Hơn 80% học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh có việc làm sau khi đào tạo nghề. Đa số học sinh, sinh viên nhà trường được các doanh nghiệp đánh giá đáp ứng về trình độ chuyên môn, ý thức tác phong công nghiệp, kỹ năng mềm.
Sáng 31/8, Đoàn giám sát chuyên đề của của Ban VH-XH (HĐND tỉnh) có cuộc làm việc với Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh về “công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2022”.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ, Trưởng ban VH-XH Đào Thị Anh Nga chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Văn Danh.
Đại biểu tham dự buổi làm việc
Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh hiện đang đào tạo trình độ cao đẳng 5 nghề, trình độ trung cấp 9 nghề và trình độ sơ cấp 5 nghề.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh Nguyễn Trọng Tấn báo cáo kết quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2020 - 2022
Hằng năm, nhà trường có quy mô tuyển sinh 3.310 học sinh, sinh viên, học viên. Trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng 170 sinh viên; trình độ trung cấp 710 học sinh; trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên 2.430 học viên.
Trước đó, đoàn giám sát đã đi kiểm tra, khảo sát cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề của của Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh.
Từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/5/2022, Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh đã tuyển sinh đào tạo 22.595 người, trong đó có 1.547 sinh viên cao đẳng, 6.997 học sinh trung cấp, 8.606 học viên sơ cấp và 5.445 học viên hệ đào tạo thường xuyên.
Đoàn giám sát khảo sát thiết bị dạy nghề tại Khoa Cơ điện tử...
Hằng năm, nhà trường đã giới thiệu việc làm sau đào tạo cho học sinh, sinh viên với các đơn vị như: Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Công ty TNHH LG Display Việt Nam, Công ty cổ phần Lilama18, Công ty cổ phần cáp treo Bà Nà..., với hơn 80% học sinh, sinh viên có việc làm sau khi đào tạo; với nghề điện công nghiệp, nghề hàn có trên 90% học sinh, sinh viên có việc làm sau khi đào tạo.
Đoàn khảo sát giờ thực hành của khóa đào tạo nghề kỹ thuật chế biến món ăn.
Đến ngày 31/5/2022, nhà trường đã có 400 học sinh, sinh viên làm việc tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh sau tốt nghiệp, 111 học sinh, sinh viên đang thực tập tại Hải Phòng, 46 sinh viên đang học giai đoạn 2 tại Công ty sản xuất và kinh doanh VINFAST – Tập đoàn VinGroup, 85 học sinh thực tập tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Đa số, học sinh, sinh nhà trường được các doanh nghiệp đánh giá đáp ứng về trình độ chuyên môn, ý thức tác phong công nghiệp, kỹ năng mềm.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đặng Văn Dũng: HĐND tỉnh, UBND tỉnh cần có chính sách để thu hút, giữ chân giảng viên, giáo viên giỏi tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh đề xuất tỉnh căn cứ kế hoạch, chiến lược phát triển KT-XH, năng lực đào tạo của trường, có chính sách đặt hàng đào tạo, hỗ trợ đào tạo để góp phần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao; có chính sách hỗ trợ học phí học văn hóa cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học nghề tại trường để góp phần thực hiện tốt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”; hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, một số trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề để nâng cao chất lượng đào tạo và hoạt động của nhà trường.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Văn Danh: Tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ học sinh, sinh viên học nghề chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ và Trưởng Ban VH-XH Đào Thị Anh Nga đề nghị nhà trường tập trung nguồn lực, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nghề; thường xuyên tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp, phân luồng cho học sinh tham gia học nghề; phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo nghề cấp huyện để liên kết đào tạo nghề; tiếp tục tăng cường công tác liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề theo nhu cầu doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ phát biểu tại buổi giám sát
Nhà trường cần có chiến lược, xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên để đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề khi số lượng người tham gia học nghề tăng trong thời gian tới. Đồng thời, bám sát chủ trương, nghị quyết của tỉnh để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho phù hợp với thực tiễn phát triển của tỉnh.