng.