Tư tưởng đạo đức và phong cách là một chỉnh thể có mối quan hệ mật thiết với nhau tạo nên nhân cách mẫu mực Hồ Chí Minh, trong đó tư tưởng chi phối phong cách và phong cách là sự cụ thể hóa tư tưởng. Phong cách ứng xử nhân văn có nguồn gốc, cội rễ từ tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh, mà cốt lõi là tình yêu thương con người.
|
|
Bác Hồ chia kẹo cho các cháu thiếu nhi (Ảnh: Tư liệu) |
|
Ở Người, lòng yêu nước gắn bó chặt chẽ với lòng yêu thương con người, khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người chỉ có mục tiêu duy nhất “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”1. Tình yêu thương con người ở Hồ Chí Minh được thể hiện trong mối quan hệ ứng xử với bạn bè, đồng chí, nhân dân, ở thái độ nghiêm khắc với mình và độ lượng, khoan dung, tôn trọng với người.
Yêu thương con người của Bác không chung chung, trìu tượng mà luôn gắn với những con người cụ thể, trong những hoàn cảnh cụ thể. Những năm tháng hoạt động ở nước ngoài, Người luôn dành sự quan tâm, chia sẻ thực sự với những người nô lệ mất nước, người da đen, người phụ nữ Pháp, Mỹ có chồng con bị đưa sang Việt Nam làm bia đỡ đạn và còn là những người lính bị đưa đi tham gia chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc… Không chỉ truy tìm nguồn gốc của nỗi khổ, đấu tranh, tố cáo tội ác của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân trên các diễn đàn mà sự quan tâm với những người cùng khổ còn được thể hiện từ những hành động nhỏ nhất. Trong thời gian hoạt động ở nước Anh, Nguyễn Tất Thành làm công cho một khách sạn. “Ở đây, thức ăn còn lại sau những bữa tiệc (đôi khi còn cả phần tư con gà, những miếng bít tết to tướng) đều phải đổ vào một cái thùng thì “Anh” giữ gìn sạch sẽ và đưa lại cho nhà bếp. Chú ý những việc này, ông già Étcôpphie - đầu bếp khách sạn hỏi anh: “Tại sao anh không quẳng thức ăn thừa vào thùng, như những người kia?”. Anh trả lời: “Không nên vứt đi. Ông có thể cho người nghèo những thứ ấy”2
Suốt đời đấu tranh cho tự do, hạnh phúc của con người nhưng đối với bản thân, Người thực hành một triết lý sống thanh khiết, giản dị, gắn bó với nhân dân. Khi đi chỉ đạo kháng chiến phải hành quân trong rừng sâu, Người sống hòa mình với nhân dân, chiến sĩ, mang cơm đùm, cơm nắm, trèo đèo lội suối cùng ăn, cùng ở, cùng hoạt động cách mạng với bộ đội. Khi về Thủ đô Hà Nội, Người làm việc trong căn nhà sàn đơn sơ, bộ quần áo ka ki, đôi dép cao su và những vật dụng sinh hoạt như của một người bình thường. Bởi trong khi cuộc sống của nhân dân còn khó khăn, người lính ở chiến trường còn thiếu quần áo rét, người lao động còn thiếu ăn thì người lãnh đạo làm sao có thể tách mình ra, đặt mình lên thụ hưởng cuộc sống sung sướng, đủ đầy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giành sự chăm sóc, lo lắng đối với đồng bào, đồng chí, các cụ phụ lão, các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng, các chiến sĩ ngoài mặt trận. Hơn ai hết, Người hiểu được chiến sĩ là những người hi sinh nhiều nhất cho dân tộc, Bác thường dành sự săn sóc ân tình, chu đáo. “Mùa đông, thương các anh rét mướt nơi rừng núi, Bác đem tấm áo được tặng bán đấu giá để lấy tiền mua áo ấm gửi các chiến sĩ. Bác nói “Chiến sĩ còn đói khổ, tôi ăn ngon sao được! “chiến sĩ còn rách rưới, mình mặc thế này cũng là đầy đủ lắm rồi”. Trời nắng nóng, thương các chú bộ đội trực phòng không trên nóc hội trường Ba Đình hết sức vất vả không có nước uống, Bác đã chuyển toàn bộ tiền tiết kiệm của mình cho Bộ Tổng tham mưu để mua nước ngọt cho anh em chiến sĩ đang trực chiến trên mâm pháo ở khắp miền Bắc”3. Người chia quà cho các cháu thiếu nhi mỗi tết Trung thu, Ngày quốc tế thiếu nhi. Mỗi khi có gió mùa Đông Bắc về, Người nhắc nhở chống rét cho các em nhỏ, cụ già. Người quan tâm đến những ngày giáp hạt của nông dân, thấu hiểu nỗi khó nhọc của những người lao động và tìm mọi cách để góp phần cho cuộc sống người dân bớt đi phần vất vả. Một đêm đông giá rét nghe thấy tiếng chổi tre quét rác, thương nổi khó nhọc của những người lao công quét đường. Người đề nghị các cấp, các ngành phải quan tâm và có chế độ bảo hộ lao động cho những người làm công việc này. Nhân một chuyến thăm Trung Quốc Người đã xin một loại cây mùa đông ít rụng lá về trồng trong vườn Phủ Chủ tịch, với mong muốn nhân giống trồng trên các đô thị để bớt đi nỗi khó nhọc cho những người lao công quét đường.
