Sáng 22/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã họp nghe báo cáo về các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn và người nghèo vùng lũ lụt.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn năm 2013-2019, cả nước đã hoàn thành hỗ trợ cho 339.176 hộ người có công có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở (đạt 96,7%). Giai đoạn năm 2015-2020, đã hỗ trợ 117.427/236.324 hộ nghèo (đạt 50%). Giai đoạn năm 2014-2021, hỗ trợ 19.032/23.797 hộ nghèo vùng lũ lụt có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở (đạt 80%).
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham dự cuộc họp nghe báo cáo về các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn và người nghèo vùng lũ lụt.
Trên thực tế, hiện đang có nhiều chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội khác nhau, có nội dung về hỗ trợ nhà ở như các chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xóa đói giảm nghèo bền vững, phong trào xóa nhà tạm, nhà dột, xây nhà đại đoàn kết. Tuy nhiên, mỗi chương trình lại thực hiện theo những quy định khác nhau khiến chính quyền địa phương, đặc biệt ở cấp cơ sở gặp nhiều khó khăn khi xác định, thống kê các hộ gia đình cần hỗ trợ bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn và người nghèo vùng lũ lụt còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, chồng chéo như mức hỗ trợ còn thấp, cào bằng, chưa tính tới đặc thù vùng, miền.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn và người nghèo vùng lũ lụt đã nhận được sự ủng hộ, quan tâm, ghi nhận, đánh giá cao của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội. Đây là bộ phận quan trọng của chính sách xã hội để phát triển nhà ở cho người dân Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, cần làm rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội, cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân trong việc huy động, đóng góp, sử dụng các nguồn lực dành cho hỗ trợ nhà ở xã hội.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng chỉ rõ một số bất cập, hạn chế về cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở như thiếu tính tổng thể, thống nhất do thiết kế ở nhiều thời kỳ, sự khác nhau về cơ chế sử dụng các nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, quỹ của các tổ chức chính trị - xã hội, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, chưa rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan (Nhà nước, xã hội, đối tượng được hỗ trợ).
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng lưu ý, các chính sách phải chỉ rõ đối tượng cần hỗ trợ, nguồn kinh phí, người thực hiện, bảo đảm công bằng, thống nhất, trong điều kiện, đối tượng giống nhau thì mức hỗ trợ từ Nhà nước hay xã hội cũng giống nhau.
Đồng thời, tận dụng những chủ thể đang làm rất tốt công tác này như Ngân hàng Chính sách xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tránh phân tán, dàn trải nguồn lực.
LTH - Phòng BTXH theo: https://www.molisa.gov.vn/