Ngày 10/1, Bộ Tư pháp và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 14/2002/CTPH-TP-PN về phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và ký Chương trình phối hợp giai đoạn 2013-2017.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa ký Chương trình phối hợp giai đoạn 2013-2017
Theo nội dung ký kết giữa Bộ Tư pháp và Hội LHPN Việt Nam, trong giai đoạn 2013-2017, hai cơ quan phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn ngành, tổ chức mình đẩy mạnh các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho phụ nữ. Chương trình phối hợp tiến hành xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của Hội LHPN Việt Nam; tiến hành khảo sát, đánh giá trình độ, số lượng cán bộ Hội làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, đội ngũ làm cộng tác viên pháp luật. Trên cơ sở khảo sát, chương trình tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ và củng cố, phát triển đội ngũ này, trong đó chú trọng xây dựng đội ngũ nữ tuyên truyền viên pháp luật tại cơ sở. Bộ Tư pháp và Hội LHPN Việt Nam tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho đội ngũ nói trên; biên soạn tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cung cấp cho các cấp Hội để phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho phụ nữ; xây dựng mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ phù hợp đối tượng, vùng miền.
Hai bên cũng phối hợp xây dựng và triển khai Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của phụ nữ giai đoạn 2013-2017”; xây dựng chuyên trang, chuyên mục về phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý trên các phương tiện truyền thông của Hội, của ngành Tư pháp; phối hợp trong việc nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về công tác phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, bảo đảm cho phụ nữ đều được bình đẳng trong tiếp cận pháp luật và các dịch vụ pháp lý; thực hiện tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý với các vụ việc cụ thể cho phụ nữ. Qua 10 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 14/2002/CTPH-TP-PN về phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, đến nay, trên 38,3 triệu cuộc phổ biến pháp luật đã được tổ chức; 6.462 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý được xây dựng và hoạt động ở cấp xã giúp phụ nữ tiếp cận thông tin, tháo gỡ, giải tỏa nhiều vướng mắc ngay tại cộng đồng.
Riêng trong cấp Hội Phụ nữ đã có trên 11 nghìn cộng tác viên pháp luật, 138 nghìn nữ tổ viên hòa giải. Hệ thống Trung tâm tư vấn pháp luật của Hội được thành lập, bước đầu hoạt động có hiệu quả, một số địa phương làm khá tốt nhiệm vụ hỗ trợ cho phụ nữ kết hôn với người nước ngoài. Trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở xã, phường, thị trấn cho người nghèo, đối tượng chính sách và phụ nữ được đẩy mạnh./.