Tập trung thực hiện đồng bộ, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách để đối tượng BTXH hưởng đầy đủ kịp thời chính sách trợ giúp xã hội của Đảng, Nhà nước là phát biểu kết luận của đồng chí Nguyễn Trí Lạc – Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tại buổi làm việc với Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi.
Chiều ngày 15 tháng 11 năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã làm việc với Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi về chương trình công tác phối hợp, chăm sóc đối tượng Bảo trợ xã hội trong thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Trí Lạc – Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và đồng chí Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi chủ trì buổi làm việc. Cùng tham dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Hội, Lãnh đạo Sở, Trưởng các phòng chuyên môn, Thủ trưởng các đơn vị trợ giúp xã hội thuộc Sở.
Từ năm 2017 đến nay, Hà Tĩnh đã ban hành 12 Nghị quyết trên 25 nhóm chính sách thuộc lĩnh vực giảm nghèo, giải quyết việc làm, đào tạo phát triển nguồn nhân lực; chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; chính sách về chăm sóc người có công, người cao tuổi; chính sách về trợ giúp xã hội; chính sách về hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, hộ nghèo. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn triển khai, thực hiện với hàng ngàn văn bản. Qua đó, đối tượng bảo trợ xã hội đã được tiếp cận, hưởng lợi đầy đủ, kịp thời. 10 tháng đầu năm 2023, riêng lĩnh vực trợ giúp xã hội, giảm nghèo ban hành gần 300 văn bản; tổ chức và phối hợp tổ chức hơn 45 lớp tập huấn cho hàng ngàn lượt hội viên, nhân viên công tác xã hội các cấp về chính sách trợ giúp xã hội và bảo vệ quyền, lợi ích cho đối tượng bảo trợ xã hội.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, khẳng định, Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chính sách riêng để chăm lo cho đối tượng yếu thế, trong đó nhiều chính sách là một trong những thành quả nổi bật của Hà Tĩnh trong thời gian qua, như:
- Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 18 tháng 11 năm 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020. Trong gần 3 năm (2021- 2023), đã có hàng trăm doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trực tiếp hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 573 tỷ đồng đầu tư xây dựng 65 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp phòng chống bão lũ, 10 điểm trường vượt lũ, hỗ trợ xây dựng mới 6.125 nhà ở cho người có công, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và hộ bị thiệt hại do thiên tai (trong đó Bộ công an huy động kết nối hỗ trợ 1000 nhà hộ dân). So với kết quả thực hiện 15 năm trước; giai đoạn 2008 - 2020, về mặt số lượng đạt 37,1% (6.125 nhà /16.512 nhà ở) về mặt kinh phí đạt 90,23% (573/635 tỷ đồng). Giai đoạn trước kinh phí hỗ trợ chủ yếu là từ NSNN, giai đoạn này 100% nguồn lực từ XHH, về mức hỗ trợ giai đoạn trước là từ 7-15 triệu đồng/hộ, mức tối đa là 40 triệu đồng /hộ xây mới, hiện nay mức thấp nhất là 70 triệu đồng /hộ xây mới. Đây là mức cao nhất từ trước tới nay và so với 2 tỉnh đang triển khai thực hiện mô hình này tỉnh Hà Giang mức hỗ trợ là 60 triệu đồng, Nghệ An mức hỗ trợ là 50 triệu.
- Tổ chức thực hiện kịp thời hiệu quả hính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng Covid-19: Hà Tĩnh là một trong 17 tỉnh nhóm đầu toàn quốc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận, biểu dương. Cụ thể: (i) Đối với các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ: 173.376 người thuộc đối tượng người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng BTXH và người lao động bị mất việc làm hưởng chính sách, kinh phí thực hiện: 198.971,5 triệu đồng; (ii) Đối với chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ: 77.227 người hưởng chính sách, kinh phí thực hiện: 60.973 triệu đồng; (iii) Đối với chính sách hỗ trợ thuê nhà ở theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: 1.314 người được hưởng chính sách, kinh phí thực hiện: 1.995 triệu đồng.
- Phối hợp với Hội đồng hương Hà Tĩnh tại thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giải cứu 3.839 người lao động yếu thế làm việc từ vùng dịch thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về địa phương cư trú, đây là nhiệm vụ chưa từng có trong tiền lệ trong bối cảnh thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang gồng mình để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
- Quỹ khuyến học các cấp đã huy động nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ học bổng cho các em học sinh sinh viên đạt giải cao trong các kỳ thi đại học có hoàn cảnh khó khăn được tham gia học tập. Tổng kinh phí huy động trên 25 tỷ, hỗ trợ tại cấp tỉnh: 216 em, tại cấp huyện: 75 em.
