Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Thông tư quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất tiêu chí đánh giá chất lượng trường trung cấp, cao đẳng nghề
Dự thảo nêu rõ, kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp là việc đánh giá và công nhận các hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm xác định mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục nghề nghiệp đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo các tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tiêu chí kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp là nội dung yêu cầu mà cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đáp ứng để được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Dự thảo nêu rõ, việc đánh giá trường trung cấp, trường cao đẳng dựa vào các tiêu chí sau:
Tiêu chí 1- Sứ mạng, mục tiêu và quản lý;
Tiêu chí 2 - Hoạt động đào tạo;
Tiêu chí 3 - Nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên;
Tiêu chí 4 - Chương trình, giáo trình;
Tiêu chí 5 - Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo;
Tiêu chí 6 - Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế;
Tiêu chí 7 - Người học và các hoạt động hỗ trợ người học;
Tiêu chí 8 - Giám sát, đánh giá chất lượng.
Điểm đánh giá cho mỗi tiêu chuẩn đạt yêu cầu là 2 điểm, tiêu chuẩn không đạt yêu cầu là 0 điểm. Tiêu chuẩn đạt yêu cầu được xác định trên cơ sở trường đáp ứng tiêu chuẩn và duy trì ít nhất trong 02 năm liên tục đối với trường trung cấp, trong 3 năm liên tục đối với trường cao đẳng tính đến thời điểm đánh giá.
Bảng tổng hợp các tiêu chí, số lượng tiêu chuẩn và điểm chuẩn của từng tiêu chí như sau:
Dự thảo nêu rõ, trường được đánh giá là đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi đáp ứng các yêu cầu sau:
1- Tổng số điểm đánh giá các tiêu chí kiểm định đạt từ 80 điểm trở lên;
2- Điểm đánh giá của tổng tiêu chí kiểm định lớn hơn 60% tổng điểm đánh giá các tiêu chuẩn của tiêu chí đó;
3- Các tiêu chuẩn sau đây phải đạt yêu cầu:
3.1- Trường xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo cho từng lớp, khóa học, học kỳ, năm học. Kế hoạch đào tạo chi tiết đến từng mô đun, môn học, giờ học lý thuyết, thực hành, thực tập phù hợp với từng hình thức và phương pháp tổ chức đào tạo để người học đáp ứng chuẩn đầu ra.
3.2- Các hoạt động đào tạo được thực hiện theo mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo đã được phê duyệt; có sự phối hợp với đơn vị sử dụng lao động hoặc các tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức, hướng dẫn cho người học thực hành, thực tập.
3.3- Đội ngũ nhà giáo của trường tham gia giảng dạy đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ và các tiêu chuẩn hiện hành khác, bảo đảm về số lượng, cơ cấu ngành, nghề và trình độ đáp ứng yêu cầu đào tạo của trường.
3.4- Nhà giáo giảng dạy theo nội dung, mục tiêu, yêu cầu của chương trình đào tạo và các quy định về tổ chức đào tạo có liên quan.
3.5- Trường ban hành đầy đủ các chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra của từng chương trình đào tạo mà trường được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
3.6- Các giáo trình được biên soạn hoặc lựa chọn, thẩm định, ban hành đủ cho các mô đun, môn học của chương trình đào tạo. Các giáo trình cụ thể hóa yêu cầu về nội dung kiến thức, kỹ năng của từng mô-đun, môn học trong chương trình đào tạo.
3.7- Các phòng học, phòng học chuyên môn hóa, khu vực thực hành, thực nghiệm, thực tập, giáo dục thể chất bảo đảm quy chuẩn và tiêu chuẩn cơ sở vật chất hiện hành, các yêu cầu công nghệ và bền vững môi trường.
3.8- Thiết bị đào tạo đáp ứng yêu cầu tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, thiết bị, dụng cụ phục vụ đào tạo được quản lý, bảo trì, bảo dưỡng, bố trí hợp lý, bảo đảm các yêu cầu sư phạm, an toàn sức khỏe và vệ sinh môi trường.
3.9- Trường ban hành và áp dụng quy trình quản lý, cấp phát nguyên, nhiên, vật liệu. Nguyên, nhiên, vật liệu được bố trí sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp thuận tiện; đáp ứng đầy đủ nhu cầu theo kế hoạch và tiến độ đào tạo.
Trường không đáp ứng các yêu cầu quy định trên được đánh giá là không đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.