Nhóm lao động tự do ở Hà Tĩnh hiện chiếm hơn 58% tổng số lực lượng lao động. Dù Nhà nước đã thực hiện không ít chính sách hướng về nhóm lao động này nhưng thực tế số người tiếp cận để được hỗ trợ, san sẻ rủi ro còn rất hạn chế.
Thiếu các thiết bị bảo hộ, lao động tự do thường nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn.
Nỗi đau từ tai nạn lao động
Hơn 10 năm về trước, theo chân một tổ thợ xây người địa phương, anh Dương Quốc Thiệu (39 tuổi, thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà) vào tỉnh Bình Dương làm việc tại các công trình xây dựng.
Công việc nặng nhọc, nguy hiểm nhưng lao động tự do như anh không được người sử dụng lao động trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và không được tập huấn kỹ năng về an toàn vệ sinh lao động trên công trường.
Trong một vụ tai nạn ngã giàn giáo, mặc dù may mắn giữ được mạng sống nhưng anh bị chấn thương sọ não và trở thành người tàn phế, mất khả năng lao động, sức khỏe ngày một giảm sút…
Vì không ký hợp đồng lao động, anh Thiệu không được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
Sau tai nạn lao động anh Dương Quốc Thiệu trở nên tàn phế và gánh nặng nợ nần do vay mượn để chữa trị đè lên đôi vai người mẹ già.
Bà Đặng Thị Cảnh, mẹ anh Thiệu cho biết: Thời điểm con tôi bị tai nạn, vì không có bảo hiểm y tế nên gánh nặng chi phí chữa bệnh rất lớn, gia đình phải vay mượn gần 300 triệu đồng để chữa trị. Gia đình tôi vốn đã thuộc diện hộ nghèo lại càng thêm khó khăn".
Còn anh Nguyễn Quốc Cường (33 tuổi, thôn Thanh Long, xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà) theo tổ thợ xây lên thành phố Hà Tĩnh làm việc. Ngoài tiền công thỏa thuận hằng ngày, hằng tháng, anh không có thêm quyền lợi gì.
Thời điểm đó, mỗi ngày làm việc, anh Cường được trả hơn 200 ngàn đồng. Nghe thì tưởng tiền công được nhiều nhưng ngày nào có việc thì anh Cường mới có tiền lương, thực chất tổng thu nhập mỗi tháng chỉ từ 4 - 5 triệu đồng.
Anh Nguyễn Quốc Cường đã trải qua nhiều tháng điều trị tai nạn với kinh phí hàng trăm triệu đồng.
Anh Cường nhớ lại, 2 năm trước khi anh đang trên đường đi làm về nhà, do bất cẩn xảy ra tai nạn giao thông nên chân trái giờ thành tật. Mọi chi phí điều trị đều do vợ anh chạy vạy vay mượn.
“Qua sự việc ấy, tôi càng thấm thía được sự vất vả và thiệt thòi của lao động tự do, trong đó có nghề xây dựng như mình. Bị mất sức lao động, không thể làm được công việc nặng, nhưng tôi vẫn cố gắng đi làm để cùng vợ gom góp trả nốt phần nợ đã vay mượn chi trả viện phí”, anh Cường bày tỏ.
Giờ đây anh chỉ có thể làm được việc những việc nhẹ nhàng để kiếm thêm thu nhập.
Cũng giống như anh Thiệu và anh Cường, phần lớn lao động tự do, ngoài những khó khăn như công việc thiếu ổn định, thu nhập thấp thì điểm chung mà họ phải đối mặt là ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản, nhất là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...
Cần có thêm điểm tựa cho lao động tự do
Theo ông Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB&XH), nhóm lao động phi chính thức (lao động tự do) ở Hà Tĩnh hiện chiếm hơn 58% trên tổng số lực lượng lao động. Trong đó, có trên 80% lao động ở nhóm lao động phi chính thức không ký hợp đồng lao động.
Lao động tự do tập trung chủ yếu ở lĩnh vực xây dựng (xây dựng nhà ở trong khu vực dân cư) trong khi đây là ngành có tỷ lệ nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động khá cao.
Lao động tự do ngành xây dựng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động
Cũng theo ông Đặng Văn Dũng, việc đảm bảo cho người lao động làm việc trong điều kiện an toàn nhằm phòng ngừa tai nạn lao động theo quy định của pháp luật, đặc biệt là đối với lao động tự do đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.
“Khi sự cố tai nạn lao động xảy ra thì các cơ quan chức năng không nắm được vì người sử dụng lao động cũng như người lao động thường không khai báo. Chính điều này đã gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền khi đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng cho lao động tự do”, ông Dũng cho hay.
Lao động tự do thường không được trang bị kiến thức về an toàn vệ sinh lao động và trang bị bảo hộ. Trong ảnh: Mỗi năm, tại làng nghề mộc nổi tiếng Thái Yên ở Đức Thọ xảy ra hàng chục vụ tai nạn lao động.
Những năm gần đây, Nhà nước đã thực hiện không ít chính sách hướng về nhóm lao động tự do. Chẳng hạn, bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế toàn dân, đã tạo điều kiện cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất khi về già…
Luật An toàn vệ sinh lao động cũng quy định rõ người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có quyền như: Được pháp luật bảo vệ quyền được làm việc trong điều kiện an toàn; được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động khi làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn.
Ngoài ra, lao động tự do được tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện và sẽ được hỗ trợ về mức đóng do Chính phủ quy định…
Dù nhiều chính sách hỗ trợ đã ra đời song trên thực tế, số lao động tự do tham gia các chính sách này để được hỗ trợ, san sẻ rủi ro còn rất ít. Nguyên nhân chủ yếu là do họ thiếu thông tin hoặc chưa nhận thức một cách sâu sắc về quyền lợi, sự cần thiết của việc tham gia các chính sách an sinh xã hội.
“Để lao động tự do được bảo vệ và hưởng thụ các chính sách an sinh xã hội hiện có, rất cần các cơ quan chức năng liên quan, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sử dụng lao động tự do nhằm phát hiện các sai phạm và xử lý thật nghiêm.”
Ông Đặng Văn Dũng - Trưởng phòng Lao động, Việc làm