Đây là mô hình Nhật Bản đã làm từ lâu và các chuyên gia Nhật đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện, TS Vũ Xuân Hùng - vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết.
Một tiết học văn hóa của học sinh Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng
Con học xong THCS có nên cho học nghề? Trước băn khoăn này của nhiều bậc cha mẹ, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia và cả phụ huynh.
Học nghề: nhanh chóng tìm kiếm việc làm
Theo TS Vũ Xuân Hùng - vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, nếu không đỗ vào THPT, các bạn trẻ hoàn toàn có thể vào học trung cấp của giáo dục nghề nghiệp. Ở tuổi 15, việc học trung cấp là rất phù hợp vì có nhiều lựa chọn.
Lựa chọn thứ nhất, học nghề trong thời gian ngắn 1 đến 2 năm để lấy bằng trung cấp, có thể đi làm ngay sau khi tốt nghiệp, có thu nhập và không cần học thêm văn hóa THPT. Đây là lựa chọn tối ưu cho các bạn trẻ có học lực văn hóa hạn chế.
Lựa chọn thứ hai, vừa học được nghề vừa tiếp tục học thêm văn hóa THPT để ngay sau học xong trung cấp hoặc sau này có điều kiện liên thông lên trình độ cao đẳng, đại học và thậm chí là thạc sĩ, tiến sĩ nếu thực sự có năng lực.
Đây là lựa chọn cho các bạn trẻ có học lực văn hóa phổ thông ở mức khá trở lên, có thể do không may mắn trong kỳ thi vừa qua hoặc do điều kiện gia đình, bản thân không thể thi vào THPT.
Ưu điểm của học nghề là thời gian học ngắn, chương trình đào tạo thực hành là chủ yếu, nên sau khi tốt nghiệp, nhanh chóng tìm kiếm được việc làm, có thu nhập cho bản thân và gia đình.
Tỉ lệ học nghề sau THCS ở các nước - Nguồn: Viện Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực - Đồ họa: NHƯ KHANH
Thêm một điều rất quan trọng với nhiều gia đình khó khăn là các em tốt nghiệp THCS học trung cấp thì được miễn học phí.
Đặc biệt, theo chỉ đạo của Bộ Lao động - thương binh và xã hội, chúng tôi đang xây dựng đề án thí điểm để đào tạo học sinh lớp 9 lên thẳng cao đẳng. Đây là mô hình Nhật Bản đã làm từ lâu và hiện các chuyên gia Nhật Bản đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện.
Với mô hình này, học sinh sẽ học liên tục 5 năm từ lớp 9 và khi tốt nghiệp được cấp bằng cao đẳng, nhận danh hiệu kỹ sư thực hành hoặc cử nhân thực hành mà không cần phải vất vả học và chờ liên thông như trước nữa.
Đường đi ngắn, lại tiết kiệm
TS Đặng văn Sáng
Tiến sĩ Đặng văn Sáng - hiệu trưởng Trường trung cấp Bách khoa TP.HCM phân tích: sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh mất 3 năm để hoàn thành chương trình THPT và 4 năm nữa để lấy bằng ĐH. Tổng cộng mất 7 năm và học sinh phải đóng học phí toàn bộ cho 7 năm này.
Nếu tốt nghiệp THCS, học sinh chỉ mất 3 năm để có bằng trung cấp và hoàn thành chương trình văn hóa phổ thông. Nếu liên thông ĐH, thí sinh mất thêm 2 năm nữa.
Như vậy, chỉ mất 5 năm để học sinh tốt nghiệp THCS có thể có được tấm bằng ĐH trong khi Nhà nước đã trả học phí cho 3 năm học trung cấp, các em chỉ phải đóng học phí 2 năm liên thông ĐH.
Như vậy, các em đã tiết kiệm được 2 năm thời gian và 5 năm học phí so với việc học THPT sau đó mới học lên ĐH.
