Trẻ em đuối nước luôn để lại nỗi đau dai dẳng trong gia đình và xã hội. Thế nhưng, nó lại rất dễ xảy ra bởi xung quanh con trẻ là vô vàn những “chiếc bẫy” đang giăng sẵn trong tự nhiên và cả trong ý thức của con người.
Theo thống kê sơ bộ, trong khoảng 2 tháng gần đây, trên địa bàn Hà Tĩnh có 10 trẻ em tử vong do đuối nước. Thực tế cho thấy, đuối nước ở trẻ em, mặc dù năm nào cũng được nhắc đến với nhiều hoạt động tuyên truyền, nhưng mối hoạ này vẫn luôn rình rập. Nguyên nhân dẫn tới đuối nước phần nhiều là do người bị đuối nước không biết bơi, chơi ở những khu vực có ao hồ, sông, suối, chơi ở những hố nước các công trình xây dựng, bể, giếng nước có thành quá thấp, không có nắp đậy, tập bơi ở những nơi không có biển báo an toàn, tập bơi quá nhiều khi sức khỏe không đảm bảo, đi ra đường khi ngập nước bị sa chân xuống hố sâu,… thậm chí nhiều người lớn, bơi giỏi vẫn có nguy cơ đuối nước nếu như lơ là, chủ quan. Các trường hợp đuối nước dẫn đến những cái chết thương tâm ở huyện Hương Khê vừa qua là do các em đi chơi một mình hoặc chơi cùng nhau ở hồ đập, thiếu sự giám sát của người lớn, không biết bơi, hoặc biết bơi nhưng không có kỹ năng phòng tránh, cứu hộ. Và một nguyên nhân tuy không trực tiếp nhưng lại rất quan trọng đó là do công tác tuyên truyền giáo dục chưa thường xuyên, chưa đồng bộ. Kỳ nghỉ hè đang sắp sửa đến, thời tiết nắng nóng dễ dẫn đến những tình huống kéo các em đến với sông nước. Thêm vào đó, các em có một quỹ thời gian nghỉ ngơi khá dài nằm ngoài sự quản lý của nhà trường, trong lúc các bậc phụ huynh thường bận rộn với việc mưu sinh. Bởi vậy, nguy cơ đuối nước sẽ rất lớn và nỗi mất mát không gì có thể bù đắp sẽ có thể xảy ra ở bất cứ gia đình nào nếu chúng ta không đề cao cảnh giác để bảo vệ con mình. Để giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ, cần thực hiện tốt một số nội dung sau: 1. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để trẻ và phụ huynh hiểu được những rủi ro và hậu quả khó lường của tai nạn đuối nước. Trước mùa nắng nóng, các trường học cần đưa nội dung giáo dục phòng tránh đuối nước vào chương trình giáo dục ngoại khóa để nâng cao nhận thức cho học sinh và phụ huynh. Hội LHPN các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền tại các cuộc sinh hoạt chi hội và trên hệ thống loa phát thanh của xã nhằm góp phần giảm thiểu tại nạn cho trẻ em và giảm bớt những sự cố đáng tiếc cho các gia đình. Một lời nhắc nhở, một lời cảnh báo, một cuộc tuyên truyền có thể sẽ góp phần đáng kể trong phòng tránh đuổi nước cho trẻ. 2. Các nhà trường và địa phương có thể tổ chức dạy bơi cho học sinh, vừa rèn luyện sức khỏe vừa tạo cho học sinh các kiến thức và kỹ năng cần thiết để giảm thiểu tai nạn. 3. Ở những khu vực nguy hiểm, chính quyền địa phương cần có biển báo để mọi người được biết. Đồng thời có thể treo các pano, ap phích ở các điểm công cộng, trung tâm, nơi có nhiều người qua lại để tuyên truyền mọi người nâng cao nhận thức, không chủ quan với tai nạn đuối nước. 4. Cuối cùng, quan trọng nhất vẫn là gia đình, các bậc cha mẹ cần giáo dục con những bài học cơ bản về phòng tránh đuối nước, quan tâm giám sát con trong khả năng cho phép, tránh để con la cà một mình hoặc cùng các bạn nhỏ tuổi ở những nơi có nguy cơ cao xảy ra tai nạn. Trong nhà, nếu có bể đựng nước, giếng hoặc ao hồ, gia đình cần làm lan can bảo vệ (đối với ao hồ) hoặc có nắp đậy (đối với bể, giếng) để tránh nguy cơ cho trẻ./.
Tác giả bài viết: Nguyễn Huế - Hội LHPN huyện Hương Khê