(Nguyễn Trí Lạc-Tỉnh ủy viên-Giám đốc sở LĐTB&XH-Trưởng Ban công tác bảo vệ Chăm sóc trẻ em tỉnh)
Kính thưa đồng chí Đặng Quốc Vinh UVBT- Tỉnh ủy-Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh-Trưởng ban công tác bảo vệ Chăm sóc trẻ em tỉnh Thưa quý vị đại biểu! Thưa quí thầy cô giáo, các em học sinh, các cháu thiếu niên, nhi đồng thân mến! Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước, đất nước phồn vinh, thịnh vượng hay không còn phụ thuộc vào sự tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của các cháu. Vì vậy, trong những năm qua Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn có những chính sách đúng đắn, ưu tiên đầu tư ngày càng tăng cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc trẻ em, các cấp các ngành và toàn xã hội luôn quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em. Hằng năm vào dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, khắp nơi, trên toàn thế giới, trong cả nước nói chung, tỉnh Hà Tĩnh nói riêng lại dấy lên phong trào vì trẻ em thân yêu. Đây là những hoạt động thường niên, liên tục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đối với sự phát triển của đất nước. Hôm nay, tại huyện miền núi Vũ Quang, miền biên cương thân yêu của tổ quốc. UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 với chủ đề “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số”, thay mặt Ban ban công tác bảo vệ Chăm sóc trẻ em tỉnh, tôi xin gửi đến quí đại biểu quí vị khách quí và toàn thể các em Thanh thiếu niên, nhi đồng yêu quí lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Thưa quý vị đại biểu! Thưa quí thầy cô giáo, các em học sinh, các cháu thiếu niên, nhi đồng! Được sự quan tâm và lãnh chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, sự tham gia phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các ban, ngành, các tổ chức Hội, Đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, Tỉnh ta đã có những hành động thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em được thực hiện ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến những nghĩa cử cao đẹp của các cơ quan, tổ chức, doanh nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, một số tổ chức quốc tế đã hỗ trợ nguồn lực để cùng chăm lo, giúp đỡ cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số. Và vừa mới đây thôi (ngày 21/05/2019) Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 tại bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hoa hậu Nhân ái Nguyễn Bích Thu - Đại sứ chương trình "Hành trình kết nối yêu thương" từ thành phố Hồ Chí Minh xa xôi đã mang tấm lòng nhân ái đến với trẻ em Dân tộc Chứt của chúng ta. Đặc biệt, Hà Tĩnh là một trong những số tĩnh triển khai sớm chính sách, xã hội hóa nguồn lực chăm sóc BVTE, đã thể chế hóa các chính sách, pháp luật về an sinh xã hội thông qua Nghị quyết của HĐND tỉnh. Trong đó khuyến khích xã hội hóa việc chăm sóc, nuôi dưỡng đối với các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em mồ côi, trẻ em bị nhiễm chất độc Da cam, trẻ em tàn tật nặng. Làng trẻ em Mồ côi Hà tĩnh là địa chỉ tin cậy, thường xuyên được sự quan tâm đầu tư nâng cấp, xây dựng với nguồn lực từ ngân sách nhà nước, của tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đảm bảo điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng với qui mô hàng trăm cháu, là điều kiện để chúng ta thực hiện mục tiêu tuyệt đối không để bất kỳ trẻ em nào lang thang, cơ nhở, thiếu nơi cư trú, che chở. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã huy động (thông qua quỹ BTTE các cấp) được số tiền hàng trăm tỷ đồng, tổ chức hỗ trợ, giúp đỡ cho 22.922 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng; Tổ chức khám sàng lọc cho 3.774 lượt trẻ em khuyết tật trong toàn tỉnh, Hỗ trợ chi phí phẫu thuật cho 55 em bị dị tật vận động; 109 em bị tim bẩm sinh, 93 em bị sứt môi, hở vòm miệng. Trao tặng 2.981 suất học bổng, 919 xe đạp, 200.970 hộp sữa, 700 cặp sách, đồ dùng dụng cụ học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn miền núi. Hỗ trợ xây dựng 54 thư viện thân thiện tại các trường tiểu học và các cụm vui chơi cho các trường Mầm non, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; 6.889 lượt trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm tặng quà. Thưa quý vị đại biểu! Thưa các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng! Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em Hà Tĩnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn, như: Các dịch vụ xã hội dành cho trẻ em còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng; các điểm vui chơi chưa đáp ứng được nhu cầu; số lượng trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích vẫn còn cao, đặc biệt là tử vong do đuối nước; tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại còn diễn ra. Năm 2018, trên địa bàn tỉnh ta có 24 em bị tử vong do đuối nước, 03 em bị xâm hại tình dục, riêng 5 tháng đầu năm 2019 đã có 04 em bị tử vong do đuối nước (Cẩm Xuyên 01; Thạch Hà 02, Can Lộc 01); 01 em bị bạo lực, ngược đãi xảy ra tại huyện Hương Khê. Toàn tỉnh hiện có gần 9.