Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Bí thư Thành ủy Dương Tất Thắng, Giám đốc Sở Lao động - TBXH Nguyễn Trí Lạc cùng đoàn thăm hỏi gia đình bà Lê Thị Liên - vợ liệt sĩ, ở đường Huy Cận, phường Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh)
Thực hiện an sinh xã hội (ASXH) luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâmcùng ngay từ khi thực hiện đường lối đổi mới năm 1986 và tiếp tục khẳng định trong các kỳ Đại hội Đảng; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”; Nghị quyết số 21/NQTW ngày 22/11/2012 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012-2020” của Ban Chấp hành Trung ương (BCHTWĐ) khóa XI Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH của BCHTWĐ (khóa XII).
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng (2016) tiếp tục khẳng định: Bảo đảm ASXH là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ mới; tiếp tục hoàn thiện chính sách ASXH phù hợp với quá trình phát triển KT-XH…; Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII khẳng định: “Triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách về giải quyết việc làm, gắn với đào tạo nghề, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động. Thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về giảm nghèo bền vững, các chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng chính sách và người lao động….”. Quán triệt quan điểm chủ trương đường lối của Đảng chính sách pháp luật của Nhà nước, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hà Tĩnh, đã kịp thời thể chế hóa và ban hành các chính sách phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH của địa phương (Trong đó, HĐND tỉnh đã ban hành 10 Nghị quyết về lĩnh vực Lao động, dạy nghề, việc làm, người có công và xã hội), tạo hành lang pháp lý quan trọng, đảm bảo tính hiệu lực hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện. Những kết quả quan trọng đạt được trong thực hiện chính sách ASXH trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong những năm vừa qua, cụ thể trên các mặt:
Một là, Lao động (Tiền lương, tiền công, BHXH, BHTN) - giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - Việc làm –An toàn Lao động (ATLĐ) được tăng cường đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế, đảm bảo ASXH cho người lao động. Thực hiện việc sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQTW của BCHTWĐ (giảm 8 đơn vị so với năm 2015), sát nhập 03 trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX), Trung tâm kỷ thuật hướng nghiệp, GDNN cấp huyện thành 01 trung GDNN cấp huyện, phối hợp chặt chẽ giữa GDTX, GDPT với GDNN; thực hiện tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT, nhất là thực hiện mô hình thí điểm đào tạo nghề trình độ trung cấp kết hợp với học văn hóa tại các trường THPT và các trung tâm GDNN-GDTX đã có 13.572 học sinh được đào tạo nghề trình độ trung cấp. Đảm bảo cho các em lao động trẻ có trình độ tay nghề sớm tham gia thị trường lao động ngay khi vừa mới tốt nghiệp THPT.
Quy mô, số lượng, chất lượng đào tạo ngày càng tăng; nhiệm kỳ qua, đã tuyển mới 104.504 người, trong đó trình độ cao đẳng 6.665 người, trung cấp 25.926 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 71.913 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm từ 55,5% năm 2015 còn 44% năm 2020; năng suất lao động tăng bình quân hàng năm trên 11%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 23 triệu đồng năm 2015 lên 36 triệu đồng năm 2020. Toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 114.560 người, đạt 104% kế hoạch và bằng 116,7% so với nhiệm kỳ trước; Hà Tĩnh là địa phương dẫn đầu cả nước về công tác xuất khẩu lao động với 41.048 người đi làm việc ở nước ngoài (chiếm 36,95% việc làm mới được tạo ra hàng năm trên địa bàn tỉnh).
Quy mô đối tượng tham gia BHXH, BHTN, nhất là BHXH tự nguyện tăng nhanh (tăng 5 lần so với nhiệm kỳ trước). Đến nay, Hà Tĩnh đã có hơn 1.110.000 người tham gia BHYT chiếm trên 86% so với tổng dân số, dự kiến đến cuối năm 2020 đạt trên 90%. Số người tham gia BHXH bắt buộc luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch trung ương giao với hơn 86.000 người tham gia BHXH, bằng 16,73% lực lượng lao động trong độ tuổi và bằng 29,68% lực lượng lao động có khả năng tham gia BHXH. Tổng số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt trên 71.500 người bằng 19% lược lượng lao động trong độ tuổi có khả năng tham gia BHTN. Đặc biệt, đối chính sách BHXH tự nguyện, Hà Tĩnh, là tỉnh đầu tiên của cả nước ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện. Số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đã tăng từ 2.110 người năm 2012 lên 12.622 người năm 2019 và 22.127 người vào tháng 7/2020, dự kiến cuối năm 2020 đạt 25.000 người bằng 30% tổng số người tham gia BHXH bắt buộc. Hai là, Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn: Đến nay, toàn tỉnh đã xác nhận, giải quyết chế độ, chính sách cho 