Các cụm thi đua do Hội Nông dân huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) thành lập đã tạo “sân chơi” mới, giúp hội viên có cơ hội học tập kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình kinh tế.
Hương Khê là huyện miền núi với đặc thù địa hình rộng lớn. Bởi vậy, để hoạt động có hiệu quả hơn, tháng 7/2023, Hội Nông dân huyện đã thành lập 4 cụm thi đua theo vùng địa lý, mỗi cụm gồm 5-6 xã. Trong đó, cụm số 1 gồm hội nông dân các xã: Điền Mỹ, Hà Linh, Phúc Đồng, Hòa Hải, Hương Bình; cụm số 2 gồm: Hương Long, Phú Gia, Hương Vĩnh, Hương Xuân, Phú Phong; cụm số 3 gồm: Lộc Yên, Gia Phố, Hương Giang, Hương Thuỷ, thị trấn Hương Khê; cụm số 4 gồm: Hương Trạch, Hương Đô, Phúc Trạch, Hương Trà, Hương Lâm, Hương Liên.
Theo điều lệ, mỗi quý, các cụm sẽ tiến hành giao ban một lần; cụm trưởng có trách nhiệm thống nhất với các thành viên về nội dung kế hoạch giao ban, tổ chức tham quan mô hình, học hỏi kinh nghiệm, dự sinh hoạt chi hội và các hoạt động khác. Đồng thời, định kỳ hằng tháng, các cụm tổng hợp tình hình tư tưởng trong các tầng lớp nhân dân, những khó khăn vướng mắc, những kiến nghị đề xuất để xử lý, kịp thời thúc đẩy hoạt động của hội nông dân các cấp ngày càng phát triển thực chất, bền vững.
Mỗi quý, các cụm nông dân ở Hương Khê sẽ giao ban 1 lần, luân phiên tại các địa phương.
Cuối tháng 4 vừa qua, cụm thi đua số 2, gồm 5 xã: Phú Gia, Hương Long, Hương Vĩnh, Hương Xuân và Phú Phong tiến hành giao ban tại xã Phú Gia. Trước khi bước vào cuộc họp tại hội trường, các xã đã tham quan mô hình tổ hợp tác sản xuất mật mía Cường - Thùy và mô hình chăn nuôi dê của gia đình hội viên Nguyễn Thị Lành ở thôn Trung Hà, xã Phú Gia. Đây đều là những mô hình kinh tế mới, có hiệu quả.
Ông Trương Quang Thiên - Chủ tịch Hội Nông dân Hương Long chia sẻ: "Các xã trong cụm có điều kiện tự nhiên và khí hậu, địa hình tương đồng, vậy nên việc học tập để nhân rộng các mô hình kinh tế sẽ có nhiều thuận lợi. Xã Hương Long cũng có nhiều hộ trồng mía nhưng lại chưa có sự liên kết, chưa đầu tư máy móc hiện đại trong sản xuất mật mía như ở xã Phú Gia. Qua tham quan, chúng tôi ấn tượng với cách làm của nông dân xã bạn và cũng học hỏi được nhiều bài học quan trọng.
Chúng tôi sẽ chia sẻ với hội viên trong xã và quyết tâm nhân rộng thêm nhiều mô hình hiệu quả. Trước mắt, một số hội viên xã Hương Long (vùng lân cận với xã Phú Gia) đã tìm hiểu, tham gia tổ hợp tác sản xuất mật mía Cường - Thùy. Thời gian tới, chúng tôi sẽ vận động hộ dân khác mở rộng vùng sản xuất cũng như tiến tới thành lập tổ hợp tác, góp vốn đầu tư thiết bị, máy móc sản xuất mật mía".
Tổ hợp tác sản xuất mật mía Cường - Thùy ở xã Phú Gia đang là điển hình phát triển kinh tế để các địa phương lân cận nhân rộng.
Cũng như xã Hương Long, nhiều địa phương khác đang lên kế hoạch để tuyên truyền, giới thiệu về các mô hình hiệu quả trong cụm để bà con học tập, nhân rộng trong thời gian tới. Như tại xã Hòa Hải, sau khi tham quan mô hình trang trại tổng hợp tại xã Phúc Đồng, Hội Nông dân xã đã tuyên truyền người dân học tập, mạnh dạn phát huy lợi thế đồi núi để phát triển mô hình kinh tế.
Anh Trần Quốc Tuấn (thôn 3, xã Hòa Hải) chia sẻ, mô hình chăn nuôi dúi tại xã Phúc Đồng cũng như các mô hình nuôi động vật rừng hiệu quả khác trên địa bàn là động lực để tôi mạnh dạn lập nghiệp trên quê hương. Bởi vậy, tôi quyết tâm đầu tư vốn để chăn nuôi chồn hương. Trước mắt, tôi thả 40 con giống và đang tiếp tục học hỏi kinh nghiệm để nhân đàn trong thời gian tới.
Các cuộc họp tại hội trường của các cụm thi đua cũng diễn ra khá sôi nổi. Bên cạnh các nội dung thảo luận chia sẻ cách làm hay, những khó khăn, vướng mắc, các cụm còn giới thiệu về các chính sách, quy định mới. Trong quý 1 vừa qua, các đơn vị liên quan cũng đã tuyên truyền về chính sách, lợi ích của bảo hiểm xã hội. Sau mỗi cuộc giao ban, lại có thêm nhiều nông dân trực tiếp đăng ký tham gia mua bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Sau mỗi cuộc giao ban tháng 4 vừa qua, ở các cụm lại có thêm nhiều nông dân trực tiếp đăng ký tham gia mua bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Ông Đinh Công Tịu - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê cho biết: Việc thành lập các cụm thi đua nhằm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác hội và phong trào nông dân trong tình hình mới theo nội dung Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Thực tế cho thấy, hoạt động cụm thi đua đã tạo ra những “sân chơi” hiệu quả. Các địa phương có cơ hội tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình, cách làm hay; cùng nhau trao đổi, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; tìm ra những mặt còn tồn tại, hạn chế để có các biện pháp, giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động; phát huy khả năng sáng tạo trong triển khai tổ chức phong trào thi đua. Đây cũng là dịp giúp Huyện hội sâu sát thực tiễn hoạt động, nắm chắc tâm tư nguyện vọng, dư luận từ cơ sở để có giải pháp hoạt động hiệu quả hơn.
Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của Hội Nông dân Hương Khê là đổi mới và nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ nông dân.
“Chúng tôi khuyến khích nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của tổ chức hội cũng là đổi mới và nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ nông dân. Đặc biệt là phối hợp với các ngân hàng tín chấp giúp nông dân vay vốn và hướng dẫn nông dân sử dụng vốn vay có hiệu quả. Vận động, tranh thủ các nguồn lực từ ngân sách và các nguồn lực khác nhằm tăng nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, trong đó chú trọng việc nâng cao mức huy động nguồn quỹ tại chỗ; phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh và các doanh nghiệp cung ứng vật tư, phân bón, máy móc... theo phương thức trả chậm. Đặc biệt, hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ; xây dựng thương hiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm…” - ông Đinh Công Tịu cho biết thêm.
LTH - Phòng BTXH. Nguồn: Báo Hà Tĩnh (https://baohatinh.vn/)