Những năm qua, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trẻ em ngày càng được tạo nhiều điều kiện, cơ hội để phát triển một cách toàn diện cả về thể chất, tinh thần, trí tuệ. Hệ thống phúc lợi xã hội, các chế độ, chính sách hỗ trợ trẻ em yếu thế, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới, Sở LĐTBXH Nguyễn Xuân Thái phát biểu
Tuy nhiên, dưới tác động mặt trái của sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng đã xuất hiện nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến trẻ em, đặc biệt là tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em, tình trạng tai nạn thương tích, đặc biệt là tử vong do đuối nước (chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020 toàn tỉnh đã có gần 20 em tử vong do đuối nước). Đây đang là vấn nạn để lại nhiều hậu quả nặng nề không chỉ với bản thân người bị hại mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình và xã hội. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình xâm hại trẻ em như sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận dân cư; do ảnh hưởng của văn hóa phẩm kích động bạo lực, phim ảnh khiêu dâm, kích dục trên các mạng Internet…Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do các em còn thiếu kiến thức, kỹ năng để phòng, tránh đối phó với các nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích. Thậm chí rất nhiều em là nạn nhân bị xâm hại nhưng không biết, không hiểu; nhiều em sau khi bị xâm hại vì tâm lý hoang mang, tự ti, mặc cảm, cảm thấy sợ bị thủ phạm trả thù nên che dấu bí mật, không dám phản ánh với người thân trong gia đình nên nhiều vụ việc không được phát hiện xử lý. Gia đình là môi trường đầu tiên và quan trọng nhất của trẻ em, bố mẹ là những người có vai trò tiên quyết trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em những nhiều người do mãi làm ăn kinh tế, chủ quan, lơ là trong việc bảo vệ con cái hoặc quan tâm tới con không đúng cách, thiếu kiến thức, kỹ năng giáo dục, bảo vệ con phòng tránh xâm hại, tai nạn thương tích. Từ thực tế này cho thấy việc trang bị, cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại, tai nạn thương tích cho trẻ em có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm cho trẻ em lá chắn an toàn, bền vững để các em tự bảo vệ chính bản thân mình.
Học sinh tham gia tham gia tập huấn
Thực hiện Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 13/3/2019 của UBND tỉnh về hành động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-205; Công văn số 3168/UBND-VX1 ngày 20/5/2020 của UBND tỉnh về tổ chức các hoạt động Tháng hành động vì trẻ em năm 2020, ngày 23/6, 26/6, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND huyện Thạch Hà, UBND huyện Lộc Hà tổ chức truyền thông tuyên truyền về phòng chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích cho học sinh Trường Tiểu học Thạch Tân và học sinh Trường THCS Mỹ Châu. Hơn 1.350 học sinh, giáo viên đã được cung cấp kiến thức, trang bị các kỹ năng để phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Nhiều tình huống giả định được đưa ra để các em biết cách ứng xử, đối phó như "không ở nhà một mình khi có người lạ vào nhà", "không đi một mình trong đêm tối", "không nhận quà của người lạ", " Hãy hét thật to khi có người khác đụng chạm vào cơ thể của mình khi mình chưa cho phép"...Các em được cung cấp, nhận biết những bộ phận trên cơ thể các em là bất khả xâm phạm, những kiến thức cơ bản về giới tính.Ngoài ra, các em cung cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng tránh tai nạn thương tích, đặc biệt là kỹ năng phòng chống đuối nước. Thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò của các cấp, các ngành và cộng đồng, đặc biệt là hướng tới đối tượng trẻ em, học sinh, giáo viên, phụ huynh về phòng chống xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em; tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Luật Trẻ em và các chương trình, kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.