428.170 trường hợp; thực hiện công tác quản lý chi trả chế độ trợ cấp thường xuyên (bình quân hàng năm 45.000 người với tổng kinh phí hơn 1 ngàn tỷ đồng/năm), trợ cấp một lần kịp thời đầy đủ, đúng đối tượng, quan tâm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công tập trung và tại gia đình; thực hiện hoàn thành đề án hỗ trợ người có công về nhà ở, thực hiện tốt chế độ thăm hỏi tặng quà, dâng hương, chăm sóc nghĩa trang, thờ cúng Liệt sỹ nhân các dịp lễ, tết trang nghiêm chu đáo, Hà Tĩnh không còn người có công thuộc hộ nghèo (năm 2019), hồ sơ tồn đọng của người có công, đặc biệt là các vụ việc khiếu nai kéo dài hàng chục năm nay đã được xử lý dứt điểm. Ba là, Chính sách giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực: Thực hiện phân cấp, phân quyền, phân bổ kịp thời nguồn kinh phí từ CTMTQG của TW, các cấp chính quyền địa phương, nguồn lực xã hội hóa (XHH) và gắn trách nhiệm của người dân ngay từ đầu nhiệm kỳ, với 10 chính sách chung (bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông,...) và 5 dự án đặc thù, tổng kinh phí 7.400 tỷ đồng (kết quả thực hiện đạt hơn 11 ngàn tỷ đồng). Hà Tĩnh là địa phương thực hiện tốt phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo- Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tỷ lệ hộ nghèo dự kiến còn 3% (cuối năm 2020) giảm 8,4% so với đầu nhiệm kỳ (Bình quân hàng năm giảm 1,68%); hộ cận nghèo 4,00%, giảm 4,4% so với đầu nhiệm kỳ. Bốn là, thực hiện chính sách bảo trợ xã hội (BTXH), trợ giúp thường xuyên, đột xuất kịp thời: Toàn tỉnh hiện có 68.000 người (chiếm 5,3% dân số) thuộc đối tượng BTXH, hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên hàng tháng với tổng kinh phí cân đối từ ngân sách Trung ương hàng năm gần 400 tỷ đồng. Trong đó có 1404 người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hiện đang sống tại cộng đồng dân cư, hơn 1000 thành viên thuộc hộ người có công được hỗ trợ về thu nhập hàng tháng trên mức chuẩn nghèo cân đối từ ngân sách tỉnh, có 6.800 người cao tuổi, người tàn tật nặng và đặc biệt nặng được hỗ trợ thu nhập từ nguồn XHH, mỗi năm bình quân 32 tỷ đồng với thời hạn 5 năm, có 230 người được nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở BTXH công lập, 80 người tâm thần kinh rối nhiễu tâm trí được đưa vào bảo vệ khẩn cấp tại Trung tâm; Thực hiện chính sách trợ giúp đột xuất do thiên tai dịch bệnh, mất mùa giáp hạt.. sự cố môi trường biển hàng ngàn tỷ đồng, riêng đối với chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 Hà Tĩnh đã hoàn thành việc chi trả trong tháng 5/2020 với 172.083 người, Co-vid với tổng kinh phí hỗ trợ 197 tỷ đồng. Thực hiện ngày càng tốt hơn các chương trình, đề án về ASXH đối với người cao tuổi, đề án trợ giúp người khuyết tật, người tâm thần kinh rối nhiễu tâm trí, người tàn tật nặng và đặc biệt nặng, đề án chăm sóc bảo vệ trẻ em, phụ nữ, đảm bảo thực hiện tốt công tác Bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Thực hiện ASXH trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật nhất là việc chăm sóc và thực hiện chính sách ưu đãi người có công, giải quyết tồn đọng hồ sơ; giảm tỷ lệ hộ nghèo; tăng tỷ lệ tham gia BHYT, BHXH, BHTN; hỗ trợ thường xuyên đối với người có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ đột xuất cho người dân khi gặp các rủi... Có thể khẳng định rằng chưa bao giờ và chưa khi nào chúng ta có đầy đủ hệ thống chính sách ASXH của TW và của địa phương bao phủ, phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH, có ý nghĩa sát thực, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân, đã khơi dậy sức mạnh đoàn kết, huy động các nguồn lực, sự tham gia của toàn xã hội; qua đó, củng cố, nâng cao lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; mối quan hệ cộng đồng được tăng cường, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự, bảo đảm ASXH trên địa bàn tỉnh và cả nước. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực ASXH xã hội ở tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung còn bộc lộ một số hạn chế, một số yếu kém còn kéo dài, chậm được khắc phục như: Tỷ lệ bao phủ và chất lượng dịch vụ BHXH, BHTN còn thấp, đặc biệt một lực lượng lớn người lao động Việt nam đi làm việc nước ngoài hầu như không tham gia đóng nộp BHXH. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân nhiều mặt còn hạn chế.... Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách bảo đảm ASXH trên địa bàn tỉnh, từ thực tiễn tại địa phương trong thời gian tới cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn và các tầng lớp nhân tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết của trung ương; bổ sung, hoàn thiện các chính sách của tỉnh; huy động tối đa các nguồn lực để đâu tư chăm lo cải thiện đời sống, việc làm, thu nhập cho người dân, phấn đến năm 2025 Hà Tĩnh cơ bản thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu về đảm bảo an sinh xã hội theo nghị quyết của Trung ương./.