Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp để tôn vinh và tri ân những nỗ lực, đóng góp của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, nêu cao lòng tự hào yêu ngành, yêu nghề cho cán bộ, giáo viên và bồi đắp truyền thống hiếu học trên quê hương Hà Tĩnh.
Đại biểu tham dự buổi lễ.
Chiều 17/11, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022) và tôn vinh các Nhà giáo Ưu tú lần thứ 15.
Tham dự buổi lễ về phía Trung ương có đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam.
Về phía Hà Tĩnh có các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và các Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, nhà giáo tiêu biểu, các học sinh, sinh viên có thành tích học tập đặc biệt xuất sắc.
Chương trình văn nghệ chào mừng buổi lễ.
Phát huy truyền thống vùng quê hiếu học
Tại lễ kỷ niệm, các nhà giáo đã cùng nhau ôn lại truyền thống 40 năm đáng tự hào của ngành giáo dục. Tháng 8/1957, hội nghị quốc tế các nhà giáo họp tại Vacxava (Ba Lan) đã quyết định lấy ngày 20 tháng 11 hằng năm là ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo”.
Nước ta kỷ niệm Ngày Hiến chương các nhà giáo lần đầu tiên vào năm 1958 và cách đây 40 năm, vào năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã quyết định lấy ngày 20 tháng 11 hằng năm là “Ngày Nhà giáo Việt Nam”. Kể từ đó đến nay, Ngày Nhà giáo Việt Nam đã trở thành ngày toàn xã hội tôn vinh giáo dục, tôn vinh người thầy.
Giám đốc Sở GD&ĐT Đặng Thị Quỳnh Diệp đọc diễn văn buổi lễ.
Cùng với sự cống hiến của các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước, trên mỗi giai đoạn, đội ngũ nhà giáo, cán bộ giáo dục Hà Tĩnh đã luôn nỗ lực, quyết tâm, kiên trì phấn đấu, góp phần cùng toàn ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tô thắm thêm truyền thống hiếu học của vùng đất “địa linh nhân kiệt”.
Những năm khói lửa của chiến tranh, nhiều trường học đã bị tàn phá, nhiều thầy cô và học sinh đã ngã xuống trong khi thực hiện nhiệm vụ dạy học. Trong khó khăn, gian khổ, mất mát, ngành giáo dục Hà Tĩnh vẫn ra sức thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”. Từ ngọn đèn làng học Cẩm Bình, trên quê hương Hà Tĩnh đã xuất hiện nhiều điểm sáng, nhiều điển hình tiên tiến, nhiều tổ đội lao động XHCN, nhiều nhà giáo tiêu biểu.
Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, tháng 2/1949, Hà Tĩnh được Bộ Giáo dục công nhận là tỉnh đầu tiên trên cả nước thanh toán nạn mù chữ, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thời kỳ nhập tỉnh, giáo dục Hà Tĩnh đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt”, thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”. Đội ngũ giáo viên toàn tỉnh đã nêu cao ý chí tự lực, tự cường, bám trường, bám lớp, nêu cao đạo đức, trách nhiệm và tâm huyết, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nhà giáo Nhân dân Lê Đức Quý - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh bày tỏ vui mừng trước sự phát triển của ngành giáo dục tỉnh nhà.
Từ khi tái lập tỉnh (năm 1991) đến nay, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, hệ thống trường lớp ở Hà Tĩnh đã được quy hoạch hợp lý; đội ngũ nhà giáo được tăng cường về số lượng, cơ cấu. Đến nay, toàn tỉnh có trên 26.000 người đang công tác trong ngành, gồm hơn 2.000 nhà giáo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường đại học và hơn 24.000 nhà giáo tại các trường phổ thông, mầm non.
Các thế hệ nhà giáo hầu hết đều có phẩm chất, đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm cao, gắn bó với nghề, nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần đưa giáo dục Hà Tĩnh phát triển vượt bậc, trở thành tỉnh có thành tích giáo dục nhiều năm dẫn đầu cả nước.
Hà Tĩnh cũng là tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tỷ lệ phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đạt 28%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT, trúng tuyển vào các trường đại học đạt cao; luôn nằm ở tốp dẫn đầu cả nước về thành tích học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Từ 1991 đến nay, đã có 1.532 em đạt học sinh giỏi quốc gia các môn văn hóa, có 7 học sinh đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế và khu vực; 25 giải tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cho học sinh trung học và trên 200 học sinh đạt huy chương về thể thao, điền kinh cấp quốc gia.
Cô giáo Trương Thị Nhật Anh (Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) thay mặt đội ngũ giáo viên trẻ hứa tiếp tục phấn đấu, rèn luyện để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục trong thời kỳ mới.
