Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự vào cuộc của MTTQ, các tổ chức đoàn thể và Nhân dân, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ được triển khai thực hiện thường xuyên, sâu rộng với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, tạo thuận lợi cho phụ nữ vươn lên trong học tập, lao động, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tích cực tham gia các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của toàn xã hội về bình đẳng giới.
Để đạt được những kết quả đó, trước hết phải khẳng định vai trò, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Hằng năm, các cấp ủy đã chỉ đạo chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó chú trọng vai trò của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBCPN) trong tham mưu với chính quyền chỉ đạo thực hiện các hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Ban VSTBCPN tỉnh, ngoài Trưởng ban là đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực là Giám đốc Sở Lao động - TB&XH, các phó ban là giám đốc Sở KH-ĐT, Nội vụ, Hội LHPN tỉnh thì các thành viên của Ban hầu hết là Giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành. Việc quy định cơ cấu nhân lực của Ban như trên sẽ thuận lợi hơn trong chỉ đạo, điều hành, bố trí nguồn lực triển khai thực hiện đạt kết quả các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch. Đến nay, Ban VSTBCPN đã được thành lập ở tất cả sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; 13 huyện, thành phố, thị xã và 216 xã, phường, thị trấn. Các ban thường xuyên được củng cố, kiện toàn đảm bảo về cả số lượng và chất lượng, hoạt động có hiệu quả.
Đồng chí Đặng Quốc Vinh - UVBTV Tỉnh ủy, PCT Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh phát biểu tại Hội nghị tập huấn Bình đẳng giớiNhằm cụ thể hóa các quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều văn bản phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh và đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai như: Quyết định số 2091/QĐ-UBND ngày 19/7/2020 của UBND tỉnh về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11/NQ-TW ngày 24/7/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước; Quyết định số 3020/QĐ-UBND ngày 21/12/2012 của UBND tỉnh về ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020; Chỉ thị số 09/CT-TU ngày 04/5/2016, Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 11/3/2016 về triển khai thực hiện Thông báo Kết luận số 196-TB/TW ngày 16/3/2015 của Ban Bí thư về Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới”, trong đó phân công trách nhiệm cụ thể đối với sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh và các địa phương thực hiện. Tỉnh cũng ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 06/01/2017 về thực hiện biện pháp bảo đảm bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2016-2020, quy định về việc tuyển dụng, quy hoạch dự nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo nữ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội. Trước hết, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vai trò, vị trí, tiềm năng của phụ nữ, về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được tổ chức sâu rộng bằng nhiều hình thức phù hợp, đạt hiệu quả cao. Việc tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, kịp thời thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Website của các sở, ban, ngành; trên hệ thống loa phát thành các xã, phường, thị trấn, tuyên truyền qua các hội nghị, các chương trình bồi dưỡng, các lớp tập huấn nghiệp vụ, chuyên đề...Ban VSTBCPN đã xây dựng, biên tập tin bài trên Website; phát hành Tập san “Phụ nữ và phát triển”, in ấn tài liệu hướng dẫn thực hiện “Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, tổ chức thành công cuộc thi:“Công dân Hà Tĩnh với bình đẳng giới”, “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về bình đẳng giới”.Việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đã góp phần làm chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phụ nữ và bình đẳng giới; vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội ngày càng được khẳng định; bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội từng bước được bảo đảm. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động bình đẳng giới và VSTBCPN được chú trọng. Hàng năm, Ban VSTBCPN tỉnh và Ban VSTBCPN các huyện, thành phố, thị xã đã chủ động xây dựng kế hoạch; tham mưu cho UBND các cấp thành lập đoàn kiểm tra tại các đơn vị, địa phương, ít nhất mỗi đơn vị được kiểm tra 01 lần/năm. Nội dung kiểm tra tập trung vào các vấn đề chính như: Tình hình thực hiện luật pháp, chính sách của Đảng, nhà nước đối với lao động nữ; tình hình thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020; công tác lồng ghép giới trong các văn bản quy phạm pháp luật; tình hình tổ chức hoạt động của Ban VSTBCPN, tình hình bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình vì định kiến giới, xâm hại tình dục, nạo phá thai, từ đó tìm hiểu các khó khăn vướng mắc tại các đơn vị để có biện pháp khắc phục kịp thời. Bên cạnh đó, nhiều sở, ngành đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo chuyên đề gắn với công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành, các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về bình đẳng giới, thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ; tạo điều kiện cho chị em nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức chuyên môn; đồng thời quan tâm tạo nguồn, quy hoạch, bồi dưỡng, giới thiệu cán bộ nữ có trình độ, năng lực vào vị trí chủ chốt. Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, vị thế của phụ nữ ngày càng được khẳng định, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản và phát huy vai trò của phụ nữ đối với phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Các chỉ tiêu về việc làm, học nghề, giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa đều được Ban VSTBCPN các cấp, các ngành triển khai thực hiện đạt kết quả.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chụp ảnh với BCH Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021Có thể nói, đến nay nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về bình đẳng giới và công tác phụ nữ được nâng lên rõ rệt, tạo sự chuyển biến tích cực, từng bước hạn chế tình trạng vi phạm quyền bình đẳng giới, định kiến giới trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy vậy, tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn tồn tại trong gia đình và xã hội. Vẫn còn những định kiến, phong tục tập quán, rào cản trong việc nâng cao trình độ học vấn, giao tiếp, chia sẻ công việc gia đình đối với phụ nữ làm ảnh hưởng tới công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em vẫn còn xảy ra; tỷ lệ ly hôn có dấu hiệu gia tăng. Sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn tồn tại dưới nhiều hình thức. Trên cơ sở những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế về công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau: Một là, Sự cam kết mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ luôn đóng vai trò then chốt. Sự tham gia tích cực và trách nhiệm cao của cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp là tiền đề cơ bản để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác bình đẳng giới. Hai là, việc hình thành và kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới và duy trì tổ chức phối hợp liên ngành vì sự tiến bộ của phụ nữ là cần thiết trong việc thực hiện bình đẳng giới. Công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ cần phải gắn với việc thực hiện bình đẳng giới thì mới thực sự đem lại hiệu quả trên thực tế. Ba là, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới của các cấp, các ngành và bản thân người phụ nữ, nam giới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong giai đoạn hiện nay. Bốn là, thường xuyên quan tâm xây dựng quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ, nâng cao năng lực của phụ nữ về mọi mặt nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan của hệ thống chính trị; thực hiện quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ nữ, đảm bảo yêu cầu phát triển liên tục bền vững đội ngũ cán bộ nữ thời kỳ công nhiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tránh tình trạng khi đại hội, bầu cử mới tìm kiếm nhân sự đủ tiêu chuẩn. Đồng thời tổ chức triển khai quán triệt thực hiện nghiêm Nghị quyếtTrung Ương 7 khóa XII (gồm có 3 vấn đề liên quan đến BĐG và sự tiến bộ phụ nữ). Năm là, Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ tại các đơn vị, địa phương để phát hiện những thiếu sót, tồn tại, hạn chế; có đánh giá, tổng kết, sơ kết hằng năm nhằm kịp thời đưa ra những giải pháp, đồng thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều cống hiến trong công tác BĐG, VSTBCPN. Tin tưởng rằng với quan điểm nhất quán, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy Đảng, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh sẽ đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong thời gian tới.