Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng yêu cầu các địa phương, đơn vị rà soát kỹ lưỡng, lựa chọn những nơi thường xuyên ngập lụt và có nhu cầu thực sự để xây dựng nhà tránh bão, lũ cho người dân.
Sáng 26/11, dưới sự chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh - Trưởng ban chỉ đạo Hoàng Trung Dũng, Ban Chỉ đạo thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai họp triển khai nhiệm vụ thời gian tới. Cùng dự có Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng, các thành viên Ban Chỉ đạo và đại diện các sở, ngành liên quan.
Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng Ban Chỉ đạo Hoàng Trung Dũng chủ trì cuộc họp.
Nỗ lực huy động nguồn lực xã hội hóa 100% để xây dựng nhà cộng đồng, nhà dân cư tránh bão, lũ Trước thiệt hại lớn từ thiên tai, đặc biệt là trận lũ chồng lũ xảy ra vào tháng 10/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Trí Lạc báo cáo dự thảo kế hoạch thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà tránh bão, lũ.
Theo đó, đối tượng thụ hưởng là những gia đình thuộc diện hộ người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do lũ lụt mà nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, không có khả năng tự cải thiện nhà ở và chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, chính sách, hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội khác. Dự kiến kinh phí xây dựng nhà văn hóa cộng đồng và nhà ở được thực hiện theo hình thức xã hội hóa 100%; thời gian thực hiện giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, mức hỗ trợ dự kiến mỗi nhà văn hóa là 2 tỷ đồng và nhà ở là 60 triệu đồng.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Văn Tình trình bày các phương án thiết kế nhà tránh bão, lũ.
Tại cuộc họp, đại biểu được nghe đại diện Sở Xây dựng trình bày các phương án thiết kế nhà sinh hoạt cộng đồng 2 tầng; nhà ở dân cư vùng lũ đối với hộ dân đã có nhà hiện hữu nhưng không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ và nhà ở dân cư vùng lũ đối với hộ dân mất nhà cửa sau lũ lụt.
Bí thư Huyện ủy Can Lộc Nguyễn Như Dũng: Việc xây dựng nhà cộng đồng tránh lũ, nhà ở dân cư vùng lũ là vô cùng cần thiết và cấp thiết. Tuy nhiên cần tính toán chi tiết hơn về việc xây dựng nhà ở vùng lũ, nên xây dựng theo hướng vừa là nhà người dân sử dụng sinh hoạt bình thường, vừa phát huy hiệu quả khi xảy ra bão, lũ lớn.
Cụ thể, nhà sinh hoạt cộng đồng 2 tầng dự kiến có tổng diện tích sàn từ 360- 500 m2, kinh phí xây dựng từ 1,8 - 2,5 tỷ đồng. Đây sẽ là nơi sinh hoạt văn hóa thường xuyên của cộng đồng dân cư, cũng là nơi tránh trú an toàn cho người dân khi lũ đến.
Bí thư Huyện ủy Hương Khê Lê Ngọc Huấn: Ngành LĐ-TB&XH cần rà soát thật kỹ lưỡng, đảm bảo đúng đối tượng, địa phương cần hỗ trợ xây dựng nhà cộng đồng, nhà dân cư tránh trú bão lũ. Bên cạnh đó, cần tính toán thêm phương án xây dựng cầu đường vượt lũ cho Nhân dân.
Nhà ở dân cư vùng lũ đối với hộ dân đã có nhà hiện hữu nhưng không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ dự kiến có tổng diện tích sàn 40 m2, chi phí vật liệu 60 triệu đồng, chi phí khác do người dân và các lực lượng hỗ trợ.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Tú Anh: Sở Xây dựng cần tiếp tục bổ sung thêm các phương án thiết kế khác để lựa chọn phương án phù hợp nhất, hoàn chỉnh thiết kế chi tiết từng mẫu nhà và nghiên cứu lại diện tích nhà ở dân cư.
