Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Lê Thành Long thống nhất tại buổi làm việc bàn về giải pháp phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TBXH chiều ngày 6/7 tại Hà Nội.
Đem lại lợi ích tốt nhất cho trẻ
Hai Bộ trưởng chung nhận định, thời gian qua công tác phối hợp giữa hai Bộ đạt nhiều kết quả tốt, đặc biệt trong công tác xây dựng pháp luật, các dự án Luật lớn của Bộ LĐ-TBXH đều có sự tham gia, cho ý kiến rất chất lượng của Bộ Tư pháp.
Bàn về kết quả phối hợp thực hiện giữa hai Bộ về công tác nuôi con nuôi, Cục trưởng Cục Nuôi con nuôi (Bộ Tư pháp) đánh giá cao sự phối hợp từ phía Bộ LĐ-TBXH trong quá trình triển khai thực hiện.
Bà Hảo cho hay, trong 7 năm 2011 - 2017, trên toàn quốc đã có 21.233 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi trong đó con nuôi trong nước chiếm tỷ lệ lớn khoảng 86,5%, phù hợp với các nguyên tắc của Công ước Quyền trẻ em và Công ước La Hay.
Bà Hảo cũng cho biết, công tác phối hợp liên ngành trong lĩnh vực này đã được tăng cường. Để cụ thể hóa và tăng cường hơn nữa công tác phối hợp liên ngành giữa 2 Bộ, ngày 14/3/2016, Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH đã ký Quy chế số 721/QC-BTP-BLĐTBXH về phối hợp công tác giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội.
“Việc tăng cường phối hợp liên ngành là yếu tố quan trọng trong tổ chức và thi hành pháp luật về nuôi con nuôi”, bà Hảo khẳng định, tuy nhiên theo bà Hảo, quá trình triển khai vẫn còn vấp phải một số khó khăn, đòi hỏi phải phối hợp cao hơn nữa từ hai phía.
Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TBXH) Nguyễn Văn Hồi đồng thuận, cho rằng hiện vấn đề nuôi con nuôi là vấn đề lớn, qua tình hình thực tiễn, nhu cầu lớn nhưng số lượng trẻ em có nhu cầu tìm gia đình thay thế nước ngoài do địa phương gửi lên trong 6 tháng đầu năm 2018 là 99 trẻ, giảm 2/3 so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2017 là 301 trẻ.
“Cùng với đó, khi giải quyết nuôi con nuôi, một số cơ sở trợ giúp xã hội còn "gắn" hỗ trợ tài chính với giải quyết nuôi con nuôi là chưa phù hợp với Luật nuôi con nuôi và Công ước La Hay, đó là phải có sự tách bạch giữa hỗ trợ nhân đạo và việc giải quyết nuôi con nuôi’’, ông Hồi nói.
“Về vấn đề này, Bộ LĐ-TBXH cũng không đồng tình và đã ban hành công văn số 983/LĐTBXH-BTXH ngày 13/3/2018 gửi UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi và tiếp nhận viện trợ”, ông Hồi nhấn mạnh thêm.
Liên quan đến công tác nuôi con nuôi, sau khi nghe lãnh đạo Cục của 2 Bộ báo cáo, Bộ trưởng LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung khẳng định, qua thực tiễn cơ bản phối hợp triển khai thực hiện tốt, nhu cầu cần có một mái ấm gia đình của các em rất lớn, song lại vẫn đang có các vướng mắc nhất định.
“Những gì vướng mắc, phải chấn chỉnh quyết liệt, để dành những gì tốt nhất cho trẻ em’’, Bộ trưởng nhấn mạnh và khẳng định, công tác nuôi con nuôi sẽ được đưa vào làm một khổ trong báo cáo tình hình trẻ em tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em sẽ được tổ chức vào cuối tháng 7 tới.
Bộ trưởng yêu cầu Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TBXH) phối hợp với Cục Nuôi con nuôi (Bộ Tư pháp) chuẩn bị báo cáo đầy đủ, tổng thể về bức tranh chung trẻ em, trong đó có liên quan đến trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cụ thể hơn nữa là vấn đề nuôi con nuôi. Nội dung này cần được đưa vào kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị các cơ quan chức năng quyết liệt chấn chỉnh vấn đề nuôi con nuôi, kiểm tra, thanh tra những vi phạm nếu có, đồng thời đề cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, tất cả với mục đích đem lại lợi ích tốt nhất cho các em.
