Năm 2023, Ngành LĐTBXH thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án giải quyết việc làm; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, các nhóm lao động yếu thế. Thực hiện hiệu quả hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. Giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt các chính sách pháp luật lao động; nâng cao đời sống cho người có công, người nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; công tác phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới ngày càng rõ nét. Hệ thống an sinh xã hội đã từng bước phát triển toàn diện, tiến tới mục tiêu bao phủ toàn dân; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; đời sống người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội được cải thiện, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đảm bảo đạt các tiêu chí tỉnh nông thôn mới.
Thực hiện tốt chế độ, chính sách về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Các chính sách đối với người lao động đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra tình trạng đình công, ngừng việc tập trung đông người tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh khiếu nại, khiếu kiện về chính sách đối với người lao động. Về chính sách tiền lương: Mức lương thấp nhất người lao động được trả bằng mức lương tối thiểu vùng theo quy định; Mức lương bình quân dự kiến đạt 10,23 triệu đồng/tháng/người; mức lương cao nhất: 100 triệu đồng/người/tháng.
Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng mở rộng diện bao phủ (nhất là đối với lao động khu vực phi chính thức). Với chính sách hỗ trợ 20% mức đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, Hà Tĩnh là một trong số các tỉnh đầu tiên ban hành chính sách hỗ trợ đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện giai đoạn 2020-2025 nên tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội tăng nhanh. Tính đến 31/12/2023, tỷ lệ bao phủ BHXH là 22,4%; bao phủ BHTN đạt 12,4%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng Nhân dân tỉnh giao. Toàn tỉnh có 1.159.210 người dân tham gia BHYT nội tỉnh và 88.095 lao động đi làm việc ở nước ngoài tham gia BHYT. Tổng số người tham gia BHYT 1.247.305 người (bao gồm số thẻ thân nhân quân đội, thẻ lực lượng vũ trang và dân số đi lao động nước ngoài), tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 92,9%.
Tăng cường công tác giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, kết nối giữa đào tạo nghề với giải quyết việc làm, hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động. Sau nửa nhiệm kỳ có 71.876 người lao động được giải quyết việc làm mới (đạt 71,9% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra 100.000). Hà Tĩnh là một trong những địa phương có số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài lớn, giai đoạn 2020-2023 bình quân có trên 9.000 lao động/năm đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Riêng năm 2023, số lao động được giải quyết việc làm đạt 23.125 người, tăng 100,56% so với năm 2022, đạt 102,7% kế hoạch, trong đó giải quyết việc làm trong nước đạt 10.920 người, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động đạt 12.205 người.
Tăng cường công tác tuyển sinh, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
Công tác tuyển sinh, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực đào tạo nghề, đào tạo sơ cấp nghề, dạy nghề dưới 3 tháng được tăng cường; đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, đào tạo nghề gắn với các mô hình phát triển kinh tế đáp ứng yêu cầu thực hiện các mô hình giảm nghèo xây dựng nông thôn mới.
Năm 2023, các cơ sở dạy nghề tuyển sinh mới 15.254 người, đạt 73% kế hoạch năm 2023, đạt 72,9% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả tốt nghiệp 15.268 người (trong đó cao đẳng 672 người, trung cấp 4.482 người, sơ cấp 4.902 người, dưới 3 tháng 5.212 người).
Chăm lo thực hiện tốt chính sách đối với người có công.
Toàn tỉnh đã xác nhận, giải quyết chế độ cho 303.272 người có công. 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm sóc chu đáo; 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ; 100% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống tại nơi cư trú. Hàng năm, thực hiện chi trả kịp thời kinh phí trợ cấp thường xuyên trên 1.000 tỷ đồng.
Chính sách trợ giúp xã hội tại cộng đồng và các cơ sở trợ giúp xã hội tiếp tục được tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả.
Ngoài việc thực hiện chính sách của Trung ương, Hà Tĩnh đã có chính sách riêng bao phủ đến tất cả đối tượng khó khăn, yếu thế trên địa bàn tỉnh. Là một trong nhóm các tỉnh ban hành chính sách riêng về hỗ trợ thu nhập, xã hội hóa hỗ trợ thu nhập đối với người có công, người cao tuổi thuộc hộ nghèo, thành viên hộ nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người cao tuổi thuộc hộ nghèo, đơn thân, không có người có quyền và nghĩa vụ phụng dưỡng. Đặc biệt là việc đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ những người thiệt thòi, yếu thế, tạo điều kiện để các đối tượng khắc phục khó khăn trong cuộc sống như hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ cấp thẻ BHYT, BHXH, hỗ trợ thu nhập, thăm hỏi, tặng quà, thăm hỏi nhân dịp Lễ, Tết....
Thực hiện tốt Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam năm 2023 và Liên hoan tiếng hát Người cao tuổi Việt Nam khu vực I với gần 600 đại biểu, diễn viên thuộc 26 tỉnh, thành tham gia được Trung ương và các tỉnh thành ghi nhận, đánh giá cao.
Phối hợp với Đài PTTH tỉnh tham mưu đêm văn nghệ đặc sắc “Xuân ấm áp, tết yêu thương” Chiêu đãi nhân dân, tri ân các doanh nhân, doanh nghiệp sau một năm khải hoàn trên mọi lĩnh vực phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng, chăm lo đời sống và hạnh phúc của nhân dân.
Chính sách giảm nghèo phát huy hiệu quả
Chính sách giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người dân; đầu tư nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh, mô hình giảm nghèo có hiệu quả. Phong trào thi đua “Hà Tĩnh chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” huy động được mọi nguồn lực và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh nội lực của Nhân dân. Đến nay Hà Tĩnh không còn huyện nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, thôn đặc biệt khó khăn miền núi. Cuối năm 2023, toàn tỉnh có 11.572 hộ nghèo (giảm 2.955 hộ), chiếm tỷ lệ 3.01% (giảm 0,78%); có 12.947 hộ cận nghèo (giảm 2.539 hộ), chiếm tỷ lệ 3,37% (giảm 0,67%) so với cuối năm 2022 (là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thuộc nhóm thấp nhất các tỉnh Bắc trung bộ và duyên hải miền trung, là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn bình quân chung của cả nước).
Thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và nhà ở kiên cố cho đối tượng người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai trên địa bàn tỉnh
Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và nhà ở kiên cố cho đối tượng người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Lũy kế từ 2021 đến nay, toàn tỉnh đã huy động hỗ trợ xây dựng 65 nhà văn hóa cộng đồng và hỗ trợ xây dựng mới 6.125 nhà ở cho người có công, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và hộ bị thiệt hại do thiên tai, với tổng kinh phí thực hiện gần 553 tỷ đồng.
Những kết quả trên góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân và các đối tượng chính sách vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, qua đó góp phần ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Ban Biên tập