Công tác giảm nghèo ở Hà Tĩnh những năm qua đạt những kết quả đáng khích lệ, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống của người nghèo được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo đến nay chỉ còn 5%. Song, những kết quả đó chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo còn ở mức cao...
Tổ công tác Sở LĐ-TB&XH trực tiếp xuống các địa phương hướng dẫn, giám sát công tác điều tra
Nhằm tiếp tục phát huy kết quả đạt được cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt là thực hiện Quyết định số 1614/QĐ-TTg ngày 15/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ttoongr thể "Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có Chỉ thị số 19 về việc thực hiện Tổng điều tra, rà soát hộ nghèo - cận nghèo theo phương thức tiếp cận đa chiều.
Theo đó, chỉ thị yêu cầu các cấp, ngành, địa phương ở Hà Tĩnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa và tầm quan trọng của tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 theo phương thức tiếp cận đa chiều, làm cơ sở để xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Kiện toàn BCĐ giảm nghèo các cấp, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên BCĐ bám sát cơ sở để chỉ đạo tổ chức triển khai kế hoạch tổng điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo tính chính xác, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ, có sự tham gia của người dân theo đúng hướng dẫn của BCĐ trung ương nhằm xác định đúng đối tượng, không bị trùng hoặc bỏ sót, phản ánh đúng thực trạng đời sống nhân dân trên địa bàn...
UBND tỉnh yêu cầu Sở LĐTB&XH chủ trì, phối hợp cới Cục Thống kê xây dựng phương án, kế hoạch, tổ chức tập huấn hướng dẫn quy trình, nghiệp vụ điều tra cho các huyện/thành/thị; in ấn tài liệu tập huấn để phục vụ công tác điều tra; tổ chức việc giám sát quá trình điều tra ở các địa phương cơ sở; tham mưu ban hành quyết định phê duyệt kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh; triển khai cập nhật dữ liệu vào phần mềm quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh à vào phần mềm thống nhất chung của cả nước.
UBND các huyện/thành/thị căn cứ phương án tổng điều tra của BCĐ tỉnh để xây dựng phương án điều tra phù hợp tình hình cụ thể từng địa phương, báo cáo với cấp ủy và phối hợp với UBMTTQ, các ban, ngành, đoàn thể chỉ đạo, tổ chức tập huấn, hướng dẫn công tác điều tra; triển khai tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo đảm bảo chính xác, khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ có sự tham gia của người dân; chỉ đạo, hướng dẫn UBND xã/phường/thị trấn lưu trữ toàn bộ hồ sơ điều tra hộ nghèo, cận nghèo và cập nhật vào phần mềm quản lý theo quy định; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả điều tra, xác định hộ nghèo, cận nghèo của địa phương mình...