Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách để đảm bảo bình đẳng giới ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong thực tế, bất bình đẳng giới vẫn còn phổ biến và chủ yếu vẫn nghiêng về phía phụ nữ. Vì vậy, mục tiêu của Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015 là “Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức nhằm thúc đẩy toàn xã hội thay đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới; từng bước thu hẹp khoảng cách giới và nâng vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực còn bất bình đẳng hoặc nguy cơ bất bình đẳng giới cao, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020”.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh phát biểu tại Hội nghị sơ kết mô hình “Truyền thông về công tác bình đẳng giới” trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh (tháng 11/2014)
Thực hiện mô hình “Truyền thông về công tác bình đẳng giới”, thời gian qua, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ thị xã Hồng Lĩnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới, trong đó tập trung tuyên truyền Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020; kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015... Qua đó, nâng cao nhận thực và trách nhiệm về công tác bình đẳng giới và Vì sự tiến bộ của phụ nữ; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bình đẳng giới và công tác Vì sự tiến bộ của phụ nữ; cung cấp thông tin về bình đẳng giới để người dân, đặc biệt là phụ nữ có cơ hội tiếp cận, phát huy vai trò và thụ hưởng quyền bình đẳng trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội; khắc phục tư tưởng tự ti, an phận, tăng cường đoàn kết, sang tạo, vượt khó vươn lên không ngừng tiến bộ của phụ nữ. Kết quả của mô hình truyền thông bình đẳng giới đạt có tác động và góp phần thực hiện thành công các chỉ tiêu, mục tiêu về bình đẳng giới trên địa bàn thị xã Hồng lĩnh: 1. Về sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị Hiện nay, số nữ đại biểu tham gia các Ban Thường vụ Thị ủy nhiệm kỳ 2010-2015 là 01/13 đồng chí chiếm 7,7%. Số nữ đại biểu tham gia các Ban Chấp hành cấp ủy là 46/225 đồng chí chiếm 20,4% (trong đó, thị xã đạt 6/37 = 16,21%; cấp xã, phường và cơ sở đạt: 21,28%). Tổng số đảng viên nữ là 1.176/3.103 đảng viên chiếm 37,89%. Số nữ đại biểu HĐND thị xã nhiệm kỳ 2011-2016 là 8/28 người chiếm 28,6%. Số nữ đại biểu HĐND cấp phường, xã là 50/180 người chiếm 27,8%. Số cán bộ nữ là lãnh đạo Thị ủy, HĐND, UBND Thị xã là 01/6 người chiếm 16,7%. Tỷ lệ nữ tham gia làm lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND cấp phường, xã là 03/36 người, chiếm 8,33%. Số cán bộ, công chức viên chức là nữ (do UBND thị xã quản lý) có 571 người chiếm tỷ lệ 77,69%. Riêng cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan Thị ủy - UBND thị xã - Khối dân có trình độ đại học có 8/33, chiếm tỷ lệ 24,2%; trình độ cử nhân, cao cấp, trung cấp LLCT có 18/49 chiếm 36,7%. Cấp ủy thị xã đã rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo cấp thị giai đoạn 2011 - 2015 có 27 cán bộ nữ, chiếm 28,4%. Đến nay đã bổ nhiệm được 8 cán bộ, đạt 29,6% quy hoạch. 2. Về vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm Mô hình giúp hộ nghèo có phụ nữ làm chủ hộ được đẩy mạnh, các hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được tập trung giúp đỡ. Trên 70% số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được vay vốn và giúp đỡ làm kinh tế. Tỷ lệ giảm nghèo đạt bình quân đạt 1%/năm. Trong 3 năm qua đã giải quyết cho 689 phụ nữ hộ nghèo vay vốn với số tiền 17.242.000.000 đồng; 429 nữ hộ cận nghèo được vay với số tiền 12.880.000.000 đồng; trên 19.000 lao động được giải quyết việc làm, trong đó phụ nữ chiếm gần 50,7%. Cho vay vốn giải quyết việc làm cho 991 lao động, trong đó có 792 lao động nữ, chiếm 88%, với số tiền 13.477.000.000 đồng. Có 1.822 lao động làm việc nước ngoài, trong đó có phụ nữ chiếm gần 58%; có 1.644 lao động là nữ làm việc trong 159 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn chiếm tỷ lệ 38,4%. Đặc biệt, số lượng công nhân nữ đang làm việc trong Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh chiếm tỷ lệ 54,7% (170/311 lao động). Trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh hiện có 11 doanh nghiệp do nữ làm chủ với các ngành nghề đăng ký hoạt động là thương mại, dịch vụ, sản xuất… Thông qua việc thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong 3 năm qua đã có 491 phụ nữ lao động nông thôn được đào tạo các nghề, như: Kỹ năng chế biến thực phẩm; chăn nuôi lợn, gà, bò; sản xuất đậu phụ; vận hành máy sợi; kỹ năng giúp việc gia đình; sản xuất rau an toàn; sản xuất nhựa tái sinh; trồng đào; nữ công gia chánh; kỹ thuật trồng nấm; nữ công gia chánh… 3. Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đến nay thị xã Hồng Lĩnh đã có 100% các phường, xã đạt phổ cập THCS và (phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi) Mẫu giáo 5 tuổi. Tỷ lệ học sinh nữ thi đỗ vào các trường trung cấp là 3,7%, cao đẳng là 6,2%, đại học là 21,1%. Việc đầu tư đội ngũ giáo viên, cho hệ thống dạy nghề được quan tâm, nhất là nâng cấp các trường, trung tâm dạy nghề. Hiện nay, số lượng và tỷ lệ nữ cán bộ, giáo viên ngành giáo dục đã tốt nghiệp thạc sỹ là 14/753 người, chiếm tỷ lệ 1,86%. Số lượng và tỷ lệ nữ cán bộ, giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn ở cấp học từ tiểu học đến THPT là 100%. Số cán bộ quản lý nữ trong hệ thống giáo dục lên tới 27 người, chiếm tỷ lệ 52,9% tổng số cán bộ quản lý toàn ngành. 4. Về bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe 100% số trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi. Các cơ sở khám chữa bệnh đều thực hiện tốt chế độ miễn giảm viện phí cho các đối tượng chính sách; khám bệnh miễn phí cho 100% các cháu dưới 6 tuổi. Tỷ lệ phụ nữ được khám thai 3 lần trở lên duy trì đạt tỷ lệ trên 85%; tỷ lệ phụ nữ đẻ tại các cơ sở y tế nhà nước đạt 99%; phụ nữ có thai tiêm AT2 thực hiện duy trì tỷ lệ trên 99%; Tỷ lệ tử vong Mẹ/100.000 trẻ sơ sinh sống là 00/00; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên năm 2011 là: 13,7%, năm 2012 là 16,9%, năm 2013 là 18,9%, năm 2014 là 16,3%. Tỷ số giới tính khi sinh: Năm 2011 là 120 nam/100 nữ; năm 2012 là 117 nam/100 nữ; năm 2013 là 108 nam/100 nữ; năm 2014 là 112 trẻ trai/100 trẻ gái. Hội LHPN Thị xã phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt giai đoạn 2010-2015”, các phong trào “Kiến thức mẹ, sức khỏe con”, hoạt động của các CLB “Không sinh con thứ ba”, các hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS đã được đẩy mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu… đã góp phần rất lớn trong việc thay đổi nhận thức, quan điểm về việc sinh con trai, con gái. 5. Bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa và thông tin Phong trào xây dựng gia đình “ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững” được triển khai, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở phát triển, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Số phụ nữ làm chủ hộ ngày càng tăng. Hội LHPN Thị xã đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề về “Bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình”. Tổ chức các buổi tọa đàm về 4 phẩm chất của người phụ nữ là “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” cho cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ học tập và rèn luyện. Nhằm tôn vinh và phát huy giá trị truyền thống của lãnh đạo nữ qua các thời kỳ, Ban VSTBPN Thị xã hàng năm tổ chức Hội nghị gặp mặt nữ lãnh đạo quản lý qua các thời kỳ nhân dịp ngày 8/3 và ngày 20/10. 6. Bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới Đến nay, các phường, xã đều đã thành lập Ban chỉ đạo Phòng, chống bạo lực gia đình. Đài TT-TH thị xã đã có chuyên mục trên nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các văn bản quản lý nhà nước về gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật bình đẳng giới, kiến thức gia đình… Phòng Văn hóa - Thông tin đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình CLB phòng, chống bạo lực gia đình ở phường Đức Thuận. Công tác tư vấn, hỗ trợ hôn nhân, gia đình từng bước được đẩy mạnh, nhiều mô hình xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo, gia đình không có tệ nạn xã hội… được các hội, đoàn thể quan tâm triển khai thực hiện. UBND các cấp đã coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, hòa giải về hôn nhân gia đình. Thực hiện nghiêm túc việc xét và công nhận gia đình văn hoá theo tiêu chuẩn quy định, trong đó nhấn mạnh tiêu chí bình đẳng giới trong gia đình. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, bình đẳng và không có bạo lực trên địa bàn 6 phường, xã; thu hút sự tham gia tích cực của nam giới vào các hoạt động này. Đến nay toàn Thị xã có 33 CLB hoạt động đều đặn và có chất lượng. 7. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới Các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới được rà soát và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Công tác tổ chức và bộ máy cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ của các ngành, các cấp thường xuyên được kiện toàn. Ban VSTBCPN các phường, xã do Chủ tịch UBND phường, xã làm trưởng ban. Hiện nay 100% cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức hàng năm. Đã thành lập CLB “Nữ doanh nhân”, CLB “Nữ cán bộ, lãnh đạo quản lý” và các CLB này đã có những hoạt động hiệu quả. Những kết quả nói trên có một phần không nhỏ từ sự tác động tích cực của mô hình truyền thông về bình đẳng giới; đồng thời từ mô hình sẽ làm cơ sở, tiền đề để các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng trên địa bàn thị xã cũng như các huyện, thành phố trên toàn tỉnh lập kế hoạch, triển khai thực hiện công tác thông tin tuyên tuyền chính sách, pháp luật về bình đẳng giới trên địa bàn toàn tỉnh theo đạt theo yêu cầu , chất lượng và đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới của tỉnh và trung ương đề ra trong thời gian tới.