Trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều biến đổi to lớn thì việc chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng điều kiện để các quốc gia hội nhập, vượt qua khó khăn và phát triển bền vững vô cùng quan trọng.
Thống nhất công nhận kỹ năng lao động trong khu vực Trong phiên họp trực tuyến đặc biệt tại 70 điểm cầu của các Bộ trưởng Lao động ASEAN và Bộ trưởng Giáo dục ASEAN hôm 16/9, các bộ trưởng đã thảo luận xung quanh vấn đề "Phát triển nguồn nhân lực trong một thế giới công việc đang đổi thay". Tại hội nghị, các Bộ trưởng đều khẳng định, đầu tư phát triển nguồn nhân lực không chỉ là đào tạo mới và đào tạo lại, mà còn là công nhận và tận dụng nhân lực có trình độ đã qua đào tạo. Cộng đồng kinh tế ASEAN đã thống nhất ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động kỹ năng ở tất cả các trình độ. Nhận định về vai trò của nhân lực, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Việt Nam cho rằng, phát triển nguồn nhân lực cũng chính là một trong những mục tiêu lâu dài, là kim chỉ nam cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN như đã được ghi trong Hiến chương ASEAN.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (thứ 2 từ phải) cùng lãnh đạo các bộ ngành tại phiên họp."Trong điều kiện thế giới đang đổi thay, ASEAN luôn xác định lấy con người là trung tâm của quá trình phát triển, bởi xét đến cùng thì tăng trưởng và phát triển bền vững cũng chính là để phát triển con người và vì con người. Chính vì vậy, Việt Nam đã chọn phát triển nguồn nhân lực là một trong những ưu tiên của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, góp phần tăng cường khả năng chủ động thích ứng của ASEAN" - ông Dung nói. Với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã chủ trì xây dựng và trình "Tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay". Hoạt động này có sự phối hợp và ủng hộ tích cực của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và của các Bộ trưởng Lao động và Giáo dục ASEAN, của Ban Thư ký ASEAN. Tuyên bố đã đã thể hiện các cam kết chính trị ở cấp cao nhất của ASEAN đối với vấn đề phát triển nguồn nhân lực. Nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã chỉ ra, trong 10-15 năm tới khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ bị thay thế bởi máy móc, trí tuệ nhân tạo; khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ phải bổ sung kỹ năng mới để đáp ứng yêu cầu công việc. Tỷ lệ này ở ASEAN còn cao hơn. Một nghiên cứu ở 5 nước ASEAN dự báo 56% việc làm trong các nước này có thể bị ảnh hưởng nặng, thậm chí thay thế bởi tự động hóa trong vài thập kỷ tới. Ông Tuan Haji Awang Bin Hashim - Thứ trưởng Bộ Nguồn nhân lực Malaysia nhất trí cao với tuyên bố ASEAN. Ông này cho rằng, để tập trung thúc đẩy, khôi phục nền kinh tế ASEAN trong bối cảnh hiện nay thì việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực bền vững là hết sức quan trọng. Trong đó, những mục tiêu như việc làm xanh, kỹ năng xanh cần phải được thúc đẩy trong lực lượng lao động của khu vực. Nhiều ngành nghề mới sẽ ra đời Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thế giới đã và đang trải qua những biến đổi to lớn, trong đó chúng ta đã nói nhiều đến chuyển đổi số, Cách mạng công nghiệp 4.0, và trực tiếp hiện hữu nhất vào thời điểm này là dịch bệnh. Do vậy, nhiều ngành sản xuất, nhiều phương thức sản xuất sẽ được thay thế, nhân công sẽ bị đào thải, "và những ngành nghề mới, phương thức mới, việc làm mới sẽ ra đời". Cũng theo Phó Thủ tướng, trước khi xuất hiện đại dịch Covid-19, trên thế giới, trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ASEAN đã có rất nhiều diễn đàn ở các cấp độ bàn về phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Đại dịch Covid-19 xuất hiện, làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Không chỉ lao động trong các ngành thâm dụng lao động mà cả lao động gia đình, lao động đơn lẻ, thậm chí lao động tự do kiếm sống qua ngày cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng ở nhiều nơi dễ dẫn đến nguy cơ một bộ phận người dân sẽ bị bần cùng hóa và một bộ phận trẻ em bị tước đi cơ hội phát triển. Do đó, càng đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp thích ứng với tương lai, với sự thay đổi này- Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Theo đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển nói chung và phát triển nguồn nhân lực đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội với vai trò định hướng, dẫn dắt của Nhà nước, sự tham gia của mọi người dân và đặc biệt là sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân. "Không chỉ có giáo dục đào tạo. Nhiều doanh nghiệp tư nhân còn tham gia vào đầu tư chăm sóc con người theo nghĩa rộng. Đây là giải pháp quan trọng trong phát triển bền vững trong tương lai" - phó Thủ tướng nói. Hội nghị đã chứng kiến sự ra mắt Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN. Hội đồng này sẽ tập trung vào các vấn đề: Chính sách để cải thiện hệ thống giáo dục nghề nghiệp; kết nối và khả năng thích ứng với thị trường lao động việc làm biến đổi; thu hẹp khoảng cách kỹ năng nghề giữa các nước… Phó Thủ tướng khẳng định: "Việt Nam cam kết luôn tích cực phối hợp chặt chẽ cùng các thành viên, các đối tác trong thực hiện lộ trình này, biến cam kết chính trị trở thành hiện thực, để có rất nhiều cơ hội cho người lao động, cho doanh nghiệp và cho một cộng đồng ASEAN ngày càng thịnh vượng".