PGS, TS. PHẠM NGỌC ANH
Học viện CTQG Hồ Chí Minh
1. Là Đảng cầm quyền, đội tiên phong, đại biểu cho lợi ích của giai cấp và dân tộc, đảng viên, cán bộ, công chức, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Họ phải là những người đi trước để nhân dân noi theo.
Theo Hồ Chí Minh, tinh thần trách nhiệm là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, cũng phải bằng cả trí tuệ, thể lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ làm đến nơi đến chốn, thành công. Tinh thần trách nhiệm là nắm rõ chính sách, đường lối, làm tròn nhiệm vụ với chất lượng và hiệu quả cao nhất. Để làm tròn trách nhiệm, cán bộ, đảng viên chẳng những phải kiên trì giải thích, tuyên truyền, cổ động mà còn phải bàn bạc, hỏi ý kiến, gom góp sáng kiến quần chúng. Lãnh đạo quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình. Tóm lại, “phải đi đúng đường lối quần chúng. Thế là có tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, đối với Chính phủ, đối với nhân dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương về trách nhiệm cá nhân. Người tự xác định cho mình trách nhiệm vừa là người lãnh đạo cao nhất, vừa là đày tớ của dân. Trong tiến trình cách mạng, Đảng có lúc phạm sai lầm, khuyết điểm, nhưng Hồ Chí Minh đã thể hiện tinh thần dám chịu trách nhiệm, không né tránh, tìm cách khắc phục. Trong
Thư gửi đồng bào nông thôn và cán bộ nhân dịp cải cách ruộng đất ở miền Bắc căn bản hoàn thành, Người viết: “Trung ương Đảng và Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm, khuyết điểm ấy và đã có kế hoạch kiên quyết sửa chữa nhằm đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất”.
Hồ Chí Minh quan niệm: Đảng tốt là do chi bộ tốt; chi bộ tốt là do đảng viên, tập thể chi ủy, người đứng đầu chi ủy tốt. Bởi vậy Người xác định rõ nhiều giải pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chi ủy, chi bộ.
Về chi bộ, chi ủy: Phải nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn về trách nhiệm, thực hiện nghiêm minh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, giám sát, kiểm tra đảng viên trong thực hiện chính sách của Đảng để biết rõ cán bộ và nhân viên tốt hay xấu; ưu điểm, khuyết điểm của các cơ quan và của các mệnh lệnh, nghị quyết, đặc biệt để chống lại cái thói nghị quyết một đằng, thi hành một nẻo. Phải giữ nghiêm kỷ luật trong Đảng, kỷ luật của đảng viên; phải giáo dục tư cách và bổn phận đảng viên và rèn luyện tính đảng. Phải có thái độ khen, chê đúng mực đối với mỗi đảng viên, cán bộ.
Về đảng viên, cán bộ, nhất là bí thư chi bộ: Phải nhận thức sâu sắc về tư cách và bổn phận của đảng viên, cán bộ, phải tu dưỡng như việc rửa mặt hằng ngày mới khẳng định được tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải nắm vững đường lối của Đảng; cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc nghiên cứu, học tập lý luận Mác-Lênin là để biết cách sống với nhau có tình,có nghĩa.
Với bí thư chi bộ, trong nhiều thứ tu dưỡng, rèn luyện thì tu dưỡng đạo đức có ý nghĩa căn bản. Tu dưỡng đạo đức cách mạng phải toàn diện, trên tất cả các khía cạnh, trong mọi mối quan hệ, gương mẫu để đảng viên trong chi bộ noi theo, đoàn kết, giúp nhau tiến bộ. Người đứng đầu chi ủy thường xuyên nuôi dưỡng lòng thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng bào. Rèng luyện đức tình ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc sai trái. Rèn luyện đầu óc sáng suốt, biết xem người, xét việc. Phải rèn luyện đức tính có gan nói, có gan phụ trách, có gan làm việc, có gan tự phê bình, có gan sửa chữa khuyết điểm, có gan chịu đựng khó khăn. Không tham địa vị, tiền tài. Không ham người tâng bốc mình. Rèn luyện đức tính cần, kiệm, liêm khiết, chính trực.
