Ngày 7/12/2023, đồng chí Nguyễn Trí Lạc - UVBCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời chất vấn của cử tri tại kỳ họp lần thứ 17 Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trí Lạc trả lời các câu hỏi của cử tri tại kỳ hop thứ 17 HĐND tỉnh khóa XVIII
* Về lĩnh vực việc làm, xuất khẩu lao động: Theo đó, đối với thực trạng công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực xuất khẩu lao động; Giám đốc Sở cho biết: trên địa bàn tỉnh có 03 doanh nghiệp được Bộ cấp giấy phép hoạt động, 01 Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh và 19 doanh nghiệp dịch vụ việc làm do Sở cấp phép; ngoài ra, hàng năm có trên 20 lượt doanh nghiệp xuất khẩu lao động ngoại tỉnh đăng ký tuyển chọn lao động trên địa bàn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Việc quản lý các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, doanh nghiệp dịch vụ việc làm đến tư vấn tuyển dụng lao động đều được Sở kiểm soát hồ sơ, đảm bảo đủ điều kiện giới thiệu về các địa phương phối hợp tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, một số văn phòng đại diện của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động quảng cáo sai, tuyển chọn quá nhiều lao động so với nhu cầu dẫn đến chậm tiến độ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thời gian tới, các sở, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ và nhóm giải pháp theo Kế hoạch số 261/KH-UBND; ngoài ra chính quyền các địa phương sẽ nghiêm túc xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đối với việc đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, kết nối giữa đào tạo nghề với giải quyết việc làm, hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động; Giám đốc Sở cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Ban Thường vụ tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh và Kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển thông tin thị trường lao động theo hướng hiện đại, linh hoạt. Nâng cao chất lượng, tần suất của các hoạt động giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm và các doanh nghiệp dịch vụ việc làm nhằm kết nối doanh nghiệp và người lao động. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ gắn với giải quyết việc làm trong nước và xuất khẩu lao động có tay nghề; tiếp tục triển khai công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp…
*Về tình hình công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh: Trên địa bàn tỉnh hiện có tổng số 22 cơ sở GDNN và cơ sở được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Công tác tuyển sinh đào tạo nghề trong những năm gần đây đạt kết quả tích cực. Quy mô đào tạo nghề tại cơ sở GDNN đã tăng từ 22.400 học sinh, viên năm 2020 lên 29.000 học sinh, sinh viên năm 2022. Chất lượng đào tạo nghề ngày càng được khẳng định, tỷ lệ học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có được việc làm ổn định trên 80% tổng số người tốt nghiệp. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức vai trò, vị trí của công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Tập trung nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo nghề trình độ cao đẳng, trung cấp và đào tạo lao động kỹ thuật cao. Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về hỗ trợ đào tạo nghề của Trung ương, tỉnh. Đẩy mạnh quan hệ hợp tác trao đổi giáo viên, học sinh, sinh viên với các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế.
* Về lĩnh vực bảo vệ chăm sóc trẻ em: Đối với tình trạng thiếu cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, gây khó khăn trong việc theo dõi, nắm bắt tình hình, thu thập số liệu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Trí Lạc cho biết: thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ giao cho cơ quan chuyên môn và các địa phương kiểm tra, rà soát việc bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã. Giao UBND cấp huyện chỉ đạo, yêu cầu UBND các xã, phường, thị trấn phải bố trí chức danh người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em các cấp; tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc bảo đảm thực hiện tốt hơn nữa công tác truyền thồng về quyền trẻ em, Luật trẻ em và các văn bản liên quan.
* Về công tác quản lý đối tượng tâm thần trên địa bàn: Hiện nay trên toàn tỉnh hiện có khoảng 89.047 người khuyết tật theo các dạng tật, chiếm 6,69% so với tổng số dân toàn tỉnh. Số người khuyết tật được đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng là 29.058 người. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp như: khi người thân có dấu hiệu phát bệnh cần sớm đưa đi khám và điều trị; thường xuyên rà soát, phát hiện, thống kê, phân loại số người có biểu hiện mắc các bệnh lý về thần kinh, người có tiền sử tâm thần hoặc có bệnh án về tâm thần đang sinh sống tại gia đình, cộng đồng để chủ động các biện pháp quản lý, hỗ trợ, chăm sóc, điều trị phù hợp…
* Về việc chậm chi trả chính sách ưu đãi NCC với cách mạng: Kỳ tháng 11, 12 theo thời gian quy định không phải là tình trạng riêng của tỉnh Hà Tĩnh mà là tình trạng chung toàn quốc.
Nguyên nhân:
Do điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp, phụ cấp thực hiện Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng từ tháng 7/2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh đã phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã rà soát, bổ sung nhu cầu kinh phí thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2023. Trên cơ sở kết quả rà soát, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 2422/SLĐTBXH-KHTC ngày 05/9/2023 và Công văn số 2887/SLĐTBXH-KHTC ngày 20/10/2023 về việc đề nghị cấp bổ sung dự toán thực hiện Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng theo mức hưởng mới quy định tại Nghị định 55/2023/NĐ-CP, tổng kinh phí đề nghị bổ sung là 135 tỷ đồng.
Ngày 03/11/2023 Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Văn bản số 3053/SLĐTBXH-KHTC về việc chậm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng kỳ chi trả tháng 11/2023.
Để đảm bảo kinh phí chi trả trợ cấp thường xuyên cho người có công với cách mạng trong khi chờ kinh phí cấp bổ sung của Bộ LĐ-TBXH, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã có Văn bản số 3260/SLĐTBXH-KHTC ngày 22/11/2023 chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố, thị xã rà soát nguồn kinh phí ngân sách trung ương ủy quyền được giao đầu năm; số dư nguồn kinh phí hiện có, khẩn trương thực hiện chi trả cho tất cả người có công với cách mạng tương ứng với tỷ lệ % giữa nguồn kinh phí thực tế hiện có và số phải chi trả.
Ngày 4/12/2023, Bộ LD-TBXH đã ban hành QĐ số 1881/QĐ-LĐTBXH về việc giao bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng với tổng số kinh phí là 106,2 tỷ đồng, tuy nhiên để chi trả đủ chế độ ưu đãi NCC cả năm 2023 thì còn thiếu 22,8 tỷ đồng.
Vì vậy, giải pháp sắp tới, Sở LĐ-TBXH đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, tạo điều kiện cho tạm ứng số kinh phí còn thiếu là 22,8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương để kịp thời thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng. Sau khi được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao dự toán năm 2024 Sở sẽ làm thủ tục để hoàn trả số tiền đã ứng nêu trên.