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trên 11.000 trẻ em sống trong các hộ gia đình nghèo. Nhằm thiết thực triển khai Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số”. Thay mặt Ban công tác bảo vệ Chăm sóc trẻ em tỉnh Xin đề nghị các cấp, các ngành, các tổ chức cá nhân và toàn xã hội cần tạo mọi điều kiện tốt nhất nhằm đáp ứng đầy đủ các nhu cầu và các quyền cơ bản của trẻ em, ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em, cụ thể như sau: Thứ nhất, Tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, thực hiện có hiệu quả chương trình hành động quốc gia về trẻ em, tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của Ban Điều hành và Nhóm công tác liên ngành bảo vệ, chăm sóc trẻ em; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ làm công tác trẻ em các cấp, nhất là cơ sở; trang bị, cung cấp kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em. Phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, bảo đảm chế độ thông tin, báo cáo và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về trẻ em. Phân công và giao trách nhiệm công tác bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em cụ thể cho thủ trưởng các ngành, các cấp, các tổ chức, cơ quan, đơn vị trường học, thôn xóm và mỗi gia đình cá nhân (Theo quy định của pháp luật có 17 cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ chăm sóc quản lý trẻ em, nhưng vai trò phối hợp, phân rõ trách nhiệm giữa gia đình, nhà trường, thôn xóm, xã, phường, thị trấn, huyện thị xã, thành phố thiếu rõ ràng không ai chiu trách nhiệm). Thứ 2. Không ngừng tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, nhất là Luật Trẻ em năm 2016; Truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân và trẻ em về các biện pháp bảo vệ trẻ em phòng chống tai nạn thương tích, đặc biệt là phòng chống đuối nước, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục, bốc lột, ngược đãi trẻ em thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trực tiếp đến gia đình, cộng đồng, trường học và ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trực tuyến. Tăng cường công tác Bảo vệ, chăm sóc gắn với giáo dục đào tạo và ngăn chặn phòng ngừa đối với trẻ em hư hỏng, trẻ em vi phạm pháp luật. Thứ 3. Tập trung xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 03/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chú trọng cải thiện môi trường sống, xây dựng các khu vui chơi giải trí phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa phương nhằm đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Cộng đồng an toàn”, “Trường học an toàn”; lồng ghép các nội dung sinh hoạt trong nhà trường với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số” để trẻ em được tham gia thảo luận, đề xuất các kiến nghị, sáng kiến xây dựng cuộc sống an toàn, lành mạnh cho chính mình. Thứ 4. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và chuẩn bị các điều kiện đảm bảo an toàn cho trẻ em. Trước mắt, để đảm bảo cho trẻ có kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh, yêu cầu cần tập trung thực hiện “Mùa hè an toàn cho trẻ em”, triển khai chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em, hướng dẫn trẻ em vui chơi an toàn, lành mạnh, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ. Bên cạnh đó, Đề nghị các cấp các ngành bố trí đảm bảo nguồn lực từ ngân sách nhà nước, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ trẻ em, trợ giúp, hỗ trợ kịp thời trẻ em thuộc diện hộ nghèo, đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực, tre em bị bốc lột, trẻ em phải lao động sớm. Huy động các nguồn lực đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ cho các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em trên địa bàn dân cư. Xin được kêu gọi các cơ quan, ban, ngành, các Hội, Đoàn thể, trường học, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, các tổ chức kinh tế - xã hội, các cá nhân trong và ngoài tỉnh bằng tình cảm, trách nhiệm và tấm lòng hảo tâm của mình hãy chung tay đóng góp ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ các cấp để hỗ trợ chăm sóc cho trẻ em miền núi, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Kính thưa quý vị đại biểu! Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 với chủ đề “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số”; nhằm không ngừng thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ngày càng tốt hơn. Ngoài những việc làm nêu trên. Trong Tháng hành động, các ngành, địa phương cần tổ chức nhiều hoạt động cụ thể thiết thực: tổ chức vui chơi, giải trí bổ ích cho thiếu nhi; thăm hỏi, tặng quà hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; biểu dương, khen thưởng trẻ em nghèo vượt khó học tốt... Với tinh thần đó, tôi xin Phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2019, kính chúc quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc; chúc các em học sinh, các cháu thiếu niên, nhi đồng vui khỏe, chăm ngoan, học giỏi và đặc biệt là có một kỳ nghỉ hè thật sự vui tươi, bổ ích, an toàn, lành mạnh. Xin trân trọng cảm ơn
Một số hình ảnh tại lễ phát động: Nguồn ảnh: Báo Hà tĩnh