Lê Thị Mai Hoa
Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, đặc biệt là công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện, tạo điều kiện để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước vẫn diễn biến phức tạp, mặc dù mới bước vào mùa hè, nhưng gần đây chúng ta đã phải chứng kiến những câu chuyện đau lòng về, đuối nước trẻ em xẩy ra tại các địa phương thuộc huyện Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ…chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm đã có hơn 750 trẻ em bị tai nạn thương tích, 14 em bị tử vong do đuối nước, 2 em bị tử vong do tai nạn giao thông và nhiều trường hợp bị tai nạn thương tích khác, bình quân mỗi năm có khoảng 1.300 em bị tai nạn thương tích, 30 trẻ em bị đuối nước. Tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em để lại những nổi đau thương cho mỗi gia đình và toàn xã hội.
Để từng bước kiểm soát, hạn chế tình trạng tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em, Ủy ban nhân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em, Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 10/7/2019 về tăng cường công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh và nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng khác. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các cấp đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ góp phần giảm thiểu tai nạn thương tích trẻ em: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Tỉnh Đoàn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh…đã phối hợp, chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai nhiều hoạt động như tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, truyền thông về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; in ấn, phát hành hơn 100 nghìn tờ rơi tuyên truyền phòng chống đuối nước đến trẻ em; các chuyên trang, chuyên đề, phóng sự, phát thanh, tin bài truyền thông về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em được phát sóng, đưa tin thường xuyên. Mỗi dịp hè về, các địa phương lại tiếp tục đầu tư, sửa chữa, tu bổ các khu vui chơi, giải trí, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh cho trẻ em, duy trì hoạt động thường xuyên 81 bể bơi, tổ chức hàng trăm lớp dạy bơi học bơi thu hút hàng chục ngàn trẻ em tham gia, bồi dưỡng kỹ năng an toàn trong môi trường nước; các mô hình, câu lạc bộ về phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em tiếp tục được duy trì và hoạt động hiệu quả. Thường xuyên tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em trên hệ thống truyền thanh cơ sở…Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống chống tai nạn thương tích được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể quan tâm và triển khai thường xuyên, đã rà soát, kịp thời lắp đặt hàng ngàn biển cảnh báo nguy hiểm, làm rào chắn tại các khu vực tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn thương tích, nhất là khu vực tiềm ẩn nguy cơ đuối nước trẻ em. Các hoạt động trên đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo điều kiện để trẻ em được bảo vệ, chăm sóc giáo dục trong môi trường an toàn thân thiện và lành mạnh.
Như chúng ta đã biết tai nạn thương tích trẻ em có thể xẩy ra mọi lúc, mọi nơi, thường xẩy ra bất ngờ, khó lường trước được và gây ra những tổn thương; có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích trẻ em nhưng sâu xa là do sự bất cẩn của người lớn. Dù ở môi trường nào cũng vậy, trẻ em vẫn có thể gặp những nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích như: Bỏng, đuối nước, điện giật, ngã, động vật cắn, ngộ độc, tai nạn giao thông…Trẻ em ở lứa tuổi này thường hay hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng, phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích vì vậy đòi hỏi phải có sự quan tâm, quan sát thường xuyên của người lớn, những người chăm sóc trẻ trong mọi hoạt động và đời sống, có khi chỉ một phút thiếu tập trung có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, người lớn cần trang bị cho trẻ nhỏ những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để tự bảo vệ mình từ khi trẻ bắt đầu hình thành những ý thức đầu tiên.
Hà Tĩnh là tỉnh có nhiều sông hồ, ao suối, kênh mương, địa hình địa bàn phức tạp, thiên tai bảo lũ thường xuyên, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông tại nhiều địa phương đã xuống cấp, tình trạng thiếu các sân chơi an toàn cho trẻ em, bể bơi, các khu vui chơi giải trí cho trẻ em… cũng là những nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước trẻ em.
Một số cấp ủy, chính quyền và gia đình chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là vấn đề tai nạn thương tích trẻ em, vẫn còn thiếu sự quan tâm, giám sát các hoạt động vui chơi, sinh hoạt của con cái ở các gia đình; trẻ em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ bản thân, phòng tránh tai nạn thương tích, vì vậy, tình trạng tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước đang là vấn đề “nóng” gây bức xúc, để lại những hậu quả nặng nề cả về vật chất và nỗi đau tinh thần cho mỗi gia đình và toàn xã hội.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tai nạn thương tích, nhất là hạn chế tình trạng trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước, trong thời gian tới rất cần sự vào cuộc của các cấp các ngành, của mỗi gia đình và toàn xã hội và tập trung một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Gia đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với trẻ em và phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em. Các gia đình cần phải thường xuyên quan tâm quản lý, giám sát, trông giữ con em đảm bảo được an toàn, hướng dẫn con em khi tham gia vào các hoạt động vui chơi của trẻ em, nhất là trong dịp hè. Cần phải thường xuyên nhắc nhở trẻ không được đến gần các khu vực nguy hiểm hay xảy ra tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước như gần mé sông, suối, ao hồ, kênh mương, đặc biệt là tuyệt đối không được cho trẻ tự ý tắm sông, hồ khi không có sự quản lý, giám sát của người lớn. Ngoài ra, các bậc cha mẹ nếu đã biết bơi cần hướng dẫn, dạy bơi cho trẻ, đây là phương pháp gần gũi, dễ thực hiện và đem lại hiệu quả cao.
Hai là, tăng cường quản lý nhà nước về công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác này. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống tai nạn thương tích, nhất là phòng chống tai nạn đuối nước; rà soát, kiểm tra các khu vực thường xảy ra tai nạn thương tích hoặc tiềm ẩn nguy cơ tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước như tại các công trình chứa nước, sông hồ, ao suối, cống thoát nước…để kịp thời, chủ động có các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn như làm rào chắn, nắp đậy, lắp biển cánh báo, phân công lực lượng cảnh giới. Tiếp tục triển khai có hiệu quả việc xây dưng mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em đến các đơn vị, địa phương, từng trường học, lớp học, từng thôn, xóm, tổ dân phố, từng gia đình. Phổ biến kiến thức, trang bị kỹ năng cho trẻ em, học sinh về phòng chống tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước. Vận động, khuyến khích cha mẹ hướng dẫn con học bơi, tham gia các khóa, lớp học bơi để các em có kỹ năng an toàn trong môi trường nước, phòng chống đuối nước.
Bốn là, phát huy vai trò phối hợp giữa các ngành, các cấp triển khai thực hiện công tác trẻ em, tổ chức các câu lạc bộ, các mô hình, diễn đàn…tạo môi trường, sân chơi để trẻ em được tham gia, được khẳng định bản thân, chú trọng công tác truyền thông, giáo dục về kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, triển khai có hiệu quả các hoạt động phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước trẻ em.
Năm là, tập trung triển khai có hiệu quả chương trình bảo vệ trẻ em, huy động nguồn lực, bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng các công trình như công viên, bể bơi, khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em. Tổ chức các hoạt động hè bổ ích cho trẻ em, học sinh như sinh hoạt hè, tham quan, dã ngoại, mở các lớp học năng khiếu để thu hút các em tham gia nhằm tạo điều kiện để các em được vui chơi, giải trí an toàn, lành mạnh.
Tháng hành động Vì trẻ em năm 2021 với chủ đề “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai dịch bệnh” là dịp để mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội hãy nâng cao ý thức chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, tạo môi trường an toàn, thân thiện và lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện, xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước./.