Công tác quản lý giáo dục được chú trọng và không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Công tác tự chủ, xã hội hóa giáo dục, phong trào khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh và đạt được những kết quả tích cực. Công tác xây dựng trường nghề chất lượng cao, trường chuẩn quốc gia đã thực sự trở thành phong trào sâu rộng.
Phong trào khuyến học, khuyết tài, xây dựng xã hội học tập phát triển khá sâu rộng đến tận từng gia đình, dòng họ, địa phương, đơn vị. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong ngành được triển khai sâu rộng và đạt kết quả tích cực.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho Sở GD&ĐT Hà Tĩnh.
Ngành giáo dục và đội ngũ cán bộ, giáo viên Hà Tĩnh đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao qúy. Trong đó, toàn tỉnh có 5 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, 92 Nhà giáo Ưu tú, 5 chiến sỹ thi đua toàn quốc cùng hàng trăm tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tôn vinh các Nhà giáo Ưu tú.
Lễ kỷ niệm cũng là dịp tôn vinh 6 nhà giáo đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2020. Đây cũng là lần thứ 15 Hà Tĩnh tôn vinh các Nhà giáo Ưu tú trên địa bàn.
Tại lễ kỷ niệm, đại diện các thế hệ nhà giáo Hà Tĩnh cũng đã bày tỏ niềm vui, xúc động tự hào khi được sự quan tâm của tỉnh, của ngành và xã hội, coi đó là động lực để tiếp tục cố gắng không ngừng học tâp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp, góp phần giữ vững và phát huy truyền thống giáo dục trên quê hương.
Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, lấy chất lượng và hiệu quả làm thước đo
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng trân trọng gửi lời chúc mừng tới các nhà giáo lão thành, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, cán bộ quản lý, các thầy cô giáo, người lao động ngành GD&ĐT Hà Tĩnh qua các thời kỳ.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng phát biểu tại buổi lễ.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Hà Tĩnh - vùng đất “địa linh nhân kiệt”, người dân bao đời đã hun đúc nên truyền thống hiếu học. Trong mỗi giai đoạn phát triển, giáo dục Hà Tĩnh luôn đạt được những thành tích đáng tự hào. Ghi dấu trong những mốc son sáng chói của ngành GD&ĐT qua các thời kỳ là sự miệt mài, xả thân của đội ngũ các thầy cô giáo, cán bộ quản lí, người lao động toàn ngành. Với tài năng sư phạm, lòng yêu nghề, mến trẻ, tất cả vì học sinh thân yêu, các thầy cô đã không quản ngại khó khăn, tâm huyết trên từng trang giáo án, thắp sáng ước mơ, hoài bão cho các thế hệ học sinh.
Để tiếp tục phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh nhà trong giai đoạn mới, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: Ngành GD&ĐT cần tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả quan điểm của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo nhu cầu phát triển của xã hội; đảm bảo chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng ngành giáo dục.
Chăm lo công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đây là động lực then chốt để xây dựng tỉnh nhà sớm trở thành tỉnh khá của cả nước. Chủ động định hướng nghề nghiệp cho học sinh, phối hợp với Trường Đại học Hà Tĩnh, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Ngành GD&ĐT phải tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học trong từng cấp học; luôn lấy chất lượng và hiệu quả làm thước đo; phải học thật, thi thật, nhân tài thật. Tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo tâm huyết, trách nhiệm, có đạo đức trong sáng; chuyên môn, nghiệp vụ giỏi; biết truyền cảm hứng cho học sinh, là tấm gương sáng để học sinh noi theo.
Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên đảm bảo số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chất lượng. Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách; quan tâm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào công tác trong ngành giáo dục; chủ động rà soát, đánh giá, tham mưu các giải pháp đồng bộ, hợp lý, dài hạn để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên.
Cùng với việc làm tốt hơn nữa công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nâng tầm dân trí để đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục, đảm bảo dân chủ, công khai, tạo sự đồng thuận trong xã hội; quan tâm thu hút doanh nghiệp có thương hiệu đầu tư các dự án giáo dục trên địa bàn.
Phát huy vai trò của hội cựu giáo chức các cấp, phối hợp với ngành trong phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo; tập trung triển khai mô hình “trường học hạnh phúc”; phát triển mô hình liên kết đào tạo nghề giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp; huy động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia đào tạo nghề; đề ra các giải pháp từng bước tháo gỡ khó khăn để Trường Đại học Hà Tĩnh hoạt động ổn định, phát triển; đẩy mạnh công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận, đồng hành của phụ huynh, Nhân dân và toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, sở ngành, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng vào cuộc chăm lo sự nghiệp giáo dục và đào tạo; đảm bảo các điều kiện, chính sách tốt nhất để đội ngũ cán bộ quản lí, nhà giáo và người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.