Phân luồng sau THCS là chủ trương rất thuận lợi để học sinh sớm có nghề nghiệp ổn định, tiết kiệm chi phí trong khi vẫn có thể học lên cao hơn nếu có nhu cầu.
Mỗi người có một lựa chọn khác nhau để tiếp tục con đường học vấn và tạo lập nghề nghiệp nuôi sống bản thân và gia đình sau này. Hãy căn cứ vào năng lực và điều kiện gia đình để chọn con đường phù hợp và hiệu quả nhất.
Đừng tạo áp lực cho con
Chị Nguyễn Thị Lệ
Chị Nguyễn Thị Lệ, TP.HCM, chia sẻ: Là mẹ, tôi biết sức học của con mình thế nào. Cháu thi lớp 10 được hơn 20 điểm, thực tế vẫn có thể vào được các trường THPT công lập tốp dưới.
Tuy nhiên, sức học của cháu vốn không tốt nên nếu ép cháu học phổ thông, vô tình gia đình sẽ tạo cho cháu áp lực rất lớn, rất dễ dẫn đến tình trạng chán nản. Chính vì vậy, tôi đã định hướng cho cháu theo học trung cấp trong thời gian 3 năm.
Tôi hiểu con mình và không đặt mục tiêu con người ta vào ĐH con mình cũng phải vào ĐH. Mục tiêu cuối cùng của việc học suy cho cùng cũng là để cho các con có nghề nghiệp ổn định để lo cho cuộc sống của mình sau này.
Thực tế tôi cũng có lo lắng bởi cháu mới 15 tuổi, vẫn còn ham chơi, không biết quản lý học sinh thế nào. Nhưng khi tìm hiểu chương trình học, tôi khá yên tâm bởi trường trung cấp, giáo viên chủ nhiệm gắn kết quản lý học sinh rất chặt chẽ. Lịch học hằng tuần đều được gửi cho phụ huynh, học sinh nghỉ không phép sẽ được giáo viên chủ nhiệm báo ngay cho phụ huynh.
Nhật Bản: nhiều lựa chọn cho học sinh
Sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh ở Nhật có 3 sự lựa chọn: đó là 3 loại trường gồm trường trung học phổ thông "đúng nghĩa" (senior high school), "cao đẳng" công nghệ (college of technology) và "cao đẳng" đào tạo chuyên ngành (specialized training college).
Senior high school là nơi cung cấp các khóa học tổng quát, chuyên ngành và tích hợp, thu hút đến 97% số học sinh tốt nghiệp THCS. Trong lựa chọn này lại tiếp tục có những lựa chọn khác. Các khóa học tổng quát (general courses) thường là lựa chọn của những em muốn vào ĐH, hoặc dành cho những em muốn tìm việc làm sau khi tốt nghiệp phổ thông nhưng lại không có sở thích nghề nghiệp cụ thể.
Có đến 75% học sinh lựa chọn những khóa học này. Trong khi đó, khoảng 19% chọn các khóa học chuyên ngành (specialized courses) vì các em đã xác định được đam mê nghề nghiệp của mình. Còn lại, các khóa học tích hợp (integrated courses) cho phép học sinh được chọn học kết hợp các môn tổng hợp và chuyên ngành.
Số còn lại không chọn senior high school có thể học "cao đẳng" công nghệ tại các trường yêu cầu thi đầu vào, đào tạo 5 năm về kỹ thuật, cấp bằng khi ra trường, một số trường còn cho phép học thêm 2 năm lấy bằng cử nhân. Hầu hết học sinh ra trường đều đi làm, số khác tiếp tục học ĐH.
Trong khi đó, các trường "cao đẳng" chuyên ngành không đòi hỏi thi đầu vào. Học sinh tốt nghiệp sẽ được nhận chứng chỉ và có thể tham gia các khóa học sau trung học để kiếm bằng cấp cao hơn.