Truyền thông có vai trò vô cùng quan trọng trong công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại Hà Tĩnh
Sáng 4/6, hơn 200 cán bộ, phóng viên, báo cáo viên và cán bộ văn hóa, truyền thanh cấp xã Hà Tĩnh đã được nâng cao năng lực truyền thông về bình đẳng giới trong hội nghị tập huấn “Định hướng truyền thông về bình đẳng giới” do UBND tỉnh tổ chức.
Các đại biểu tham dự hội nghị tập huấn
Trong 1 buổi, đại biểu tham dự hội nghị được thông tin về kết quả 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia bình đẳng giới. Theo đó, sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới (2011 - 2020), Hà Tĩnh đã đạt 15/22 tiêu chí, trong đó có nhiều chỉ tiêu về giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa thông tin, lao động việc làm... đạt cao hơn bình quân chung cả nước.
Ủy viên Thường trực Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Hà Thị Lựu khai mạc hội nghị.
Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh là 24,45%, cấp huyện là 27,8% và cấp xã là 27,84%. Hà Tĩnh hiện có 2 nữ Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, 5 nữ Phó Chủ tịch HĐND huyện, thị, thành phố.
Tỷ lệ nữ tham gia BCH Đảng bộ cấp xã đạt 18,7%; cấp huyện 13,6%; cấp tỉnh 11%. Tỷ lệ các sở, ban ngành, đoàn thể và UBND các cấp có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ ở cấp tỉnh 40,38% và cấp huyện 46,5%.
Ông Nguyễn Trí Lạc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh phát biểu khẳng định vai trò quan trọng của truyền thông trong công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Hà Tĩnh có 19/60 nữ Tiến sỹ, 766/1.965 nữ Thạc sỹ. Tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản năm 2019 là 4,3/100.000 ca; tỷ lệ phụ nữ được quản lý thai nhi đạt 98,3%.
Toàn tỉnh cũng xây dựng được 17 mô hình CLB phòng, chống bạo lực gia đình, 340 mô hình truyền thông về xây dựng gia đình hạnh phúc, 90 câu lạc bộ “Liên thế hệ tự giúp nhau”, hơn 2.500 tổ hòa giải cơ sở tại các thôn, xóm và gần 300 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; tỷ lệ nạn nhân bạo lực gia đình được tư vấn về pháp lý và sức khỏe đạt 67,65%.
Tuy nhiên, hiện nay công tác bình đẳng giới và công tác phụ nữ vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Bởi vậy, vai trò của truyền thông vô cùng quan trọng; góp phần giúp công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ đến được với các cấp, ngành cũng như mọi người dân.
Tiến sỹ Đặng Ngọc Toàn - chuyên viên tư vấn về giới và phát triển của Dự án nâng cấp đô thị loại 2 của ADB (bìa trái) đối thoại với đại biểu tham dự.
Tại hội nghị, đại biểu được nghe Tiến sỹ Đặng Ngọc Toàn - chuyên viên tư vấn về giới và phát triển của Dự án nâng cấp đô thị loại 2 của ADB chia sẻ các giải pháp truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới.
Hội nghị tập huấn là cơ hội để đại biểu nâng cao năng lực, kỹ năng truyền thông cũng như trao đổi, chia sẻ bài học kinh nghiệm, khó khăn vướng mắc trong công tác tuyên truyền về bình đẳng giới.
Hội nghị tập huấn là cơ hội để đại biểu nâng cao năng lực, kỹ năng truyền thông cũng như trao đổi, chia sẻ bài học kinh nghiệm, khó khăn vướng mắc trong công tác tuyên truyền về bình đẳng giới; đề xuất, kiến nghị tìm ra phương án tối ưu, giúp cho công tác truyền thông về bình đẳng giới đạt được nhiều thành tựu.