Bộ luật LĐ sửa đổi được xây dựng trên cơ sở khoa học và thực tiễn
Báo cáo tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TBXH) Hà Đình Bốn cho biết, trong năm 2018 - 2019, Bộ LĐ-TBXH được Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ phân công soạn thảo 3 dự án luật, pháp lệnh như đã kể trên.
Về Bộ luật Lao động (sửa đổi), ông Bốn thông tin, về cơ bản vẫn giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động năm 2012. Ngoài ra cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung mang tính tăng cường khả năng nhận diện các quan hệ lao động trên thực tiễn, khắc phục tình trạng "lách" các quy định của pháp luật lao động; đồng thời nghiên cứu điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh trong thị trường lao động nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của các bên trong quan hệ lao động và thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động trong bối cảnh mới.
Báo cáo về tình hình, kết quả chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2018 – 2019, ông Bốn cho rằng tiến độ của Bộ luật Lao động sửa đổi không còn dài, hết năm 218 đã phải trình lên Chính phủ.
Làm rõ thêm về các vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa vào các định hướng chính sách theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương và Nghị quyết số 28-NQ/TƯ ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Nổi bật là nhóm chính sách bảo đảm quyền tự do tìm kiếm việc làm tốt hơn cho người lao động và phòng ngừa, xóa bỏ lao động cưỡng bức; mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về thời giờ làm thêm; sửa đổi khái niệm tiền lương tối thiểu và các tiêu chí xác định lương tối thiểu. Chính sách tiền lương tiếp tục được thể chế hóa theo cơ chế thị trường, từng bước mở rộng, tạo quyền tự chủ cho người sử dụng lao động và người lao động.
Đặc biệt, các quy định để tăng tuổi nghỉ hưu chung theo lộ trình từ năm 2021 nhằm thu hẹp dần khoảng cách về giới, thích ứng với xu hướng già hóa dân số và tình hình phát triển kinh tế - xã hội đã được đưa ra tham vấn ý kiến rộng rãi.
Bộ trưởng cho biết, Bộ luật Lao động năm 2012 sửa đổi toàn diện, thay vì sửa đổi, bổ sung một số điều như quá trình soạn thảo trước đây. “Từ các nhà nghiên cứu chính sách đến người dân đều mong muốn những nội dung của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được xây dựng trên cơ sở khoa học và thực tiễn, phù hợp với quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, vì thế phải tập trung cao độ cho việc xây dựng Bộ luật này’’, tư lệnh ngành LĐ-TBXH dứt khoát.
Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá cao buổi làm việc trên tinh thần trao đổi thẳng thắn, cùng nhau đánh giá và nhận diện đúng các vấn đề đạt được cũng như những khó khăn cần tháo gỡ của hai ngành trong công tác phối hợp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu tại buổi làm việc
Thời gian tới, hai Bộ trưởng mong muốn công tác phối hợp giữa hai Bộ ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.
“Hai Bộ sẽ phối hợp thường xuyên, đặc biệt tập trung bàn 2 việc lớn là các vấn đề về công tác nuôi con nuôi và Bộ Luật Lao động sửa đổi. Đây là những lĩnh vực gắn liền với đời sống người dân, với người lao động vì thế tầm quan trọng rất lớn. Trong đó, tập trung cao độ cho Bộ Luật Lao động sửa đổi’’, Tư lệnh ngành Tư pháp bày tỏ đồng thuận với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
“Đồng thời, Bộ Tư pháp sẽ sát cánh với Bộ LĐ-TBXH ngay từ đầu, xây dựng Bộ luật chất lượng; tập trung thời gian và nguồn lực - ưu tiên, quan tâm, đầu tư đúng mức cho Bộ luật quan trọng này, vì liên quan sát sườn đến người lao động”, Bộ trưởng Long chốt lại.
Quang cảnh buổi làm việc