Những năm qua,Hà Tĩnh đã làm tốt công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, do đó từ năm 2010 đến nay 100% trẻ được sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV đều an toàn, không bị lây nhiễm từ mẹ. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay, tỷ lệ phụ nữ mang thai tiếp cận dịch vụ HIV còn thấp, vì vậy nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con rất cao. Chị Nguyễn Thị N. (xã Thạch Châu, Lộc Hà) có thai tháng thứ 6, đi khám thai nhiều lần, nhưng chưa lần nào chị làm xét nghiệm HIV. Đến tháng thứ 7 chị N. lên cơn đau bụng, đi khám, xét nghiệm HIV thì mới phát hiện mình bị nhiễm căn bệnh thế kỷ này. Chị N. chia sẻ trong nước mắt: “Từ khi biết kết quả bị nhiễm HIV từ chồng, tôi không muốn sống nữa. Sau khi được các cán bộ y tế động viên và tư vấn thực hiện dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tôi đã quyết tâm điều trị ARV, hy vọng sau khi sinh cháu khỏe mạnh, không bị lây nhiễm từ mẹ”. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có hơn 14 ngàn người được tư vấn,xét nghiệm HIV, trong đó có hơn 8.000 phụ nữ (hơn 80% là phụ nữ mang thai). Tuy nhiên, trong số hơn 80% nữ mang thai tự nguyện làm xét nghiệm HIV, chỉ có 20% chị tự nguyện xét nghiệm trong thời kỳ mang thai, số còn lại được tiến hành trong lúc chuyển dạ. Đây là một thực tế gây khó khăn trong công tác phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
Bác sĩ Trung tâm kiếm soát bệnh tật tỉnh tư vấn cho bệnh nhân nhiễm HIV các giải pháp điều trị bệnh
Bác sĩ Phùng Bình Văn- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết: “Thực tế số trẻ có nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ cao nhất là ở giai đoạn bà mẹ chuyển dạ, chiếm khoảng 20%, trong khi trẻ nhiễm HIV từ trong bụng mẹ chỉ chiếm 5-10%. Với những trường hợp phát hiện muộn, lúc chuyển dạ thì các cơ sở y tế khó áp dụng phác đồ điều trị bằng thuốc ARV. Mặt khác, dù áp dụng điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con ở những trường hợp này thì hiệu quả cũng không cao”.
Phụ nữ được quan tâm, tư vấn, chăm sóc sức khỏe
Nếu phụ nữ mang thai không may bị nhiễm HIV được tiếp cận dịch vụ phòng chống sớm, thì sẽ được các y, bác sĩ tư vấn, cung cấp các kiến thức dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong suốt quá trình mang thai, sinh con và nuôi dưỡng trẻ sơ sinh, cũng như được chăm sóc, điều trị ARV… giảm nguy cơ lây truyền. “Nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV không được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì tỷ lệ lây truyền HIV sang cho thai nhi từ 25-40%, nếu được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì tỷ lệ này có thể giảm chỉ còn khoảng 5%. Từ năm 2009 đến nay, CDC tiếp nhận và điều trị dự phòng cho 47 nữ mang thai bị nhiễm HIV; trong đó có 41 trẻ được sinh ra khỏe mạnh, an toàn không bị lây nhiễm HIV từ mẹ, 6 bà mẹ mang thai được chăm sóc và dự phòng điều trị ARV”- bác sĩ Phùng Bình Văn cho biết thêm. Công tác dự phòng, điều trị HIV từ mẹ sang con được thực hiện tại Hà Tĩnh đã mang lại hiệu quả tích cực, tuy nhiên, vẫ̃n còn gặp những khó khăn nhất định. Đó là nhận thức của một số phụ nữ, đặc biệt phụ nữ mang thai về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con còn hạn chế; hầu hết phụ nữ nhiễm HIV đều phát hiện muộn trong giai đoạn mang thai và khi chuyển dạ, do đó rất khó khăn trong việc tư vấn, quản lý cả mẹ và trẻ. Bên cạnh đó, hiện chưa có chế độ cho các bà mẹ mang thai nhiễm HIV và trẻ em bị nhiễm HIV, trẻ em không bị nhiễm HIV nhưng bị ảnh hưởng bởi HIV. Thêm vào đó, một bộ phận người trong xã hội còn kỳ thị, phân biệt đối xử với những người bị nhiễm HIV/AIDS. “Năm 2020, các nguồn ngân sách của các tổ chức, trung ương, tỉnh hỗ trợ cho công tác phòng chống HIV/ AIDS bị cắt, giảm, do đó, rất khó khăn cho công tác phòng chống HIV/AIDS nói chung và cho phụ nữ, trẻ em nhiễm HIV nói riêng”, bác sĩ Phùng Bình Văn cho biết. Vì những lý do trên nên đa số phụ nữ nhiễm HIV không dám công khai và nữ mang thai chưa được tiếp cận dịch vụ HIV sớm… dẫ̃n đến nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và những người xung quanh là rất cao. Để tất cả trẻ em sinh ra đều khỏe mạnh, trước hết, xã hội cần có cái nhìn thiện cảm hơn với những người không may bị nhiễm HIV, tránh kỳ thị, phân biệt đối xử; cần có chế độ hỗ trợ cho những phụ nữ và trẻ em không may bị nhiễm căn bệnh này; mở rộng công tác tư vấn, tuyên truyền, xét nghiệm xuống huyện, thị, xã, phường; tăng cường điều trị phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.