Muốn hoàn thành nhiệm vụ được giao, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân được tốt, người bí thư chi bộ phải có văn hóa, trình độ học vấn. Hồ Chí Minh coi việc học văn hóa, nâng cao học vấn là một mặt của chế độ công tác, một biểu hiện của đạo đức cách mạng. Vì thế, hơn ai hết, người bí thư phải chịu khó, học tập thường xuyên, mọi nơi, mọi lúc, “học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân”, học tập suốt đời nhằm thâu thái tri thức, khoa học – kỹ thuật của nhân loại, tăng năng suất công tác, cải tiến công việc. Người bí thư không chỉ giỏi về chính trị mà cũng phải giỏi về chuyên môn.
Theo Hồ Chí Minh, phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác là một mặt hết sức quan trọng của người đứng đầu cấp ủy. Cách lãnh đạo, cách làm việc của bí thư chi bộ, hiểu rộng ra là văn hóa lãnh đạo, văn hóa ứng xử. Nhưng làm sao đường lối đó đi vào cuộc sống, thấm vào từng người dân thì phụ thuộc nhiều vào phong cách, phương pháp công tác của đồng chí bí thư. Phong cách và phương pháp công tác có văn hóa của bí thư chi bộ là theo đúng đường lối quần chúng. Đó vừa là nguyên tắc, vừa là tình cảm, trách nhiệm công bộc với dân.
2. Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thời gian gần đây, nhất là từ sau Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) và tại Đại hội XII của Đảng, Trung ương thường xuyên nhấn mạnh: Một vấn đề thực sự cấp bách, cần làm ngay với mong muốn tạo ra được những kết quả cụ thể, rõ rệt củng cố niềm tin là: Xác định rõ thẩm quyển, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, nhất là bí thư chi bộ và mối quan hệ với tập thể cấp ủy. Tinh thần trách nhiệm, ý thức trước nhiệm vụ được giao của bí thư chi bộ có tác dụng thúc đẩy và tạo động lực cho sự phát triển của cơ quan, đơn vị.
Điều 7, Nghị định 157/NĐ-CP ngày 27/10/2007 về
“Quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành công vụ, nhiệm vụ” quy định: Trong mọi trường hợp, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nặng hơn thuộc quyền, không những chỉ là liên đới trách nhiệm mà đây còn là trách nhiệm trong chỉ đạo, quản lý, điều hành, kiểm tra, đôn đốc. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trọng trách lớn trước mọi thành công hay thất bại trong mọi hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Điều 6 của Nghị định này quy định rõ: Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước nếu có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành nhiệm vụ, công vụ làm mất mát, hư hỏng trang bị, thiết bị hoặc gây ra thiệt hại về tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hính sự thì phải chịu trách nhiệm vật chất theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu trước hết phải chịu kỷ luật của Đảng, sau đó là trách nhiệm trước pháp luật, chính quyền và nhân dân.
Nhiều năm qua, nhiều lúc, nhiều nơi bí thư chi bộ không phát huy tốt trách nhiệm cá nhân trước tập thể, chưa thực sự là đầu tàu, gương mẫu về phẩm chất, lối sống, tác phong công tác và sinh hoạt; không thể hiện rõ năng lực trong lãnh đạo; xem nhẹ việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện chế độ sinh hoạt đảng không nghiêm, xem nhẹ tự phê bình và phê bình. Chi bộ, chi ủy, bí thư chi bộ chưa nhạy bén trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; ít phát hiện, xử lý các biểu hiện tham nhũng, quan liêu. Một bộ phận bí thư chi bộ chưa thật sự thẳng thắn tự phê bình theo tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; phê bình người khác còn ngại va chạm, dĩ hòa vi quý, cục bộ; chưa khẳng định vai trò trong xử lý cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức, lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, kể cả trong vấn đề ý thức hệ, giá trị sống.
Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền là vấn đề mấu chốt để phát hiện và xử lý kịp thời những sai phạm trong lãnh đạo, quản lý. Thế nhưng thời gian qua việc thực hiện không đúng chế độ, chính sách và sai các quy định của pháp luật, để xảy ra tham nhũng, lãng phí, sử dụng tài sản công kém hiệu quả, sử dụng sai các nguồn tài chính xảy ra nhiều nhưng bí thư chi bộ ít bị xử lý. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Trong đó, đáng chú ý là bản thân người đứng đầu chi bộ
chưa được giáo dục đến mức tự giác để có liêm sĩ nhận trách nhiệm cá nhân; cấp ủy, chính quyền cấp trên và cùng cấp còn thiếu những quy định, chế tài minh bạch, cụ thể để thực hiện sự trừng phạt nghiêm khắc đúng người, đúng tội; quần chúng chưa phát huy hết vai trò làm chủ để có thể tạo áp lực đúng, cần thiết truy cứu trách nhiệm người đứng đầu...
Trong điều kiện hiện nay, khi hoạt động của chi bộ đảng có nhiều nhiệm vụ mới khó khăn, phức tạp, đòi hỏi người bí thư chi bộ phải linh hoạt, bản lĩnh, nhạy bén, gương mẫu và trách nhiệm cao. Bí thư chi bộ phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; phải chịu trách nhiệm chính trong việc ra các quyết định, giải pháp, cả về phía người bí thư chi bộ, cả về phía tổ chức đảng như chỉ dẫn của Hồ Chí Minh.
Về phía cá nhân, người đứng đầu chi ủy phải xác định rõ vai trò, vị trí của mình trước tập thể; có quan điểm, phương pháp khách quan, toàn diện và cụ thể trong lãnh đạo. Bí thư cấp ủy phải gương mẫu về mọi mặt, chuẩn mực trong cách sống, tác phong công tác và biết chỉ ra phương hướng, kế hoạch công tác của đơn vị. Tự mình biết tạo ra khả năng quán xuyến, tổng hợp, khái quát, có năng lực nghe, nhìn và phân tích mọi hiện tượng, sự việc trong cơ quan, đơn vị. Đồng thời phải đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, bố trí một cách khách quan, chính xác những cán bộ, nhân viên thuộc quyền.
Người đứng đầu cấp ủy phải thường xuyên coi trọng tự phê bình và phê bình. Bản lĩnh lắng nghe và tiếp nhận những ý kiến phê bình, những phản ứng của cấp dưới và quần chúng. Nếu bảo thủ, chủ quan, tự cao tự đại, tự mãn thì rất khó tiếp thu những lời phản biện, chỉ trích, trái chiều. Người đứng đầu chi ủy phải tiêu biểu cho sự đoàn kết, thống nhất cao trên cơ sở vì nhiệm vụ chung của cơ quan, đơn vị.
Về phía tổ chức đảng, chính quyền, để phát huy được vai trò cá nhân người bí thư chi bộ cần xây dựng quy chế làm việc, định kỳ lấy phiếu tín nhiệm. Kiên quyết bãi miễn, miễn nhiệm công tác khi bí thư không đạt từ 50% trở lên số phiếu tín nhiệm. . Tập thể cấp ủy, đơn vị mạnh dạn phê bình, chỉ ra cái sai của bí thư. Phê bình người đứng đầu, theo nghĩa tích cực, lành mạnh, phải trở thành chế độ công tác của tổ chức đảng. Đồng thời, sớm xây dựng và ban hành hệ tiêu chí trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy để có căn cứ đánh giá. Khi bí thư không hoàn thành nhiệm vụ hoặc mắc sai lầm, khuyết điểm cũng có phần trách nhiệm của cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Cấp ủy cấp trên thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của bí thư chi bộ. Khi phát hiện sai trái, phải kiên quyết xử lý.
Chi bộ là nơi gần nhân dân nhất. mọi hoạt động của chi bộ liên quan chặt chẽ đến đời sống nhân dân. Phát huy vai trò của nhân dân trong đánh giá bí thư chi bộ. Đặt sự tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của đồng chí bí thư không chỉ dưới sự theo dõi, quan tâm của đảng viên mà còn dưới sự giám sát trực tiếp của nhân dân.