- Ngoài các đối tượng được nuôi dưỡng theo quy định của Trung ương, hiện nay Hà Tĩnh đã bổ sung thêm 05 nhóm đối tượng để đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng đó là: Thanh niên xung phong có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; con đẻ của người bị nhiễm chất độc hóa học không còn người thân thích chăm sóc, nuôi dưỡng; thương bệnh binh nặng có tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên; Người khuyết tật dạng khuyết tật thần kinh, tâm thần nặng, đặc biệt nặng có hành vi nguy hiểm cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội; người khuyết tật tâm thần kinh đặc biệt nặng là thuộc hộ nghèo có nguyện vọng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại CSTGXH….
- Hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho 11.811 người cao tuổi từ đủ 70 tuổi đến dưới 80 tuổi; hỗ trợ thu nhập cho 1.244 người cao tuổi thuộc hộ nghèo, đơn thân, không có người có quyền và nghĩa vụ phụng dưỡng với tổng kinh phí gần 2,5 tỷ đồng, mức 750.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn, 1.000.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị (bao gồm các khoản trợ cấp đang hưởng); người bị khuyết tật thần kinh tâm thần mức độ đặc biệt nặng thuộc thành viên hộ nghèo có nguyện vọng được tiếp nhận vào chăm sóc nuôi dưỡng tại Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội, đây là những chính sách riêng mà Hà Tĩnh đã triển khai, thực hiện có hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong nhân dân.
- Về kết quả thực hiện chính sách đối với Người khuyết tật, trẻ em mồ côi.
Toàn tỉnh hiện có 89.047 người khuyết tật theo các dạng tật, chiếm 6,69% so với tổng số dân toàn tỉnh, trong số người
người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là 29.243 người, bao gồm người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng; Số NKT đang hưởng trợ cấp chính sách đối với người có công với CM: 16.947 người; số người khuyết tật được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí là 56.958 người (chiếm hơn 63,96% so với tổng số người khuyết tật). Đến nay đã có 35.631 người khuyết tật được xác định mức độ và cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật, 100% số người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng được hưởng chính sách trợ giúp xã hội và các chính sách khác liên quan. 10 tháng đầu năm 2023 đã giải quyết chính sách cho 285.839 lượt đối tượng NKT, kinh phí gần 193 tỷ đồng bao gồm cả NKT nặng, đặc biệt nặng và kinh phí chăm sóc. Từ năm 2021-2023 có 346 học sinh là người khuyết tật được đào tạo nghề, trong đó có 67 em đã được giới thiệu việc làm. Điển hình trong giải quyết việc làm có các em đã tự kiếm thêm thu nhập từ ngành nghề mình được đào tạo.
- Chính sách trợ giúp đối với trẻ em tại cộng đồng: Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 6.422 trẻ em mồ côi. Trong đó, trẻ em được hưởng chính sách theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP: 2.933 em. Việc triển khai các quy định liên quan đến trẻ em được quan tâm triển khai thực hiện, lồng ghép với triển khai thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em nói chung, trẻ em có HCĐB nói riêng đặc biệt chú trọng triển khai trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, háp luật về trẻ em.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trí Lạc – Giám đốc Sở khẳng định, Hội Bảo trợ Người Khuyết tật và trẻ em mồ côi có vai trò quan trọng, là cầu nối, cánh tay nối dài trong việc quản lý, chăm sóc, hỗ trợ đối tượng BTXH tiếp cận, hưởng thụ chính sách, vì vậy, thời gian tới, yêu cầu các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở tăng cường công tác phối hợp với tổ chức Hội, tạo điều kiện hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu, tuyên truyền, tập huấn để thực hiện chăm sóc tốt nhất cho đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và người khuyết tật, trẻ em mồ côi nói riêng.. Mục tiêu “100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện, có nhu cầu được tiếp nhận vào chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về chính sách trợ giúp xã hội tại cơ sở./.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc
Các đại biểu tham dự Buổi làm việc
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi phát biểu tại Buổi làm việc
Đồng chí Nguyễn Thái - PCT Hội Bảo trợ NKT và TEMC báo cáo tại Buổi làm việc
Đồng chí Nguyễn Trí Lạc – Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội kết luận Buổi làm việc