Ngày 2/2, tại TP. Hà Tĩnh, Hội LHPN Việt Nam, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam, Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ phụ nữ tổ chức hội thảo khu vực Bắc Trung Bộ về chủ đề “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị”.
Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. Về phía tỉnh Hà Tĩnh Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Thành Long cùng các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, UB MTTQ tỉnh cùng tham dự.
Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình trao đổi với đại biểu bên lề hội thảo
Phát biểu chào mừng hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định: Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Điều này được thể hiện xuyên suốt trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và được cụ thể hóa qua các chính sách của Nhà nước, văn bản pháp luật. Vì thế, địa vị của phụ nữ trong xã hội và gia đình ngày càng được cải thiện và có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển chung.
Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng: Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Điều này được thể hiện xuyên suốt trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và được cụ thể hóa qua các chính sách của Nhà nước, văn bản pháp luật.
Tại Hà Tĩnh, thời gian qua tình hình phát triển kinh tế, CT-XH, QP-AN có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận. Có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, trong đó yếu tố quan trọng nhất là sự quan tâm của tỉnh trong công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ nữ. Điều này được thể hiện từ khâu bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm và một số chính sách cán bộ nữ được ban hành. Nhờ thế, đội ngũ cán bộ nữ Hà Tĩnh đã có bước phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, tham gia lĩnh vực chính trị ngày càng đông.
Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình: Đội ngũ cán bộ nữ Hà Tĩnh đã có bước phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, tham gia lĩnh vực chính trị ngày càng đông.
Tuy nhiên, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo quản lý còn thấp, chưa tương xứng sự phát triển của lực lượng nữ, tỷ lệ cán bộ nữ ở một số lĩnh vực sụt giảm, nguồn cán bộ nữ hụt hẫng… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa thực sự quan tâm, chủ trương công tác cán bộ nữ chưa được quán triệt thực hiện đầy đủ, thiếu đồng bộ, một bộ phận phụ nữ chưa thực sự phấn đấu vươn lên…
Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị
Phó Chủ tịch Quốc hội và Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh mong rằng hội thảo sẽ là diễn đàn để các đại biểu trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong công tác cán bộ nữ; đề xuất giải pháp, kiến nghị với Đảng, Nhà nước các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho cán bộ nữ phát huy tối đa năng lực, trí tuệ đóng góp tích cực vào sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và mục tiêu bình đẳng giới.
Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, đại biểu cũng đã được nghe Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội Trương Thị Mai thông báo một số tình hình tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử. Thực tế, sự tham gia của nữ đại biểu trong Quốc hội giữa các vùng miền cũng khác nhau. Riêng 6 tỉnh Bắc Trung bộ, tỷ lệ nữ trong Quốc hội khóa XIII là 16,07%, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND ở cả 3 cấp đều thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung của cả nước và không có tỉnh nào có nữ là trưởng đoàn đại biểu Quốc hội.
Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị
Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội Trương Thị Mai thông báo một số tình hình tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử.
Để có bước đột phá và giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong việc thực hiện mục tiêu 30%- 35% nữ đại biểu Quốc hội, HĐND của nhiệm kỳ 2016-2021, các ý kiến tham luận của đại biểu cho rằng: Cần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt là vai trò của cấp ủy Đảng, người đứng đầu; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm của Nhà nước trong công tác quy hoạch cán bộ, chuẩn bị nguồn nhân lực tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp; tăng cường trách nhiệm của các cấp hội phụ nữ trong quá trình hiệp thương; tổ chức các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng tiếp xúc cử tri… cho các nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, HĐND...
Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tham gia hội thảo
Chiều nay, đại biểu tiếp tục thảo luận và nghe một số thông tin về tình hình cán bộ nữ tham gia lãnh đạo trong các cơ quan quản lý nhà nước, tham gia cấp ủy đảng đồng thời thống nhất một số vấn đề được đưa ra thảo luận và đề xuất, kiến nghị.