Ngày 5/5, tại TP. Hà Tĩnh, Cục Việc làm - Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị chuyên đề về lao động vùng biên.
Từ năm 1994 đến 2015, có 266 doanh nghiệp Việt Nam được cấp giấy phép đầu tư tại Lào. Theo số liệu chưa đầy đủ, hiện có khoảng 13.500 lao động Việt Nam đang làm việc tại Lào theo hình thức đi làm việc tại các công trình nhận thầu, trúng thầu, đầu tư, thực hiện dự án viện trợ không hoàn lại. Còn lại, phần lớn lao động Việt Nam sang làm việc tự do tại Lào theo tính chất mùa vụ, làm kinh doanh, buôn bán nhỏ…
Sự có mặt của lao động Việt Nam tại Lào đã giúp giải quyết một phần nhu cầu thiếu lao động, nhất là trong các lĩnh vực: năng lượng, xây dựng hạ tầng cơ bản, lĩnh vực nông lâm nghiệp chế biến và lĩnh vực dịch vụ... Các dự án của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đã góp phần phát triển KT-XH, cải thiện đời sống nhân dân địa phương; góp phần tăng cường hiểu biết và tình hữu nghị của nhân dân hai nước.
Tuy nhiên, có số ít lao động Việt Nam sang Lào lao động tự do gây ra một số khó khăn trong công tác quản lý.
Tại hội nghị, lãnh đạo ngành LĐ-TB&XH một số tỉnh đã tập trung đánh giá những thành tựu, mô hình hiệu quả cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó có lao động là đồng bào dân tộc thiểu số và công tác lao động dịch chuyển qua biên giới...
Phó Cục trưởng Cục việc làm – Bộ LĐ-TB&XH Lê Quang Trung phát biểu tại hội nghị
Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục việc làm – Bộ LĐ-TB&XH Lê Quang Trung tiếp thu những kiến nghị của các địa phương nhằm tăng cường quản lý và bảo vệ quyền lợi của người Việt Nam làm việc tại Lào; đề nghị các địa phương có chung đường biên giới với Lào tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân hiểu rõ quy định của Việt Nam về lao động đi làm việc ở nước ngoài và quy định của Lào về lao động nước ngoài...