Ngày 25/12/2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị sơ kết Nghị định số 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ, triển khai một số chính sách đối với người có công với cách mạng và công tác điều dưỡng năm 2025. Tham dự hội nghị có đại diện Ban Giám đốc Sở, Lãnh đạo và chuyên viên Phòng người có công, Trưởng, phó phòng chuyên môn thuộc Sở; Ban Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội; Lãnh đạo và chuyên viên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố, thị xã.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đặng Văn Dũng quán triệt, chỉ đạo hội nghị
Thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2024 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các Nghị định quy định về mức trợ cấp, phụ cấp đối với người có công, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời ban hành đầy đủ hệ thống các Văn bản chỉ đạo; bổ sung các chính sách của địa phương về hỗ trợ các đối tượng chính sách, gia đình liệt sĩ; huy động nguồn lực làm nhà ở, tặng quà, nâng cấp các nghĩa trang, phần mộ liệt sĩ. Tỉnh uỷ đã ban hành 2 Quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo xác nhận Người có công với cách mạng; HĐND tỉnh ban hành 04 Nghị quyết có các chính liên quan đến việc hỗ trợ người có công; UBND tỉnh ban hành 25 Văn bản chỉ đạo và các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các Nghị định của Chính phủ.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 13 hội nghị tập huấn và đối thoại chính sách người có công với 3.900 người tham dự nhằm giải đáp cụ thể để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách người có công và có văn bản trả lời địa phương, cơ sở sau hội nghị đối thoại. Các huyện, thành phố, thị xã tổ chức 71 lớp tập huấn cho cán bộ chính sách và các tổ chức, đoàn thể cấp xã, với 11.827 đại biểu tham dự. Phối hợp Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh và các cơ quan báo chí tuyên truyền sâu rộng các quy định của Chính phủ và kết quả thực hiện chế độ, chính sách trên địa bàn tỉnh với 322 tin, bài, phóng sự, dựng hàng trăm pa nô áp phích; tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở, thôn, xóm, qua các hội nghị, hội thảo giao ban báo chí...; với trên 20 vạn lượt đối tượng được thông tin, tuyên truyền các nội dung quy định về ưu đãi người có công với cách mạng. Biên soạn, in ấn 138.590 tờ rơi, tờ gấp hướng dẫn thực hiện chính sách người có công.
Đến nay, Hà Tĩnh đã xác nhận, thực hiện chế độ chính sách cho 303.379 đối tượng người có công, trong đó: 2.946 Cán bộ lão thành cách mạng, 849 Cán bộ Tiền khởi nghĩa, 26.656 Liệt sĩ, 1.997 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 35 Anh hùng lao động và Anh hùng lực lượng vũ trang trong kháng chiến, 37.793 Thương binh, 10.129 Bệnh binh, 6.700 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 663 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 172.275 người được tặng thưởng Huân Huy chương kháng chiến, 43.337 gia đình có công giúp đỡ cách mạng.
Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã chi trả trợ cấp hàng tháng cho 118.914 lượt đối tượng, trợ cấp một lần cho 89.109 đối tượng; trợ cấp ưu đãi giáo dục đào tạo cho 2.255 đối tượng, trợ cấp dụng cụ chỉnh hình cho 1.913 đối tượng và các chính sách liên quan với tổng kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách theo Nghị định số 131/2021/NĐ-CP trên 2.600 tỷ đồng. Số đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng: 39.133 người.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã giải quyết chế độ, chính sách cho 21.112 trường hợp theo Nghị định số 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ; trong đó, giải quyết hưởng đồng thời hai chế độ cho 885 trường hợp, mai táng phí 9.637 trường hợp (người có công 5.364 trường hợp, đối tượng khác 4.273 trường hợp), Bảo hiểm y tế 1.792 trường hợp, vợ liệt sĩ tái giá 15 trường hợp, thờ cúng liệt sĩ 1.414 trường hợp, chất độc hóa học 60 trường hợp, giám định lại thương tật 85 trường hợp, sửa đổi thông tin hồ sơ 2.023 trường hợp, cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công 2.412 trường hợp, cấp Giấy chứng nhận người có công 1.269 trường hợp; di chuyển hài cốt liệt sĩ 81 trường hợp, xác định danh tính liệt sĩ 155 trường hợp (Sở ban hành Quyết định xác định bằng phương pháp thực chứng 16 trường hợp, đề nghị các tỉnh xác định 139 trường hợp)...
Đại biểu tham dự hội nghị
Tổ chức điều dưỡng tập trung cho 8.991 lượt đối tượng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh; điều dưỡng tại nhà 29.114 lượt đối tượng, với tổng kinh phí thực hiện: 46,385 tỷ đồng; trong đó, năm 2024, tổ chức điều dưỡng cho 3.068 người, đạt 86,5%; chi trả chế độ điều dưỡng tại nhà 9.415 người, đạt 100% kế hoạch (năm 2025, dự kiến điều dưỡng cho 18.348 người có công (trong đó, điều dưỡng tập trung 3.581 người, điều dưỡng tại nhà 14.761 người). Huy động nguồn lực xã hội hoá hỗ trợ cho hơn 2000 đối tượng người có công với cách mạng xây dựng nhà ở kiên cố với mức hỗ trợ từ 70-80 triệu đồng/nhà theo Quyết định số 22-QĐ/TU, Quyết định số 630-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tĩnh. Đến nay, 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm sóc chu đáo (hiện 20 Mẹ còn sống); 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ; 100% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống tại nơi cư trú.
Huy động các nguồn lực đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”: trao tặng 756.819 suất quà, với tổng số tiền hơn 204 tỷ đồng. Trong đó: Quà Chủ tịch nước: 302.671 suất, số tiền 92,453 tỷ đồng; quà của tỉnh: 203.605 suất (quà bằng tiền và quà thắp hương liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã từ trần theo chính sách của tỉnh), số tiền 55,506 tỷ đồng; quà cấp huyện, cấp xã và quà huy động từ nguồn xã hội hóa: 250.543 suất, số tiền 56,072 tỷ đồng. Từ năm 2022 đến nay, Quỹ đền ơn đáp nghĩa các cấp đã huy động số tiền 16,518 tỷ đồng, trong đó, Quỹ cấp tỉnh: 3,505 tỷ đồng, Quỹ cấp huyện 13,013 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí huy động được, các huyện, thành phố, thị xã đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 104 nhà ở cho người có công, kinh phí 5,9 tỷ đồng; tặng 125 sổ tiết kiệm, kinh phí 459 triệu đồng và nhiều hoạt động hỗ trợ khác.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập. Hiện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để giải quyết, xử lý những vướng mắc, khó khăn nhằm thực hiện kịp thời, đúng quy định, đảm bảo quyền lợi của người có công với cách mạng.