Ngày 11/01/2024, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 36/QĐ-TTg quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam nằm sẽ trong nhóm 20 nước dẫn đầu thế giới về chuyển đổi Internet sang IPv6.
Cơ sở hạ tầng viễn thông
Định hướng phát triển
Mạng viễn thông băng rộng bảo đảm dung lượng lớn, tốc độ cao, công nghệ hiện đại, hạ tầng Internet vạn vật (IoT) được tích hợp rộng rãi bảo đảm phát triển hài hòa, phục vụ tốt chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và an ninh - quốc phòng.
Yêu cầu phát triển đến năm 2025
- Mạng băng rộng cố định đáp ứng quy chuẩn quốc gia (QCVN) về chất lượng dịch vụ với mục tiêu phổ cập được tới tất cả các thôn, bản, bảo đảm 100% số hộ gia đình có khả năng tiếp cận cáp quang khi có nhu cầu với 90% người sử dụng có thể truy nhập Internet cố định, tốc độ trung bình 200 Mb/s; 90% các tổ chức kinh tế - xã hội như doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học, bệnh viện, công sở tại khu vực thành thị có thể truy nhập Internet với tốc độ trung bình 01 Gb/s.
- Mạng băng rộng di động đáp ứng quy chuẩn quốc gia (QCVN) về chất lượng dịch vụ, với mục tiêu tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 40 Mb/s cho mạng 4G và 100 Mb/s cho mạng 5G; 100% dân số ở độ tuổi trưởng thành có điện thoại thông minh.
- 100% các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo có thể truy nhập Internet với tốc độ tối thiểu 1Gb/s.
- 100% các cơ quan Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến cấp xã được kết nối vào Mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước.
- Thực hiện triển khai, đầu tư thêm 2-4 tuyến cáp viễn thông quốc tế.
- Tên miền “.vn” là thương hiệu quốc gia, đạt tối thiểu 1 triệu tên miền, chiếm tối thiểu 60% tên miền sử dụng ở Việt Nam; Việt Nam đứng thứ nhất ASEAN, thuộc nhóm 10 nước dẫn đầu Châu Á, nhóm 20 - 30 nước dẫn đầu thế giới về tên miền.
- Việt Nam nằm trong nhóm 20 nước dẫn đầu thế giới về chuyển đổi Internet sang IPv6.
- Hạ tầng Internet vạn vật (loT) độ trễ thấp sẵn sàng tại tất cả các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo; 100% hạ tầng thiết yếu như giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị có khả năng tích hợp cảm biến và ứng dụng IoT.
- Việt Nam thuộc nhóm 50 quốc gia dẫn đầu theo bộ chỉ số phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (IDl) của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU).
Yêu cầu phát triển đến năm 2030
- Hạ tầng mạng truy cập băng rộng cố định được đầu tư, nâng cấp bảo đảm 100% người sử dụng có khả năng truy nhập với tốc độ trên 1Gb/s.
- Mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số, hướng tới phát triển mạng di động tiên tiến thế hệ tiếp theo.
- Phát triển thêm 4-6 tuyến cáp quang biển quốc tế.
- Hệ thống truyền dẫn, phát sóng phát thanh số có khả năng cung cấp chương trình và các dịch vụ giá trị gia tăng có chất lượng cao tại các thành phố lớn trực thuộc Trung ương, các thành phố, đô thị loại I và các khu vực lân cận.
Hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây
Định hướng phát triển
- Hình thành các trung tâm dữ liệu quy mô lớn, theo tiêu chuẩn xanh, bám sát quy hoạch vùng năng lượng; bảo đảm các trung tâm dữ liệu được kết nối đồng bộ, dữ liệu liên thông và có khả năng dự phòng lẫn nhau, thúc đẩy phát triển công nghiệp dữ liệu lớn; nâng cao hiệu suất và khai thác hiệu quả các trung tâm dữ liệu hiện có.
- Dữ liệu phát sinh tại Việt Nam phải được lưu trữ tại Việt Nam theo quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn dữ liệu và bảo vệ dữ liệu cá nhân của người sử dụng.
- Ưu tiên, khuyến khích sử dụng điện toán đám mây do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ, phục vụ kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu một cách linh hoạt, ổn định và hiệu quả, tuân thủ chặt chẽ quy định về an toàn thông tin mạng.
Yêu cầu phát triển đến năm 2025
- Hình thành và triển khai các trung tâm dữ liệu quốc gia là hạ tầng phục vụ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu dùng chung khác theo quy định của pháp luật, Trung tâm dữ liệu quốc gia do nhà nước chủ trì tổ chức công tác xây dựng, quản lý, khai thác và vận hành. Mục tiêu, quy mô, loại hình, vai trò, phạm vi, định hướng khai thác sử dụng của mỗi trung tâm dữ liệu quốc gia thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án, dự án trung tâm dữ liệu quốc gia, tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm hiệu quả đầu tư, không chồng chéo, lãng phí. Ưu tiên triển khai sớm các trung tâm dữ liệu quốc gia có vai trò phục vụ cung cấp hạ tầng dùng chung cho cơ quan nhà nước; tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, khai thác, chia sẻ, phân tích và điều phối dữ liệu để trở thành hạ tầng tham gia cung cấp dịch vụ điện toán đám mây chính phủ, hỗ trợ hoạch định chính sách, kiến tạo phát triển, xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đặc biệt là Trung tâm dữ liệu quốc gia đã được quy định tại Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia.
- Hình thành tối thiểu 03 cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia. Trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia là trung tâm dữ liệu quy mô quốc gia, phục vụ hoạt động kinh tế - xã hội, hoạt động của cơ quan nhà nước. Trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia do doanh nghiệp xây dựng, quản lý, khai thác và vận hành. Cơ quan nhà nước có thể thuê dịch vụ của Trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia đáp ứng yêu cầu phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật.
- Hình thành các cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng. Trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng là trung tâm dữ liệu quy mô vùng, phục vụ hoạt động kinh tế - xã hội, hoạt động của cơ quan nhà nước. Trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng do doanh nghiệp xây dựng, quản lý, khai thác và vận hành. Cơ quan nhà nước có thể thuê dịch vụ của trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng đáp ứng yêu cầu phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật.
- Hình thành 1 - 2 trung tâm dữ liệu khu vực phục vụ nhu cầu của các trung tâm tài chính Việt Nam và cho khu vực, quốc tế.
- Trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn xanh theo các tiêu chuẩn quốc tế, trong đó chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng (PUE) của trung tâm dữ liệu được đầu tư xây dựng mới không vượt quá 1,4.
- Năng lực các trung tâm dữ liệu bảo đảm đáp ứng quy mô doanh thu thị trường điện toán đám mây khoảng 1% GDP.
- 100% cơ quan thuộc Chính phủ dùng hệ sinh thái điện toán đám mây phục vụ Chính phủ số.
- 70% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp.
Yêu cầu phát triển đến năm 2030
- Phát triển các cụm trung tâm dữ liệu quy mô lớn theo tiêu chuẩn xanh, kết nối và chia sẻ tạo thành mạng lưới các cụm trung tâm dữ liệu nhằm thúc đẩy công nghiệp dữ liệu lớn, trong đó hình thành tối thiểu 03 cụm trung tâm dữ liệu quốc gia theo quy định tại Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia.
- 100% cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và trên 50% người dân sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp.
Nguyễn Quốc Anh