Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chỉ đạo các địa phương phải đảm bảo phân bổ quà Tết không bị chậm và đến đúng đối tượng được thụ hưởng.
Chăm lo Tết cho gia đình chính sách, người có công và hộ nghèo luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và đã trở thành truyền thống mỗi dịp Tết đến Xuân về. Với tinh thần đó, không để người dân nào không có Tết, 300 tỷ đồng cùng 7.000 tấn gạo đã được chuẩn bị để dành tặng gia đình chính sách, người có công và người nghèo dịp Tết nguyên đán Bính Thân 2016.
Phóng viên VOV phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền về nội dung này.
PV: Thưa Bộ trưởng, là cơ quan làm chính sách, Bộ trưởng có thể cho biết các mức quà và gạo dành tặng người có công, gia đình chính sách và hộ nghèo dịp Tết nguyên đán Bính Thân được triển khai đến đâu rồi?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Là cơ quan chính sách, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội thực hiện chỉ đạo chung của Đảng và Nhà nước là không để người dân nào thiếu Tết, đặc biệt là những gia đình chính sách, gia đình người có công. Chính vì vậy, Bộ đã có văn bản đề nghị Thủ tướng, trình Chủ tịch nước tặng quà cho các đối tượng người có công với 2 mức là 400.000 đồng và 200.000 đồng cho một đối tượng để ăn Tết và tổng kinh phí khoảng hơn 300 tỷ đồng và trên 2 triệu đối tượng hưởng quà Tết.
Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trả lời phỏng vấn Đài VOV |
Ngoài ra, chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo các địa phương: Thứ nhất phải rà soát, nắm tình hình đối tượng người có công, từng gia đình. Trên cơ sở đó, tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà bằng nguồn lực của ngân sách địa phương cũng như huy động các tổ chức, cá nhân có điều kiện cho lo, chăm sóc đối tượng người có công.
Còn đối với những hộ gia đình nghèo, do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ở một số vùng nên ở một số vùng thì đến nay vẫn còn một bộ phận bà con còn thiếu đói trong dịp Tết, trong lúc giáp hạt. Chính vì thế, Bộ đã có văn bản chỉ đạo các địa phương rà soát, nắm tình hình các hộ nghèo, hộ đói, hộ thiếu gạo ăn trong dịp Tết này, có đề xuất sớm để kịp thời trình Chính phủ quyết định hỗ trợ, làm thế nào gạo ăn Tết phải được đến sớm với người thiếu đói và đúng đối tượng.
PV: Vậy đến thời điểm này, các địa phương đã thực hiện việc chăm lo Tết cho nhân dân như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Đến nay chúng tôi cũng đã nhận được báo cáo của 7 tỉnh có đề xuất là Tuyên Quang, Nghệ An, Quảng Trị, Lào Cai, Hà Nam, Yên Bái, Bình Định đề nghị hỗ trợ trên 7.000 tấn gạo với gần 500.000 nhân khẩu và đến nay Chính phủ đã quyết định hỗ trợ cho 4 tỉnh là Tuyên Quang, Nghệ An, Quảng Trị và Lào Cai. Các tỉnh còn lại chúng tôi sẽ làm sớm trong tháng 1 này, để làm thế nào đó trước ngày 25 tháng Chạp, gạo cứu trợ Tết đến được với hộ nghèo, những người thiếu đói.
PV: Ngoài nguồn hỗ trợ như Bộ trưởng vừa nêu, trong trường hợp người dân không may gặp thiên tai, hỏa hoạn trong những ngày Tết thì ai sẽ là người giúp đỡ họ, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Ngoài những đề xuất trên, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội có văn bản yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải bám sát tình hình, trên cơ sở đó, những trường hợp cụ thể ngoài những diện nói trên thì có rủi ro đột xuất thì phải cứu trợ kịp thời. Việc này giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo đến cấp xã. Cấp xã phải ứng cứu trước, trên cơ sở đó các cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ.
PV: Bộ trưởng đánh giá như thế nào về công tác xã hội hóa việc chăm lo Tết cho người khó khăn những năm qua?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Tôi đánh giá rất cao sự chăm lo cho người nghèo. Mặc dù ngân sách Nhà nước chỉ thông qua những chính sách cụ thể, nhưng những hoàn cảnh cụ thể ở từng địa phương thì không hề giống nhau, nhưng phải nói là cộng đồng địa phương, trong đó có doanh nghiệp cũng rất có trách nhiệm dành tình cảm cho người nghèo. Chính vì vậy mà sau 5 năm, tôi- với trách nhiệm là Bộ trưởng thì năm nào trong tổng kết tôi cũng đánh giá mức hỗ trợ ngoài ngân sách cũng xấp xỉ bằng ngân sách cho các đối tượng này. Đây là điều rất là mừng
PV: Vâng, cùng những điều đáng mừng như Bộ trưởng vừa nói thì những năm gần đây vẫn xảy ra tình trạng quà Tết của Nhà nước đến chậm, đến không đúng đối tượng, thậm chí bị bớt xén. Vậy là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, Bộ đã có chỉ đạo gì để các phần quà đến kịp thời và đúng đối tượng dịp Tết này?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Tôi nghĩ đó là điều không vui. Quà Tết thì cơ quan chính sách, Đảng và Nhà nước đều muốn đã là quà phải đi trước Tết và phải đến đúng đối tượng, nhưng rất là tiếc Tết năm nào cũng vậy, sau Tết, sau kiểm tra vẫn còn có nơi này nơi khác làm không đúng chỉ đạo.
Để khắc phục tình trạng trên, với góc độ của ngành: Thứ nhất, chúng tôi đã có kế hoạch và có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các địa phương nhận và phải phân bổ đến đúng đối tượng. Thứ 2, chúng tôi đề nghị phải làm sớm, bởi có tình trạng 29-30 Tết gạo mới đến địa phương nên họ phân bổ chưa đủ thời gian có thể làm ẩu, chưa kể có bộ phận tắc trách, nhất là chính quyền cơ sở. Chính vì vậy, chúng tôi có yêu cầu các địa phương là phải chỉ đạo sát sao việc này, tránh và giảm thiểu hiện tượng quà Tết không đúng và sai đối tượng.
PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!.