Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân vừa có trả lời trước các thắc mắc của bạn đọc Báo Dân trí về chủ trương chủ trương sáp nhập, xoá bỏ các trường cao đẳng và trung cấp nghề, cơ sở giáo dục cấp huyện.
Nhận định về tình hình chung, Thứ trưởng Lê Quân cho rằng, giáo dục nghề nghiệp đang có nhiều khởi sắc: “Nhiều trường nghề hoạt động hiệu quả và có chất lượng. Trên bình diện chung toàn quốc, quy mô đào tạo nghề tăng cao, mức độ hài lòng của người học và của doanh nghiệp được cải thiện”.
Hiện cả nước đang có gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó gần 400 trường cao đẳng, hơn 550 trường trung cấp, đa phần là các trường công lập. Ngoài ra, toàn quốc còn có hàng trăm cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp huyện.
Thứ trưởng Lê Quân (Ảnh: Dũng Mạnh)
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Quân thừa nhận, công tác dạy nghề cần gắn với cung ứng nhân lực cho doanh nghiệp trên địa bàn. Điều này dẫn tới một nghịch lý.
“Nếu như các trường nghề ở các thành phố lớn, các trung tâm du lịch dịch vụ, các khu kinh tế, khu công nghiệp đang khởi sắc, thì các trường nghề tại các địa bàn kinh tế tư nhân chậm phát triển vẫn đang gặp nhiều khó khăn” - Thứ trưởng Lê Quân cho biết.
Về chủ trương sáp nhập, giải thể các trường cao đẳng, trung cấp, Thứ trưởng Lê Quân cho biết: Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành TW, Nghị quyết số 08 của Chính phủ đã đưa ra các định hướng cơ bản.
“Theo đó, việc sắp xếp và tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Điều này nhằm giảm đầu mối, đầu tư có trọng tâm, khắc phục chồng chéo và dàn trải…Qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp” - Thứ trưởng Lê Quân cho biết.
“Trên tổng số 63 tỉnh thành, còn khoảng hơn 10 địa phương đang gặp khó khăn trong triển khai giáo dục nghề nghiệp. Tập trung chủ yếu tại miền núi phía bắc, một vài tỉnh miền trung, tây nguyên” - Thứ trưởng Lê Quân cho biết.
Tại các vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn, Bộ chủ trương sẽ lựa chọn ưu tiên đầu tư một số trường trọng điểm. Những trường có khả năng tự chủ thì được tạo cơ chế đẩy nhanh tự chủ thay vì sáp nhập.
Với các trung tâm cấp huyện, Bộ LĐ-TB&XH chủ trương sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên thành một trung tâm.
Tại nhiều huyện có nhu cầu học nghề thấp hoặc gần các trường cao đẳng, trung cấp, Thứ trưởng Lê Quân cho rằng không cần tổ chức trung tâm dạy nghề cấp huyện. Thay vào đó, các trung tâm cấp huyện sẽ trở thành vệ tinh cho các trường cao đẳng, trung cấp.
“Với các trường cao đẳng, trung cấp, chúng ta mạnh dạn giải thể, sáp nhập các trường hoạt động kém hiệu quả, không tuyển sinh được. Tuy nhiên, việc sắp xếp lại là nhằm mục đích có được các trường nghề mạnh, có chất lượng, chứ không phải chạy theo thành tích cắt giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp” - Thứ trưởng Lê Quân cho biết.
Đặc biệt ở các địa phương khó khăn và nhu cầu nhân lực trong trung hạn trên địa bàn chưa nhiều, việc duy trì nhiều trường cao đẳng, trung cấp còn tạo áp lực cho ngân sách nhà nước, dẫn đến đầu tư dàn trải.
Thứ trưởng Lê Quân lưu ý, công tác tái cấu trúc và điều chỉnh nhân sự cần hợp lý nhằm tránh xung đột: “Việc gom các trường một cách hành chính mà không đi liền với tái cấu trúc, cắt giảm nhân sự sẽ gây nên nguy tạo ra xung đột, làm cản trở sự phát triển của các trường”.
Trường nghề không nhất thiết phải quy mô lớn, mà cần sự linh hoạt và năng động để cung cứng nhân lực cho doanh nghiệp.
“Quá trình sắp xếp lại sẽ dẫn đến dôi dư nhân lực, tình trạng thừa thiếu cục bộ. Trong ngắn hạn tình trạng thừa nhiều hơn thiếu. Do đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có đề án tái cấu trúc nguồn nhân lực để triển khai đồng bộ công tác tuyển dụng, chấm dứt hợp đồng lao động, đào tạo lại...” - Thứ trưởng Lê Quân lưu ý.
Tác giả bài viết: Theo Báo Dân trí
Nguồn tin: dantri.com.vn