Việc triển khai 44 mô hình điểm theo Đề án 06 tại Hà Tĩnh tạo ra giá trị lợi ích cho xã hội, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn.
Mô hình xác thực sinh trắc đang được triển khai thí điểm tại Phòng Công chứng số 1 (Sở Tư pháp).
Sáng 14/5, chị Nguyễn Thị Loan (trú tại xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) đến Phòng Công chứng số 1 (Sở Tư pháp) để làm thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất.
Tại đây, chị Loan được cán bộ Phòng Công chứng yêu cầu đưa giấy tờ tuỳ thân (căn cước công dân - CCCD). Sau khi sử dụng máy xác thực sinh trắc quét chip điện tử ở mặt phía sau CCCD, toàn bộ thông tin cá nhân, hình ảnh khuôn mặt của chị Loan được hiển thị. Cán bộ tiếp nhận sẽ căn cứ vào các thông tin này để so sánh, kiểm tra chủ thể. Sau khi xác định chị Loan đúng là người trên CCCD, cán bộ Phòng Công chứng tiếp tục các bước hoàn thiện hồ sơ.
Thiết bị xác thực sinh trắc có chức năng đọc và xác nhận độ trùng khớp giữa khuôn mặt của người yêu cầu công chứng với khuôn mặt đã được tích hợp, lưu trữ trong chip gắn trên thẻ CCCD.
Theo Trưởng phòng Công chứng số 1 (Sở Tư pháp) Bùi Minh Thu, thiết bị xác thực sinh trắc có chức năng đọc và xác nhận độ trùng khớp giữa khuôn mặt người yêu cầu công chứng với khuôn mặt đã được tích hợp, lưu trữ trong chíp gắn trên thẻ CCCD. Đồng thời, hiển thị thông tin cá nhân như: họ tên; ngày, tháng, năm sinh; địa chỉ thường trú và thông tin của vợ/ chồng, cha, mẹ người yêu cầu công chứng... Thiết bị còn có chức năng quan trọng là xác thực thẻ CCCD của người yêu cầu công chứng là thẻ thật do Bộ Công an cấp.
Mô hình xác thực sinh trắc được triển khai thí điểm tại đơn vị từ tháng 12/2023. Sau gần 6 tháng thực hiện, đến nay, đã có 494 lượt xác thực. Việc sử dụng thiết bị xác thực sinh trắc đã giúp công chứng viên nhận diện được chính xác thẻ CCCD của người yêu cầu; từ đó, đảm bảo an toàn pháp lý cho văn bản công chứng, phòng ngừa rủi ro. Kết quả của việc thí điểm tại Phòng Công chứng số 1 là cơ sở để tổ chức ứng dụng rộng rãi trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Mô hình thi online tập trung qua nền tảng công nghệ xác thực thẻ CCCD gắn chip điện tử được triển khai thí điểm tại Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà).
Cùng với mô hình xác thực sinh trắc tại Phòng Công chứng số 1 (Sở Tư pháp), tại Hà Tĩnh, còn có một số mô hình triển khai thí điểm theo Đề án 06 bước đầu mang lại kết quả tốt, được đề xuất nhân rộng trên toàn tỉnh.
Theo đó, ngày 6/12/2023, Công an tỉnh phối hợp Công ty Công nghệ FPT, Công ty F88 (TP Hà Tĩnh) triển khai xác thực bằng thiết bị xác thực CCCD gắn chíp; ngày 14/11/2023, Sở GTVT thí điểm mô hình xác thực sinh trắc tại Trường Cao đẳng kỹ thuật Việt Đức; Sở GD&ĐT thực hiện mô hình "thi online tập trung qua nền tảng công nghệ xác thực thẻ CCCD gắn chíp điện tử"…
Tại Hà Tĩnh, tỷ lệ công dân từ đủ 14 tuổi trở lên thu nhận cấp CCCD đạt tỷ lệ 96%.
Ngoài các mô hình đang triển khai thí điểm, một số mô hình theo Đề án 06 đã đạt kết quả nổi bật như: Thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại cơ sở kinh doanh lưu trú, cơ sở khám chữa bệnh, tại các khu công nghiệp (với 90.520 lượt thông báo); khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD (100% cơ sở triển khai thực hiện với gần 1,6 triệu lượt tra cứu); đảm bảo điều kiện công dân số (tỷ lệ công dân từ đủ 14 tuổi trở lên đã thu nhận cấp CCCD đạt 96%, sử dụng 925.176 tài khoản định danh điện tử; số người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại các ngân hàng chiếm tỷ lệ khoảng 75,3%; tổng dân số ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số 80.590 tài khoản, đạt tỷ lệ 8,4%); 100% cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở giáo dục thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt (quét mã QRcode, thanh toán qua POS, chuyển khoản...).
Hiện, Hà Tĩnh triển khai 44 mô hình điểm về triển khai Đề án 06. Trong đó, đã hoàn thành triển khai 24 mô hình, tạo được nhiều giá trị lợi ích cho xã hội, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; đang triển khai thí điểm đối với 5 mô hình và đánh giá hiệu quả để phát triển, nhân rộng; 4 mô hình sẽ được triển khai sau khi hoàn thành hệ thống IOC; 6 mô hình đang phối hợp Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ hướng dẫn và xây dựng lộ trình thực hiện; 5 mô hình cần đề xuất kinh phí để thực hiện.
Người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại các ngân hàng ở Hà Tĩnh chiếm tỷ lệ khoảng 75,3%.
Thượng tá Trần Hữu Cảnh - Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) cho biết: "Việc triển khai các mô hình điểm nhằm thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Qua thời gian triển khai, các mô hình đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực từ người dân và doanh nghiệp. Đây là những mô hình có tính thực tiễn, ứng dụng dữ liệu dân cư và định danh điện tử góp phần chuyển đổi số, phục vụ phát triển KT-XH, bảo đảm ANTT và mang lại những tiện ích, những giá trị to lớn cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn".
Dương Thị Dung - VPS (Theo BHT)
Link: https://baohatinh.vn/thuc-day-chuyen-doi-so-tai-ha-tinh-tu-44-mo-hinh-diem-theo-de-an-06-post266527.html