Nhà ở dân cư vùng lũ đối với hộ dân mất nhà cửa sau lũ lụt dự kiến có tổng diện tích sàn 35 - 46 m2, chi phí vật liệu 65 triệu đồng, chi phí khác do người dân cùng các lực lượng hỗ trợ.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân: Phải xem xét nhu cầu thực sự của từng địa phương, từng hộ dân để làm cơ sở lên phương án thiết kế xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, nhà ở dân cư tránh trú bão, lũ.
Tại cuộc họp, đại biểu thống nhất cao sự cần thiết cần xây dựng nhà cộng đồng tránh lũ và nhà ở dân cư vùng lũ lụt. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà cần được tính toán kỹ lưỡng về phương án thiết kế, nguồn kinh phí hỗ trợ, rà soát đúng đối tượng, đúng nhu cầu của từng địa phương; cần học hỏi các địa phương khác kinh nghiệm, cách làm trong xây dựng nhà tránh bão, lũ.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Văn Hùng: Cần khảo sát, rà soát kỹ ở những địa phương thực sự có nhu cầu, thực sự cần thiết xây dựng nhà cộng đồng tránh bão, lũ. Theo đó, cần xây dựng tiêu chí chi tiết đối với trường hợp cần hỗ trợ xây dựng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh: Các đơn vị liên quan cần phối hợp hiệu quả, tập trung triển khai sớm việc xây dựng nhà tránh bão, lũ để tranh thủ sớm các nguồn tài trợ.
Các địa phương cần tích cực huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa; phương án thiết kế cần thay đổi linh hoạt tùy theo thực tiễn từng địa phương, không cứng nhắc theo một mẫu chung; nên triển khai xây dựng thí điểm trước khi xây dựng đồng loạt. Đại biểu cũng đề xuất cần xây dựng thêm cầu đường vượt lũ; xây dựng tiêu chí chi tiết đối với trường hợp cần hỗ trợ xây dựng nhà ở cộng đồng, nhà dân cư tránh bão, lũ.
“Việc xây dựng nhà cộng đồng và nhà dân tránh bão, lũ là từ nguồn xã hội hóa 100%, vì vậy cần cải cách hành chính, đẩy nhanh tiến độ triển khai. Cần tiến hành làm thí điểm nhà tránh trú bão, lũ, đảm bảo hoàn thành trước tết âm lịch trước khi triển khai xây dựng đồng loạt. Đồng thời, phải khảo sát nhu cầu thực tế và học hỏi cách làm nhà tránh bão, lũ của các tỉnh, thành khác trong cả nước; cần phân cấp nguồn kinh phí để các địa phương cấp huyện chịu trách nhiệm.” Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng
Rà soát kỹ lưỡng, lựa chọn đúng đối tượng, nhu cầu Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng khẳng định: Tỉnh luôn đặt hiệu quả, lợi ích của Nhân dân lên trên hết trong việc xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, nhà ở dân cư tránh bão, lũ.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng: Các địa phương, đơn vị cần rà soát chi tiết, kỹ lưỡng, lựa chọn những nơi thường xuyên ngập lụt và có nhu cầu thực sự để xây dựng nhà tránh lũ bão
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, các địa phương, đơn vị cần rà soát chi tiết, kỹ lưỡng, lựa chọn những nơi thường xuyên ngập lụt và có nhu cầu thực sự để xây dựng nhà tránh lũ bão. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các sở, ngành liên quan sớm hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục, ban hành hướng dẫn phân công cụ thể nhiệm vụ từng phần việc cho từng đơn vị; Sở Xây dựng tiếp tục thiết kế thêm các mẫu nhà tránh bão, lũ phù hợp để lựa chọn; Sở LĐ-TB&XH rà soát chính xác, đúng đối tượng các địa phương, hộ dân được thụ hưởng. Trước mắt, mỗi huyện lựa chọn 2 - 3 nhà văn hóa cộng đồng để triển khai xây dựng; nguồn kinh phí sẽ được phân cấp về huyện quản lý, giám sát.
Toàn cảnh cuộc họp.
Các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ, hướng dẫn các huyện trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo thủ tục hành chính đúng pháp luật và nhanh gọn. Bên cạnh đó, đối với các trường học, trạm y tế thường xuyên trở thành nơi tránh trú bão, lũ cho bà con, tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ nâng cấp trong điều kiện có thể.