23 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ đạt khoảng 60% quy mô tuyển sinh là số liệu được báo cáo tại buổi làm việc của Sở LĐ-TB&XH với Hội Khoa học Kinh tế Hà Tĩnh, diễn ra chiều 17/1.
Hiện nay, toàn tỉnh có 23 đơn vị giáo dục nghề nghiệp. Số lượng, chủng loại thiết bị dạy nghề được đầu tư đáp ứng khoảng 50% so với danh mục thiết bị dạy nghề tối thiểu theo quy định. Kinh phí đầu tư từ nguồn vốn chương trình mục tiêu và các nguồn huy động khác trung bình hàng năm 20 tỷ đồng.
Giám đốc Sở LĐ - TB & XH Nguyễn Trí Lạc báo cáo tình hình giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh
Số nhà giáo hữu cơ và cán bộ quản lý tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 819, trình độ cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Cơ sở đào tạo có năng lực đào tạo 60 ngành nghề với tổng số học viên tuyển sinh hàng năm gần 24.000 người, ước đạt 60% quy mô tuyển sinh.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đặng Duy Báu - Hội viên Hội Khoa học Kinh tế Hà Tĩnh: Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng nhất trong sự phát triển KT -XH, cần rà soát lại công tác đào tạo để có giải pháp nâng cao chất lượng
Để nâng cao trình độ, chất lượng dạy nghề, các cơ sở đào tạo đã chú trọng công tác hợp tác đào tạo quốc tế. Năm 2018, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào” với sự tham gia của 12 tỉnh của nước CHDCND Lào và các trường cao đẳng trên địa bàn Hà Tĩnh; đào tạo tiếng Việt cho hơn 1.100 lưu học sinh Lào.
Ngoài ra, hợp tác với một số địa phương, đơn vị của Đức, Nhật Bản, Australia…chuyển giao lao động lành nghề, đào tạo du học sinh.
Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Huy Thông - hội viên Hội Khoa học Kinh tế Hà Tĩnh: Cần chú trọng hợp tác với doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường lao động để đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động sau đào tạo
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã phân tích những hạn chế trong công tác đào tạo nghề tại Hà Tĩnh hiện nay. Việc tuyển sinh học nghề đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đào tạo trình độ cao đẳng cho các đối tượng đã tốt nghiệp THPT; chương trình đào tạo chưa phù hợp; việc lựa chọn học nghề của học sinh chưa gắn với nhu cầu nhân lực của thị trường lao động.
Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo chưa chủ động trong xây dựng chương trình đào tạo; chưa phát huy được hiệu quả của trang thiết bị giáo dục; sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp chưa chặt chẽ…
Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Đức Huy - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Hà Tĩnh: Đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu việc làm ngay tại địa phương để khai thác tối đa thị trường
Một số giải pháp đã được các đại biểu đưa ra để nâng cao chất lượng đào tạo nghề và nguồn nhân lực. Theo đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người học; hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách giáo dục nghề nghiệp; đầu tư cho công tác đào tạo nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ giảng dạy. Đồng thời, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo việc làm thực sự gắn với nhu cầu của thị trường lao động…