Hồ Chí Minh luôn thể hiện ở tấm lòng khoan dung, độ lượng đối với con người, sẵn sàng bỏ qua những lỗi lầm, tôn trọng nhân cách con người. Những năm Người ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về tấm lòng khoan dung độ lượng với cán bộ, đồng chí, anh em và những người giúp việc. Khi ai đó có khuyết điểm sai sót, Người nhẹ nhàng, ân cần nhắc nhở. Người thường phê bình cán bộ tật nóng nảy, cáu gắt với cấp dưới, hách dịch với nhân dân và Người cho rằng nguồn gốc của những tật xấu ấy chính là không tôn trọng con người. Một lần đồng chí Phạm Văn Đồng - người có vinh dự sống gần Bác mắc lỗi ảnh hưởng đến việc Người dự định làm song Bác chỉ nói một câu “chú làm hỏng việc”. Một lần khác, đồng chí phục vụ đã nhỡ tay làm vỡ món quà mà Bác chuẩn bị tặng một người bạn quốc tế nhưng Bác chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở: “lần sau chú nên cẩn thận hơn” rồi Bác lấy món quà khác thay thế. Tấm lòng bao dung độ lượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đối với đồng bào, đồng chí, mà còn đối với những người ở bên kia chiến tuyến. Trên đường ra mặt trận, Người đã không ngần ngại cởi chiếc áo của mình cho một tù binh Pháp đang ở trần giữa trời rét.
Tình yêu thương con người còn là thái độ ứng xử đối với những người có sai lầm, khuyết điểm những đã nhận rõ khuyết điểm sai lầm và cố gắng sửa chữa, kể cả đối với những người lầm đường lạc lối đã hối cải, kể cả đối với những kẻ thù đã bị thương, bị bắt hoặc đã chịu quy hàng. Chính nhờ biết trân trọng cả những mặt tốt và mặt xấu của con người, nhất là những người có lúc lỡ bước quay về mà trong đào tạo, sử dụng con người, Người đã quy tụ được quanh mình những trí thức tầm cỡ cho dân tộc, trong đó có những trí thức đã vứt bỏ địa vị, cuộc sống cao sang ở nước ngoài để về nước tham gia kháng chiến, kiến quốc. Sau một buổi tiếp xúc, Người đã mời và thuyết phục được cụ Huỳnh Thúc Kháng ra đảm nhiệm việc nước; cụ Phan Kế Toại, nguyên Khâm sai Bắc Kỳ làm Phó Thủ tướng. Mùa hè năm 1946, trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Người đã thực hiện chuyến thăm lịch sử tới nước Pháp nhằm hậu thuẫn cho Hội nghị Phông ten nơ blô (Fontainebleau) mưu cầu nền độc lập, thống nhất bền vững cho Việt Nam. Trước lúc rời nước Pháp, Hồ Chủ tịch đã mời một số trí thức tiêu biểu đến gặp, Người ôn tồn nói: “Bác sắp về nước. Các chú chuẩn bị để vài ngày nữa chúng ta lên đường. Các chú đã sẵn sàng chưa?”. Sự chân thành của Bác đã làm thay đổi suy nghĩ để một số trí thức người Việt thành danh ở Pháp như Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân, Giáo sư Đặng Văn Ngữ - một tài năng mà người Pháp, người Nhật, người Mỹ đều muốn sử dụng về nước tham gia kháng chiến.
