Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 100 trường cao đẳng nghề chất lượng cao đạt chuẩn.
Năm 2017, năm đầu tiên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) (trừ các trường sư phạm) và triển khai đào tạo theo Luật giáo dục nghề nghiệp, với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ, sự quan tâm hỗ trợ của các ngành, các cấp và các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông, giáo dục nghề nghiệp đã đạt được nhiều kết quả, tạo được sự chuyển biến tích cực về chất, bước đầu tạo nên sự đổi mới trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Công tác tuyển sinh đã được các cở GDNN tích cực triển khai, ước đạt 2,2 triệu người, trong đó tuyển sinh trình độ cao đẳng và trung cấp là 540 nghìn người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng khoảng 1.660 nghìn người.
Công tác đào tạo được các cơ sở GDNN triển khai theo hướng đổi mới chương trình và phương thức đào tạo theo mô đun, tín chỉ hoặc kết hợp giữa mô đun và tín chỉ. Nội dung, chương trình đào tạo được xây dựng với sự tham gia của các doanh nghiệp, quá trình đào tạo được gắn kết với các doanh nghiệp đảm bảo cho học sinh, sinh viên có những kiến thức, kỹ năng bám sát theo yêu cầu của người sử dụng lao động, của khoa học, công nghệ.
Thứ trưởng Lê Quân phát biểu tại buổi gặp mặt phóng viên báo chí theo dõi lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp
Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Lê Quân cùng lãnh đạo Tổng cục đã trả lời các câu hỏi của phóng viên đưa ra, trong đó có vấn đề sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Thứ trưởng Lê Quân cho biết, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu ban Chấp hành Trung ương khóa XII về việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TBXH đang trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch phát triển mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, song song với đó, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương để triển khai xây dựng các đề án ở cấp tỉnh và cấp ngành.
Theo Thứ trưởng Lê Quân, năm 2018, trong lúc chờ Thủ tướng ban hành Quy hoạch tổng thể, những trường nào trong 3 năm vừa qua chỉ tiêu tuyển sinh không hiệu quả, dưới 50% chỉ tiêu được giao sẽ xem xét tái cấu trúc. Một là sát nhập vào các trường khác để tạo điều kiện cho việc cường cơ sở vật chất để hình thành lên mạng lưới các trường trọng điểm chất lượng cao. Trong một số trường hợp, các trường có cơ sở vật chất và một số điều kiện khác không đáp ứng nếu sát nhập về cơ sở khác mà không khả thi thì sẽ giải thể. Về cơ bản sẽ thực hiện theo lộ trình.
Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh năm 2018 sẽ tập trung nâng cao chất lượng đào tạo
"Từ nay đến 2020 những điểm nào đã rõ sẽ được triển khai ngay như sát nhập trường trung cấp vào các trường cao đẳng. Tuy nhiên, các trường trung cấp nào trong giai đoạn này hoạt động tốt, hiệu quả sẽ được hỗ trợ để nâng cấp lên cao đẳng hoặc có những đánh giá chứ không nhất thiết phải sát nhập. Bộ sẽ đẩy mạnh việc giao tự chủ cho các trường có cơ chế đặc biệt như các trường chất lượng cao, được đầu tư sẽ tự chủ nhiều. Về cơ bản, mỗi địa phương có một đầu mối lớn. Vừa qua, Bộ đã làm mạnh ở 8 tỉnh nhất là ở các tỉnh miền núi như Hà Giang, Sơn La, Đắc Lắc, Gia Lai, là những tỉnh có nguồn ngân sách ít và nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn không nhiều thì sẽ không thể duy trì 3-4 trường được. Ngược lại ở những vùng trọng điểm, kinh tế lớn, nhu cầu nhiều thì phải tính toán, cân nhắc kỹ để đẩy mạnh tự chủ để giảm dần chi thường xuyên ở nhà nước và giảm các đầu mối để tập trung ưu tiên đầu tư. Mục tiêu đến 2020 có khoảng 100 trường cao đẳng chất lượng cao đạt chuẩn và đến 2030 sẽ là 200 trường. Bên cạnh đó đẩy mạnh mạng lưới cơ sở giáo dục tư thục để phấn đấu đến 2030 có khoảng 40% cơ sở giáo dục là tư thục" - Thứ trưởng Lê Quân nói.
Cùng với khái niệm hợp tác với doanh nghiệp thì sẽ đẩy mạnh tự chủ. Tự chủ gắn liền với cạnh tranh, hình thành một thị trường giáo dục đào tạo cạnh tranh dựa trên nền tảng hợp tác với doanh nghiệp và tự chủ của các đơn vị