Sáng 27/12, tại Hà Nội, Cục Bảo trợ xã hội đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024. Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội – Tô Đức chủ trì Hội nghị; cùng dự có đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.
Quang cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 của Cục Bảo trợ xã hội
Báo cáo kết quả thực hiện công tác năm 2023, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Ngọc Toản cho biết, trong năm 2023, cả nước bước vào thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ, cùng sự chủ động của cán bộ Cục Bảo trợ xã hội, công tác bảo trợ xã hội đã đạt nhiều kết quả đáng tích cực, đáng ghi nhận và hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu Chính phủ, Bộ LĐTBXH giao phó.
Cụ thể, trong lĩnh vực thực hiện các chỉ tiêu lĩnh vực bảo trợ xã hội tính đến hết năm 2023 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói; Hơn 90% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời; hơn 90% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời.
Đối với công tác chi trả các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên, đến nay, cả nước đang thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng với 3,3 triệu người, trong đó có 1,4 triệu người cao tuổi, 1,6 triệu người khuyết tật. Hiện nay, 21.000 trẻ em đang hưởng chế độ đối với trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng; 146.000 trẻ em hưởng chế độ đối với trẻ em dưới 3 tuổi; 84.000 người đang hưởng chế độ người đơn thân nuôi con dưới 16 tuổi. 76.000 đối tượng khác.
Trong công tác phát triển công tác xã hội tại Việt Nam, Cục Bảo trợ xã hội đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai các Chương trình phát triển công tác xã hội, Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng,... Đến nay, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội có cung cấp dịch vụ công tác xã hội đã hình thành và phát triển trên phạm vi toàn quốc, có nhiều mô hình trung tâm công tác xã hội đã vận hành rất hiệu quả. Hiện đã có khoảng gần 250 nghìn công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên làm công tác xã hội trên phạm vi cả nước hoạt động trong các lĩnh vực y tế, trường học, giảm nghèo, trợ giúp các đối tượng yếu thế ở cộng đồng,…
Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội - Tô Đức phát biểu tại Hội nghị
Bên cạnh đó, Cục Bảo trợ xã hội đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng báo cáo đề xuất xây dựng văn bản pháp luật, dự thảo văn bản, hoàn thiện hồ sơ trình văn bản theo ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và cơ quan để trình Lãnh đạo Bộ, ký ban hành, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành bản quy phạm pháp luật và văn bản điều hành quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; nghiên cứu, xây dựng đề cương Luật sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi; nghiên cứu, đánh giá một số nội dung Luật Người khuyết tật; nghiên cứu, đề xuất Luật Trợ giúp xã hội.
Đối với công tác trợ giúp đột xuất, trên cơ sở đề xuất của địa phương, Cục đã tổng hợp, tham mưu để Bộ LĐTBXH trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp 21.567 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 20 tỉnh để hỗ trợ cho 256.847 lượt hộ dân với hơn 1,4 triệu lượt người dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và giáp hạt năm 2023.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, các cơ quan trung ương cùng địa phương đã vận động và huy động 9.500 tỷ đồng, hỗ trợ cho trên 25 triệu lượt đối tượng khó khăn. Mức hỗ trợ từ 300.000đ - 500.000đ/đối tượng. Một số địa phương có điều kiện ngân sách như thành phố Hà Nội mức hỗ trợ 1.000.000đ - 2.000.000đ. Nhìn chung công tác bảo đảm an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán Quý Mão đối với đối tượng bảo trợ xã hội và nguời có hoàn cảnh khó khăn đã được thực hiện kịp thời, đầy đủ.
Cũng tại hội nghị, đại diện một số phòng chức năng của Cục đã chia sẻ những kết quả, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; các chuyên gia đóng góp ý kiến về việc nên cải thiện chính sách trợ cấp cho đối tượng bảo trợ, công tác đào tạo nghề công tác xã hội phù hợp với nhu cầu việc làm của thị trường lao động...
Trên cơ sở kết quả đạt được, trong năm 2023. Sang năm 2024 Cục Bảo trợ xã hội đặt ra mục tiêu phấn đấu: Bảo đảm 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói; hướng dẫn các địa phương chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên tai; 91% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời; 91% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời.
Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Ngọc Toản báo cáo kết quả thực hiện công tác năm 2023 của Cục Bảo trợ Xã hội
Phát biểu kết luận hội nghị, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội - Tô Đức ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia để hoàn thiện chương trình công tác năm 2024; trước mắt tập trung vào hoạt động chăm lo Tết Giáp Thìn với các đối tượng bảo trợ xã hội và người dân.
Sang năm 2024, Cục Bảo trợ xã hội sẽ tập trung nghiên cứu, hoàn thiện đề cương luật sửa đổi đối với Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất xây dựng Nghị định về sàn an sinh xã hội quốc gia và quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bộ chỉ số giám sát an sinh xã hội quốc gia; Xây dựng và trình dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội…
Tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030, Chương trình trợ giúp xã hội và PHCN cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí giai đoạn 2021-2030, Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025.
Chú trọng triển khai quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội đủ năng lực, quy mô, đáp ứng nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ về trợ giúp xã hội, chăm sóc, nuôi dưỡng cho đối tượng, nâng cao chất lượng, hiệu quả trợ giúp xã hội góp phần phòng ngừa người dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao mức sống vật chất, tinh thần của đối tượng cần được trợ giúp và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Ngoài ra, nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, Cục Bảo trợ xã hội sẽ đôn đốc, hỗ trợ địa phương thực hiện giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực trợ giúp xã hội trên phần mềm của Bộ và phần mềm dịch vụ công liên thông của Chính phủ; cập nhật bổ sung thường xuyên cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và xác thực định danh điện tử.