Yêu thương con người chi phối ứng xử của Người đối với mỗi đối tượng, mỗi hoàn cảnh và trong công tác xây dựng Đảng cũng thấm đẫm tinh thần nhân văn. Đó là tình đồng chí tự phê bình, phê bình góp ý cho nhau một cách thẳng thắn, có tính xây dựng, vì mục đích, lợi ích chung chứ không vì quan điểm cá nhân mà trù dập, công kích, kéo bè, kéo cánh, nói xấu, hạ bệ lẫn nhau. Đối với cán bộ, đảng viên có lỗi, Hồ Chí Minh bao giờ cũng mong muốn và tạo điều kiện cho họ sửa chữa lỗi lầm. Người nâng niu trân trọng, khuyến khích mặt tốt, mặt thiện trong con người, lấy đó là biện pháp giúp đỡ những người có thói hư, tật xấu. Người viết “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đạp cho tơi bời”1.
Ứng xử nhân văn Hồ Chí Minh không chỉ ở mối quan hệ với con người mà còn ở thái độ hài hòa, gắn bó với thiên nhiên. Người yêu từng ngọn cỏ, mỗi nhành hoa, nâng niu, chăm sóc từng cái cây, xem thiên nhiên như người bạn tâm giao. Gần ngôi nhà sàn của Bác có một cây bị mối xông và thân bị hỏng sâu vào quá một nửa. Mọi người định chặt bỏ nhưng Bác không cho, nhớ lại kiến thức đã đọc được trên báo, Bác đã dùng con dao cạo sạch các vết thương lở loét trên thân cây đồng thời dùng rơm rạ mục trộn phân hoai và ít thuốc trừ sâu nhồi nhuyễn với bùn vớt ở ao cá lên. Sau đó, Bác bó chặt quanh thân cây như kiểu chiết cành. Được chăm sóc chu đáo, sau một thời gian ngắn, vết lở loét đã lành lặn, cây hồi phục lại và từ từ vươn lên như các cây khác. Trong khu vườn Bác sống và làm việc trồng rất nhiều cây xanh vừa cho bóng mát, vừa ăn quả. Hết giờ làm việc, bao giờ, Bác cũng tranh thủ thời gian để săn sóc, tưới cây. Từ rất sớm, Người đã ý thức được ý nghĩa của việc trồng cây để bảo vệ môi trường, điều hoà không khí “vì lợi ích 10 năm trồng cây”. Đến nay, phong trào tết trồng cây do Người phát động vì thế vẫn được duy trì ở các địa phương.
Tìm hiểu về phong cách ứng xử nhân văn của Hồ Chí Minh có ý nghĩa thời sự trong giai đoạn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và đưa nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống. Soi vào thực tiễn, không ít cán bộ, đảng viên, thậm chí cả người có chức, có quyền trong bộ máy nhà nước còn có biểu hiện quan liêu, cửa quyền, sống ích kỷ, vun vén lợi ích cá nhân, lo hưởng thụ, trong ứng xử còn biểu hiện thái độ thiếu tôn trọng, thờ ơ, vô cảm với nhân dân, trù dập cấp dưới, đồng nghiệp, những người có ý thức đấu tranh với tiêu cực để bảo vệ lẽ phải… Để việc học tập Bác không còn là lời nói suông, đối với mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức rõ, học tập phong cách ứng xử nhân văn Hồ Chí Minh là học tập thái độ ứng xử đúng mực trên cơ sở sống gắn bó, hòa mình cùng nhân dân, tôn trọng, yêu thương nhân dân thật sự, đồng thời chân thành, cởi mở, thẳng thắn với đồng chí, đồng nghiệp và điều căn cốt là phải thực hành lối sống thật thà, khiêm tốn, cầu tiến một cách nghiêm khắc đối với bản thân.
Phan Hương
Tài liệu tham khảo:
1.Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 4, tr.161; tập 12, tr.558 .
2.Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chí Minh, Nxb.Văn học, Hà Nội, 1989, tr.25
3.Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008, Tấm lòng của Bác Hồ với chiến sĩ, tr.34-36.