Lao động Hà Tĩnh tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) sẽ được hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ BHTN với tổng số tiền 115 tỷ đồng.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ BHTN. Để hiểu rõ hơn về chính sách này, Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đặng Văn Dũng trả lời phỏng vấn Báo Hà Tĩnh
- PV: Xin ông cho biết thời gian qua, Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả như thế nào trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19?
Ông Đặng Văn Dũng: Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Hà Tĩnh đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; phân công, phân cấp trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, địa phương chịu trách nhiệm tham mưu triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động theo đúng quy định của Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tính đến ngày 1/10/2021, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ dành cho 8 nhóm đối tượng với tổng kinh phí thực hiện là 20,25 tỷ đồng và tổng số đối tượng được thụ hưởng chính sách lên đến 49.650 người.
Cán bộ chính sách phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh chi trả hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Trong đó, tập trung nhiều nhất là nhóm chính sách hỗ trợ đối tượng F0, F1 và nhóm chính sách giảm mức đóng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chiếm đến 90% tổng số đối tượng được hỗ trợ.
Trên cơ sở chính sách đã thực hiện, thời gian tới, bám sát tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành LĐ-TB&XH, ngành BHXH và các ngành chức năng có liên quan cùng UBND 13 huyện, thành phố, thị xã sẽ tập trung dồn sức để giải quyết cơ bản các chính sách hỗ trợ đối với 12 nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg trong tháng 10 và tháng 11/2021.
- PV: Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ BHTN. Ông nhận định như thế nào về gói hỗ trợ lần này?
Ông Đặng Văn Dũng: Cùng với 12 nhóm chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Chính phủ tiếp tục ban hành bổ sung 2 nhóm chính sách về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ BHTN theo Nghị quyết của Quốc hội. Đây là chính sách có quy mô đối tượng hưởng thụ và có nguồn kinh phí hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay (tổng kinh phí thực hiện lên đến 38.000 tỷ đồng).
Để thực hiện chính sách này, cơ quan BHXH rà soát từ cơ sở dữ liệu quản lý người lao động tham gia BHTN để lập danh sách, gửi đến các doanh nghiệp kiểm tra, đối chiếu.
Đặc biệt, chính sách này có ưu điểm là thông thoáng nhất, dễ thực hiện nhất, thực hiện nhanh nhất và mức độ chính xác cao nhất trong tất cả các nhóm chính sách hỗ trợ người lao động được triển khai từ nay.
Theo đó, để thực hiện chính sách này, cơ quan BHXH rà soát từ cơ sở dữ liệu quản lý người lao động tham gia BHTN để lập danh sách, gửi đến các doanh nghiệp kiểm tra, đối chiếu. Nếu thông tin còn sai sót thì doanh nghiệp bổ sung, nếu thông tin đã đầy đủ, chính xác thì gửi lại BHXH để phê duyệt hỗ trợ và thực hiện chuyển tiền cho người lao động qua tài khoản cá nhân hoặc trả trực tiếp cho người lao động nếu người lao động chưa mở tài khoản.
Theo quy định của Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với chính sách hỗ trợ người lao động tham gia BHTN, sẽ có 6 nhóm đối tượng được hưởng thụ chính sách với mức hưởng thấp nhất là 1,8 triệu đồng/người đối với người lao động tham gia BHTN có thời gian dưới 12 tháng và cao nhất là 3,3 triệu đồng/người đối với những lao động có thời gian tham gia BHTN từ 132 tháng trở lên.
- PV: Vậy Hà Tĩnh sẽ triển khai thực hiện gói hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ như thế nào?
Ông Đặng Văn Dũng: Ngay sau khi có Nghị quyết của Chính phủ, ngành BHXH tỉnh đã chủ động triển khai trên toàn hệ thống, huy động toàn bộ nhân lực để chuẩn hóa cơ sở dữ liệu người lao động tham gia BHTN theo từng địa phương, từng doanh nghiệp và người sử dụng lao động.
Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp sẽ chi trả khoảng 115 tỷ đồng/48.000 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ở Hà Tĩnh
Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ
Đến nay, Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thành xong cơ sở dữ liệu để danh sách người lao động tham gia BHTN gửi đến các doanh nghiệp và người lao động rà soát lần cuối trước khi ban hành quyết định phê duyệt hỗ trợ và chuyển tiền qua tài khoản cho người lao động.
Theo quy định của Chính phủ, trong thời hạn 3 tháng phải hoàn thành tất cả các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP nhưng với mức độ thông thoáng, dễ tiếp cận và thực hiện của chính sách, ngành BHXH Hà Tĩnh đặt ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành thành cơ bản việc giải quyết các chính sách trong tháng 11, riêng đối với chính sách giảm đóng BHTN từ 1% xuống 0% sẽ thực hiện xong trong 5 ngày làm đầu tiên của tháng 10 (tức là sẽ hoàn thành trước ngày 10/10/2021).
Hà Tĩnh sẽ có 92.000 người được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, trong đó chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động tham gia BHTN là khoảng 48.000 với tổng kinh phí thực hiện lên đến 115 tỷ đồng.
Đối với chính sách giảm đóng BHTN, sẽ có 44.000 người được hưởng thụ với tổng kinh phí thực hiện lên đến 30 tỷ đồng.