Để đáp ứng yêu cầu giáo dục nghề nghiệp thời đại mới, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Đức Hà Tĩnh đang dần tiếp cận với chương trình chuyển đổi số trong quản lý đào tạo và dạy học. Sáng 10/3, đoàn công tác Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ - TB &XH) có buổi làm việc với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Đức Hà Tĩnh để khảo sát chuyển đổi số tại đơn vị.
Chuyển đổi số trong giáo dục nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng đang là xu hướng tất yếu, diễn ra nhanh, giúp hỗ trợ đổi mới giáo dục theo hướng giảm thuyết giảng và truyền thụ kiến thức sang phát huy năng lực của người học. Đây được xem là giải pháp cốt lõi để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng khả năng thích ứng với xu thế dịch chuyển nhân lực trên thị trường lao động quốc tế.
Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Kim Hồng Hưng - Trưởng đoàn công tác trao đổi một số vấn đề liên quan tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, đại diện Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh đã cung cấp một số thông tin liên quan đến quá trình, kết quả áp dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý tại các địa phương, sở, ngành trên địa bàn toàn tỉnh.
Các trường học nói chung, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói riêng cũng đã triển khai các phần mềm quản lý đào tạo, đào tạo trực tuyến, thi trắc nghiệm, bài giảng điện tử... Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc một số vấn đề như: nguồn kinh phí xây dựng cơ sở dữ liệu, quản trị hệ thống, xây dựng thư viện điện tử, đối tượng tiếp cận..
Theo báo cáo của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Đức về thực trạng công tác chuyển đổi số, hiện nay, nhà trường đã triển khai các phần mềm: quản lý đào tạo (tuyển sinh, quản lý danh sách HS - SV, điểm thi, thời khóa biểu...); kế toán; quản lý công chức, viên chức; vật tư, thiết bị. Thông qua cổng thông tin đào tạo (http://tructuyen.vdht.edu.vn), thư viện số, cổng thông tin giáo viên..., HS - SV, cán bộ giáo viên đang dần tiếp cận với chuyển đổi số trong dạy và học.
Ông Phan Văn Sâm - Phó trưởng phòng GDNN- Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh thông tin về quá trình chuyển đổi số tại địa phương.
Trong những năm tới, nhà trường đặt mục tiêu hoàn thành các khóa học chuẩn để người học có thể tự học được trên môi trường mạng; hoàn thiện các phần mềm quản lý. Đồng thời, hướng dẫn cách thức tiếp cận, phủ sóng wifi toàn khu vực trường để tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, người học tiếp cận chuyển đổi số.
Đoàn khảo sát ghi nhận những nỗ lực của nhà trường về công tác triển khai chuyển đổi số trong quản lý, đào tạo. Tuy nhiên, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Đức Hà Tĩnh cần khẩn trương hơn nữa bởi đây là vấn đề cấp thiết trong điều kiện phát triển hiện nay. Các đơn vị muốn thực hiện chuyển đổi số thành công phải tập trung vào các yếu tố cốt lõi như: nội dung giáo dục đào tạo, phương pháp dạy và học, hạ tầng nền tảng và học liệu số, giáo viên và học viên số, quản lý và quản trị số, thể chế và hành lang pháp lý...
Tại buổi làm việc, các bên liên quan cũng đã trao đổi nhiều nội dung về giáo dục nghề nghiệp trước tác động của các mạng 4.0; chuyển đổi số và tiếp cận chiến lược trong giáo dục nghề nghiệp; đào tạo kỹ năng và phát triển nhân lực số; kinh nghiệm của các nước trên thế giới về chuyển đổi số; dự báo nhu cầu kỹ năng trong tương lai...
Giáo sư Hồ Tú Bảo - Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán trình bày khung chiến lược tiếp cận chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp.
Hoạt động khảo sát được tiến hành nhằm giúp cơ quan chức năng có những tư vấn ban đầu về chiến lược, lộ trình và kế hoạch chuyển đổi số cho Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Đức; tham vấn chính sách cho Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, thu thập thông tin đầu vào làm cơ sở cho Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam” (GIZ) xây dựng các hoạt động phù hợp, gắn với thực tế và nhu cầu của mỗi trường trong giai đoạn 2021 - 2023 và những năm tiếp theo.
Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp là quá trình tích hợp và áp dụng các công nghệ kỹ thuật số như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo.. vào các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tận dụng các công nghệ số thay đổi tích cực cách thức quản lý, làm việc của cá nhân, đơn vị trong lĩnh vực này.
Mục đích của quá trình chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp là xây dựng hệ sinh thái giáo dục nghề nghiệp cho nền kinh tế số, góp phần đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ theo yêu cầu của nền kinh tế số; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; người học được gắn kết trong môi trường giáo dục nghề nghiệp số trong và sau quá trình học.